(VietNamNet) - 53% phần mềm cài đặt trên máy tính trong năm 2003 là phần mềm không có bản quyền, gây tổn thất khoảng 7,5 tỷ USD cho các nhà sản xuất.
Đó là con số chính xác mà Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp (BSA) và Công ty Nghiên cứu Thị trường IDC vừa công bố. Số liệu này khiến khu vực châu Á - Thái Bình Dương được "xếp hạng" thứ tư thế giới về tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm (VPBQPM), tổng giá trị tổn thất tài chính đứng hàng thứ hai.
So sánh với các khu vực và các nước có nền công nghệ thông tin (CNTT) lớn trên thế giới, con số này là khá cao. Tại Đông Âu, tỷ lệ VPBQPM à 70%, tổng giá trị thiệt hại do VPBQPM gây ra là trên 2,2 tỷ USD. Tây Âu: tỷ lệ: 36%, tổng trị giá thiệt hại: 9,6 tỷ USD. Các nước Mỹ La tinh: tỷ lệ vi phạm trung bình là 63%, tổng thiệt hại khoảng 1,3 tỷ USD. Tại Trung Đông và châu Phi, tỷ lệ VPBQPM trung bình là 55%, tổng thiệt hại gần 900 triệu USD. Bắc Mỹ: tỷ lệ vi phạm: 23%, tổng thiệt hại: hơn 7,2 tỷ USD.
Tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm khu vực châu Á-TBD năm 2003 | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
|
Việt Nam có tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm được công bố là 92% theo điều tra của BSA, song mức thiệt hại về tài chính chỉ khoảng 40,8 triệu USD, thua xa so với các nước trong khu vực và thế giới như Trung Quốc (3.822,5 triệu USD), Hàn Quốc (1.633 triệu USD), Thái Lan (140,9 triệu USD), hay Mỹ (1,96 tỷ USD).
Những phần mềm máy tính thường bị vi phạm bản quyền gồm: các phần mềm hệ điều hành, phần mềm ứng dụng văn phòng, phần mềm chống virus,... và các phần mềm ngôn ngữ nội địa (chẳng hạn ở Việt Nam là các sản phẩm bộ gõ tiếng Việt, từ điển Lạc Việt,..)
Cũng theo kết quả nghiên cứu, khoảng 3/4 trong tổng số các nước có tỷ lệ VPBQPM cao nhất nằm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam cũng là nơi được các tổ chức chuyên ngành ''báo động'' về tỷ lệ vi phạm bản quyền đối với phần mềm. Các chuyên gia và những doanh nghiệp phần mềm cũng liên tục cảnh báo ''tình trạng VPBQPM đang làm giảm sức cạnh tranh của các nền kinh tế trong khu vực, gây phương hại đến khả năng phát triển các sản phẩm mới...'' và kêu gọi sự can thiệp của Chính phủ. Tuy nhiên, một điều không thể phủ nhận là giá cả của những phần mềm bản quyền đã ''cấp số nhân'', đẩy tỷ lệ VPBQPM tăng cao.
Ông Peter Moore: "Việt Nam sẽ là một quốc gia tiếp theo mà Microsoft áp dụng chính sách sản phẩm riêng giá rẻ.'' |
Trong khi thu nhập của đa số người dùng các nước đang phát triển còn chưa cao, mà giá của các phần mềm chính tắc lại không thấp thì việc những chàng cracker ''hào phóng'' bẻ khoá phần mềm, vi phạm bản quyền sản phẩm và hầu hết là cung cấp miễn phí cho người dùng, góp thêm phần phổ cập tin học cho người sử dụng (?) sẽ vẫn còn diễn ra hàng ngày và chưa thể suy giảm tức thì!
Vì vậy, kế hoạch hiện nay của các đại gia phần mềm như Microsoft là giảm giá sản phẩm, cung cấp những phiên bản riêng giá rẻ cho từng thị trường đang là một trong những biện pháp nhằm khắc phục tình trạng nhức nhối này.
Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Thái Lan và Malaysia đã là những nước đầu tiên thực hiện chính sách này của Microsoft (khoảng 40 USD cho một bộ Windows và Office bản địa hoá). Việt Nam cũng là nơi mà hãng này có kế hoạch áp dụng chính sách trên, theo lời của ông Peter Moore - giám đốc phụ trách khối Chính phủ của Microsoft khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong chuyến làm việc tại Việt Nam hồi cuối tháng 3/2004.
-
Huyền Chi