(VietNamNet) - Tách riêng Bưu chính với Viễn thông, và tin học hoá ngành Bưu chính Việt Nam là trọng tâm của Dự thảo Quy hoạch phát triển Bưu chính Việt Nam từ nay đến năm 2010. Dự kiến trong tháng 8, Bộ Bưu chính-Viễn thông (BC-VT) sẽ trình Dự thảo này lên Thủ tướng Chính phủ.
Thư về bản (Ảnh: Thanh Hải) |
Hiện nay, tình hình mạng bưu chính Việt Nam so với khu vực là chưa cao. Bình quân đầu người về số thư là 3 thư/năm/người (so với Thái Lan là 20 thư/năm/người); số lần phát thư 2 lần/ngày.
Ngày 7/6/2002, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ký lệnh công bố Pháp lệnh BC-VT, đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa X thông qua ngày 25/5/2002. Pháp lệnh quy định rõ: Tách riêng mạng bưu chính công cộng và mạng chuyển phát. Mạng bưu chính công cộng được xây dựng, quản lý và phát triển theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, gồm các trung tâm đầu mối, bưu cục, điểm phục vụ, thùng thư công cộng được kết nối nhau bằng các tuyến đường thư. Về mạng chuyển phát, do doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế xây dựng và quản lý để cung cấp dịch vụ chuyển phát thư theo quy định của pháp luật về BC-VT và các quy định khác của pháp luật về vận chuyển hàng hóa.
Cho Bưu chính "đi ở riêng"
Phó tổng giám đốc thường trực VNPT Lê Anh Đức cho biết: Hiện tại, VNPT đã tận dụng được mạng lưới BC-VT với gần 13.000 bưu cục, đại lý và điểm Bưu điện Văn hoá xã trên cả nước, từ trung tâm các tỉnh cho đến tận xã. Những dịch vụ này đã đáp ứng nhu cầu nhận, gửi thuận lợi cho dân cư để giúp thu hút vốn, nộp cho Quỹ Hỗ trợ Phát triển của Nhà nước để Nhà nước đầu tư vào các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Phát triển song song với viễn thông, Bưu chính cũng không ngừng đưa ra các dịch vụ mới tiện lợi cho người dân. Bên cạnh những dịch vụ truyền thống như gửi thư, chuyển tiền, VNPT cũng mở thêm các dịch vụ mới như Tiết kiệm Bưu điện, chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam, kèm theo Chuyển Phát Nhanh, phát tận tay. Hiện nay, Bưu chính đang tiến tới nhận phát tại nhà nên các dịch vụ tài chính bưu chính rất quan trọng vì có khả năng triển khai và phát triển các dịch vụ ngân hàng trong mạng lưới bưu chính: dịch vụ tài khoản cá nhân, nhờ thu nhờ trả cho các doanh nghiệp như thu tiền nước, tiền điện thoại, các dịch vụ nhận trả cá nhân cho các doanh nghiệp,... Đó cũng là kênh huy động vốn nhàn rỗi trong dân cư để góp phần cùng Nhà nước phát triển kinh tế- xã hội. Mặt khác, nó cũng bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động cũng như hiệu quả sử dụng mạng lưới dịch vụ bưu chính. |
Trước đây, Bưu chính Việt Nam chủ yếu phát triển mảng bưu chính công ích. Trong quy hoạch phát triển giai đoạn mới, điều này được quy định lại rõ ràng: sẽ gồm hai mảng dịch vụ chính là bưu chính công cộng và bưu chính dịch vụ. Trong đó, dịch vụ công cộng do Nhà nước quản lý, đảm bảo cung cấp dịch vụ cho mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội, nhất là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa. Đồng hành với thời hội nhập, mở cửa, Bưu chính sẽ mở rộng dịch vụ, trước hết là cho phép nhiều doanh nghiệp cùng tham gia kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư. Với kế hoạch này, ngành bưu chính nước ta sẽ chuyển dần từ cơ chế phục vụ sang giai đoạn chuyển tiếp - trở thành ngành kinh doanh và phục vụ.
Cũng theo chủ trương của lãnh đạo Bộ BC-VT, định hướng chiến lược cho Bưu chính Việt Nam là định hình các dịch vụ mới - với sự hội tụ bưu chính kết hợp với các lĩnh vực tài chính để tạo thành tài chính bưu điện; kết hợp với công nghệ thông tin (CNTT) để phục vụ thương mại điện tử; kết hợp với viễn thông để hoà vào mạng lưới cung cấp dịch vụ, sản phẩm viễn thông.
Ông Đỗ Ngọc Bình, trưởng Ban Bưu chính - Tổng Công ty BC-VT Việt Nam (VNPT) cho hay: ''Nhờ đưa công nghệ vào áp dụng trong sản xuất, ngành bưu chính sẽ dần chuyển dịch cơ cấu từ phục vụ chủ yếu cho khách hàng tư nhân (Customer to Customer) sang đối tượng là các cơ quan, doanh nghiệp (Bussiness to Bussiness, và Bussiness to Customer). Như thế, sẽ đưa ra thị trường các sản phẩm mang tính chuyên nghiệp hóa và tin học hóa cao''.
Điểm mấu chốt của Quy hoạch là sự tách riêng hai ngành Bưu chính và Viễn thông, tiến tới để Bưu chính Việt Nam được hoạt động độc lập - trở thành ngành kinh tế có doanh thu. Việc chia tách này của Trung Quốc đã từng thực hiện rất thành công: họ tiến hành ''cho bưu chính đi ở riêng'' trong thời gian bốn năm. Ban đầu, khi đã tách riêng, Nhà nước hỗ trợ cho Bưu chính tám tỷ nhân dân tệ, năm thứ hai là năm tỷ nhân dân tệ và cứ như vậy, con số này giảm dần xuống, theo tỷ lệ 8-5-3-1. Đến hết năm thứ tư, Bưu chính Trung Quốc đã ''trưởng thành, tự đứng trên đôi chân của mình".
Trong lộ trình phát triển Bưu chính Việt Nam, dự kiến đến năm 2005, Bộ BC-VT sẽ kết hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn và triển khai hạch toán riêng ngành Bưu chính. Đến năm 2007, tiến tới hạ giá thành dịch vụ bưu chính, tách riêng hoàn toàn với viễn thông - trở thành ngành kinh tế hoạt động độc lập. Tiến tới năm 2010, Bưu chính Việt Nam phấn đấu kinh doanh có lãi, ''đứng vững trên đôi chân của mình".
Theo Quyết định 158/ 2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển BC-VT Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, sẽ ''phát triển Bưu chính Việt Nam theo hướng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa, nhằm đạt trình độ hiện đại ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực. Tổ chức Bưu chính tách khỏi Viễn thông, hoạt động độc lập có hiệu quả, cung cấp các dịch vụ đa dạng theo tiêu chuẩn quốc tế''.
Theo Dự thảo nêu trên, với số vốn dự kiến đầu tư giai đoạn 2004-2005 là 500 tỷ đồng, đến năm 2010 sẽ phát triển mạng lưới bưu chính theo kế hoạch: Năm 2003, đã đưa vào hoạt động 12.000 điểm phục vụ bưu chính trên cả nước. Năm 2005, phát triển thành 13.000 điểm. Đến năm 2010, con số này sẽ là 13.500 điểm phục vụ.
Năm 2010, đạt mức độ phục vụ bình quân dưới 7.000 người dân trên một điểm phục vụ BC-VT, bán kính phục vụ bình quân dưới 3km. Đạt chỉ tiêu 100% số xã đồng bằng và hầu hết các xã miền núi có báo đến trong ngày. Mặt khác, tiếp tục ''thiết lập mạng bưu chính công cộng rộng khắp trong cả nước để cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước. Cung cấp dịch vụ bưu chính công ích và thực hiện các nhiệm vụ công ích khác do Nhà nước giao, nhằm bảo vệ an toàn mạng bưu chính và bảo đảm an ninh thông tin. Cũng nhờ dựa vào mạng bưu chính công cộng này, sẽ kinh doanh các dịch vụ: tài chính, tiết kiệm, chuyển tiền, phát hành báo chí, ngân hàng..."
Quan trọng nhất, chính là phát triển các dịch vụ mới - hướng đến chuyển cơ cấu kinh tế cũng như doanh thu dịch vụ về phía các dịch vụ bưu chính mới. Việc kinh doanh có lãi sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển các dịch vụ trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới, tin học hóa bưu chính.
Tin học hoá Bưu chính? Đã khởi động...
Trong điều kiện Bưu chính phải đứng ra hoạt động kinh doanh độc lập và chịu nhiều sức ép cạnh tranh về dịch vụ với nhiều đối thủ như hiện nay, một hình ảnh Bưu chính Việt Nam năng động hơn, hoạt động hiệu quả hơn và khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng cao hơn là một yếu tố rất quan trọng. Trong lộ trình đến năm 2010, ngành Bưu chính hiện đã xúc tiến tin học hoá mạng lưới nhằm chuẩn hoá, giảm thiểu các thao tác thủ công trong công tác phục vụ khách hàng.
Khách hàng giao dịch Tiết kiệm Bưu điện - một dịch vụ bưu chính của VNPT đang được tin học hoá mạnh. |
Chính thức hoạt động từ đầu năm 2004, Ban POST*Net thuộc VNPT, đơn vị chủ quản toàn bộ các dự án tin học hoá ngành Bưu chính đã triển khai ngay ba phần mềm (cũng là ba tiểu dự án) dành cho những dịch vụ bưu chính có khả năng thu hút khách hàng nhiều nhất. Được ưu tiên hàng đầu, phần mềm đầu tiên dành cho các dịch vụ tài chính bưu chính như các dịch vụ chuyển tiền, Tiết kiệm Bưu điện (có tính đến việc đảm bảo cung cấp dịch vụ chuyển tiền điện tử sau này). Tiểu dự án thứ hai là phần mềm theo dõi định vị, cung cấp thông tin hỗ trợ khách hàng và xây dựng cơ sở dữ liệu để trao đổi quốc tế hay với ngành Hàng không, với các dịch vụ chuyển phát nhanh, bưu phẩm ghi số, bưu kiện, bưu chính uỷ thác. Phần mềm thứ ba: tự động hoá giao dịch để cung cấp một giao diện thống nhất và chuẩn hoá cho toàn bộ các quầy giao dịch trong cả nước.
Phần mềm truy tìm định vị bưu gửi EMS là một trong số những đầu việc nằm trong tiểu dự án xây dựng phần mềm theo dõi định vị, cung cấp thông tin hỗ trợ khách hàng và đã sớm được POST*Net triển khai. Trong triển khai, phần mềm này đã giúp nhân viên Bưu điện và khách hàng sử dụng dịch vụ có thể theo dõi được hành trình bưu gửi EMS và phía Bưu điện cũng sẽ nhanh chóng xử lý được những vấn đề có thể xảy ra trong quá trình nhận, phát bưu gửi EMS. Bước đầu, việc sử dụng phần mềm này đã được triển khai tại 25 Bưu điện tỉnh, thành có sản lượng dịch vụ EMS cao nhất (chiếm khoảng 90% tổng sản lượng cả nước) cho kết quả tốt. VNPT sẽ tiếp tục triển khai phần mềm này đến các tỉnh, thành còn lại. Sắp tới, không chỉ dịch vụ EMS mà cả các sản phẩm khác của Bưu chính như phát trong ngày, bưu phẩm ghi số, bưu kiện, bưu chính uỷ thác... cũng sẽ có phần mềm thông tin định vị áp dụng riêng cho từng dịch vụ.
VNPT cũng đã triển khai tại 17 tỉnh, thành việc truyền số liệu qua mạng VNPT và thời gian tới sẽ triển khai pha II cho 42 tỉnh, thành còn lại. Phát hành báo chí cũng là một tiểu dự án đã hoàn thành khâu xây dựng nội dung. Khi được VNPT phê duyệt, dự án này sẽ góp phần hỗ trợ cho việc thực hiện quy định nghiệp vụ phát hành báo chí đã được chính thức áp dụng từ ngày 1/7/2004 với một phần mềm thống nhất được triển khai đến các Bưu cục cấp I tại các tỉnh, thành.
Ngày 15/9 tới, Dự án tin học xây dựng cho dịch vụ chuyển tiền - chuyển tiền nhanh, thư chuyển tiền, điện chuyển tiền, chuyển tiền quốc tế (bao gồm từ các khâu nhận, phát hành, trả, đối soát...) dự kiến sẽ hoàn thành trọn gói. Nếu không có gì thay đổi, trong tháng 10/2004 sẽ có thể triển khai tập huấn trước khi triển khai toàn bộ những bưu cục có phục vụ dịch vụ chuyển tiền trên toàn mạng lưới cùng với quy định chuyển tiền mới.
Những phần mềm trên được áp dụng đều đỏi hỏi những nhân viên Bưu chính không chỉ là người nắm chắc các kiến thức nghiệp vụ mà còn phải thành thạo trong các thao tác sử dụng phần mềm trên máy tính. Cùng với sự việc đổi mới về quá trình thao tác từng nghiệp vụ, diện mạo mới của Bưu chính Việt Nam sẽ được bắt đầu từ việc chuẩn hoá các quầy giao dịch, từ cách thức phục vụ của nhân viên giao dịch trực tiếp tiếp xúc với khách hàng. Mục tiêu này được triển khai bằng Dự án xây dựng phần mềm tổng hợp tự động hoá giao dịch đang được Ban POST*Net triển khai, dự kiến đến quý IV/2004 sẽ hoàn thành và trình VNPT phê duyệt.
Bên cạnh đó, Dự án còn xây dựng một mô hình quầy giao dịch đa dịch vụ, cùng với hệ thống xếp hàng lấy số tự động. Các nhân viên giao dịch chỉ cần kích hoạt vào phần mềm dịch vụ nào sẽ gọi được chương trình dành cho dịch vụ đó ra để thao tác nhanh chóng, đảm bảo tính chính xác và giảm thiểu rất nhiều những sơ xuất có thể xảy ra trong quá trình phục vụ khách hàng. Được biết, đối tượng thực hiện của Dự án sẽ không chỉ dành cho các Bưu cục mà mở rộng đến cả các điểm phục vụ khác như Đại lý Bưu điện, thậm chí là điểm Bưu điện Văn hoá Xã.
● Đinh Hằng - Thuỷ Nguyên
● Tin, bài liên quan:
Thời cơ mới, vị thế mới để nâng mức phát triển ICT
VNPT: Từ ''anh bưu điện'' đến tập đoàn kinh tế mạnh
Tháng 9: Phê duyệt thí điểm mô hình Tập đoàn BC-VT
Trong giai đoạn đổi mới, VNPT có vai trò chủ lực