Ông Michael Mudd đang trả lời phỏng vấn. |
Hiệp hội các nhà công nghiệp CNTT thế giới (CompTIA) đang xúc tiến đặt quan hệ hợp tác và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam phát triển nguồn nhân lực CNTT và thống nhất các chuẩn cho phần mềm mã nguồn mở (PMNM). Trong chuyến thăm và làm việc mới đây tại Việt Nam, ông Michael Mudd, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á - TBD của CompTIA đã có cuộc trao đổi với giới báo chí xung quanh vấn đề này.
Theo ông Michael Mudd, hiện tại Việt Nam với tiềm lực kinh tế và mức GDP còn thấp nên chưa thể phổ cập rộng rãi các hệ thống phần mềm có bản quyền (phần mềm thương mại). Ngược lại để có thể tự phát triển ứng dụng trên các PMNM cũng đòi hỏi thời gian và nguồn nhân lực CNTT. Bài toán đặt ra với Việt Nam là phải phát triển PMNM, song cũng không thể phủ nhận vai trò của các phần mềm thương mại và việc lựa chọn giải pháp nào sẽ phụ thuộc vào tổng chi phí sở hữu.
Bất kỳ một Chính phủ hay một công ty khi quyết định mua phần cứng hay phần mềm để phục vụ cho công việc thì cần phải xét đến lợi ích, công năng và giá trị sản phẩm trong cả một thời gian sử dụng. Mỗi phần mềm sẽ đáp ứng nhu cầu của từng lĩnh vực khác nhau. Tuỳ thuộc vào từng mục tiêu cụ thể sẽ phải tính toán được tổng chi phí sở hữu của việc chọn mua phần mềm sẵn có hay tự phát triển phần mềm đó, giai pháp nào có chi phí thấp hơn sẽ được lựa chọn.
CompTIA là một Hiệp hội thương mại toàn cầu, đại diện cho quyền lợi của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT. Với hơn 22 năm hoạt động, CompTIA đã tiến hành những nghiên cứu, các cơ hội hợp tác và tạo nên một mạng lưới gồm hơn 19.000 thành viên CNTT tại 89 quốc gia. Trụ sở chính tại Chicago, CompTIA còn biết đến là nhà cung cấp chứng chỉ đào tạo về ICT. Mới đây, CompTIA đã thành lập văn phòng tại Hồng Kông nhằm thúc đẩy khả năng hỗ trợ các thành viên của mình tại khu vực châu Á - TBD. |
Trong buổi họp báo, ông Michael Mudd cũng đưa ra Sáng kiến lựa chọn phần mềm (ISC - Intiative for Software Choice). Sáng kiến này sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách trong khu vực bảo vệ được tính chọn lọc dựa theo giá trị của quy trình được chọn sao cho có thể có được những phần cứng và phần mềm chính thống, mà vẫn đảm bảo nhiều khả năng lựa chọn nhất dành cho những nhà quản lý và cơ quan trực thuộc. Thông tin thêm về ISC do CompTIA đề xuất có tại địa chỉ: www.softwarechoice.com.
Về quan điểm phát triển PMNM, ông Michael Mudd đánh giá rất cao Quyết định số 235/QĐ-TTg về việc phê duyệt Dự án tổng thể ''Ứng dụng và phát triển PMNM ở Việt Nam giai đoạn 2004-2008'' của Chính phủ Việt Nam và nhấn mạnh: ''Bên cạnh những định hướng về chính sách đào tạo đội ngũ cán bộ CNTT, Việt Nam cần phải thống nhất các chuẩn PMNM để các hệ thống thông tin giữa các doanh nghiệp, hoặc giữa doanh nghiệp với Chính phủ có thể tương thích và trao đổi dữ liệu với nhau''.
Ông Michael Mudd cho biết, trong thời gian tới CompTIA sẽ tiếp xúc với các trường đại học trong nước để cung cấp các giáo trình đào tạo, bài kiểm tra và tổ chức các kỳ thi lấy những chứng chỉ CNTT toàn cầu. CompTIA hiện có 11 chứng chỉ đào tạo: CompTIA A+, Network+, CDIA+, i-Net+, Server+, Linux+, IT Project+, e-Biz+, CTT+, HTI+ và Security+. Trong năm nay, CompTIA sẽ đưa ra một số chứng chỉ mới về mạng không dây và tích hợp dịch vụ.
Trong khuôn khổ hội thảo phần mềm nguồn mở tổ chức ngày 7/7 tới tại TP.HCM, ông Michael Mudd sẽ có bài trình bày về kinh nghiệm phát triển PMNM của một số quốc gia đã thực hiện thành công. Ông hy vọng qua hội thảo này, sẽ có một cái nhìn khái quát về tình hình phát triển PMNM ở Việt Nam và đưa ra những đề xuất hợp tác cụ thể trong việc phát triển PMNM.
Hải Linh tổng hợp