Những máy tính giá ưu đãi này có tên gọi là máy tính Thánh Gióng, do nhóm các nhà sản xuất máy tính và linh kiện trong và ngoài nước sản xuất. Nhóm này hiện nay bao gồm: công ty máy tính Việt Nam CMS, công ty FPT Elead và hãng sản xuất chip bán dẫn lớn nhất thế giới Intel. Ngoài ra, còn có một số các thành viên liên kết khác như: Microsoft, LG, Samsung, Seagate, HP và VDC. Liên minh này cho biết, họ đang nỗ lực cùng nhau và dự kiến những chiếc máy tính Thánh Gióng đầu tiên sẽ ra mắt vào cuối tháng 7/2004 này.
Mục đích rất có ý nghĩa
Sản xuất ra những chiếc máy tính giá thành thấp để bán cho thanh thiếu niên cả nước, nhằm phổ cập tin học, phổ biến kiến thức CNTT và Internet, xã hội hóa thông tin tới lực lượng nòng cốt nhất của xã hội và còn tạo ra một thị trường máy tính hấp dẫn. Đó là mục đích, là việc làm rất có ý nghĩa của những nhà sản xuất trong liên minh này.
''Chúng tôi hoàn toàn tự nguyện và mong muốn được tham gia vào chương trình này, để có thể sản xuất ra những máy tính có chất lượng tốt với mức giá đặc biệt ưu đãi, để có thể phù hợp với điều kiện phổ cập nhất của thanh thiếu niên trên mọi vùng miền và làng quê Việt Nam...'', ''Chúng tôi đã làm việc nỗ lực cùng với nhau trong thời gian dài vừa qua, để có thể đưa ra được một mẫu sản phẩm chuẩn, với cấu hình, với giá thành chuẩn công bố hôm nay..., những ý kiến đầy thiện ý và đáng ghi nhận của ông Trương Gia Bình, chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ VN, ông Thân Trọng Phúc, Tổng giám đốc công ty Intel Việt Nam - những nhà sản xuất trong Liên minh sản xuất máy tính Thánh Gióng.
Phó chủ tịch tập đoàn Intel Jacson Chen có mặt tại buổi lễ công bố cũng cho biết, Intel sẽ hỗ trợ mức giá đặc biệt cho công nghệ tích hợp bộ vi xử lý vào bo mạch chủ vào trong các máy tính này, và Việt Nam là một trong ba nước trên thế giới hiên nay hưởng chính sách này của Intel.
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm nữa là những chiếc máy tính Thánh Gióng bắt nguồn từ mục đích và ý tưởng sáng tạo rất có ý nghĩa đó có đến được tay mỗi thanh thiếu niên của mọi miền Việt Nam trọn vẹn là những chiếc máy chất lượng, đảm bảo cấu hình xử lý mạnh, chạy ổn định,...không?, Và làm thế nào để các bạn thanh thiếu niên ấy sử dụng hiệu quả những công cụ đắc lực đó?.
Bốn nội dung, Năm cam kết...
Bộ trưởng Bộ BC-VT, GS TS Đỗ Trung Tá cho rằng, để máy tính và tin học ứng dụng hiệu quả với thanh niên một cách phổ cập, phải chú ý đến 4 nội dung cơ bản, đó là Nhận thức đúng đắn về ứng dụng CNTT và Internet trong thanh thiếu niên Việt Nam; Nguồn nhân lực phải được đào tạo, bồi dưỡng và huấn luyện; Nội dung hấp dẫn của của CNTT và Internet ấy đối với thanh niên và Cách thức nối mạng an toàn trong sử dụng. Đây là những điều mà thực tế một dự án lớn như vậy cần quan tâm để nó có thể phát huy hiệu quả và mang lại thành công.
Liên minh các nhà sản xuất cũng đã đưa ra 5 cam kết, để bảo đảm gia tăng mức độ thành công của chương trình. Đó là các điểm: Giá: làm sao để phù hợp với khả năng mua của tất cả thanh niên Việt Nam trên mọi miền đất nước, đây là yêu cầu số 1 để liên minh cố gắng hết mức để đáp ứng. Chất lượng: liên minh này khẳng định, chất lượng của những máy tính họ sản xuất ra sẽ rất ổn định, có đầy đủ tính năng để có thể học hỏi, làm việc, kết nối Internet, gọi điện thoại VoIP,...Dịch vụ: cam kết tạo ra một mạng lưới dịch vụ rộng khắp để đảm bảo các máy tính Thánh Gióng sẽ vận hành trơn tru khắp mọi miền. Tính mở của nhóm liên kết: Họ đưa ra một chuẩn chất lượng chung, để tất cả những nhà sản xuất, những hãng công nghệ dịch vụ muốn tham gia đều có thể góp sức cho liên minh lớn mạnh. Quyết tâm: họ đưa ra quyết tâm sẽ cùng với Chính phủ, với Đoàn thanh niên sát cánh với thanh niên, thế hệ trẻ VN không chỉ trong lĩnh vực phổ cập tin học này.
Năm cam kết đó khiến thanh niên trở nên an tâm hơn, tin tưởng hơn về một tương lai gần của công việc phổ cập tin học, kết nối thông tin và chắc chắn sẽ nâng cao được trình độ nguồn nhân lực trẻ của VN.
Giá 4 triệu đồng, có làm ảnh hưởng đến thị trường?
Cấu hình cơ bản của máy tính giá 4 triệu đồng bao gồm: bộ xử lý Intel Celeron 1.0 GHz, bộ nhớ 128MB, ổ cứng 20GB, màn hình 15-inch, phần mềm có bản quyền. Các nhà sản xuất khẳng định, những máy tính Thánh Gióng này chắc chắn sẽ dùng phần mềm có bản quyền, gồm cả phần mềm nguồn mở Linux và phần mềm thương mại của Microsoft. Và như vậy, Microsoft - một trong những thành viên của nhóm liên kết sẽ tích cực hợp tác để đưa sản phẩm với mức giá thấp nhất có thể như họ đã từng áp dụng tại các nước trong khu vực như Thái Lan và Malaysia.
Các nhà sản xuất cũng đưa ra một số cấu hình khác nữa mạnh hơn (ví dụ như: bộ xử lý Intel Pentium, Celeron 1.8 GHz, ổ cứng 40GB, màn hình 17-inch,..), và giá có cao hơn đôi chút, để thích hợp với lựa chọn của nhiều đối tượng sủ dụng.
Đối với những người sử dụng mà mức giá 4 triệu đồng/1máy vẫn còn quá cao, liên minh này cũng đưa ra ''phương án hợp tác với các ngân hàng, cho người mua vay tiền mua máy trả góp với thời hạn có thể là 3 hoặc 5 năm'', đại diện liên minh sản xuất cho biết như vậy.
Thị trường máy tính Việt Nam với đa dạng các nhà sản xuất, từ các công ty tên tuổi nước ngoài, công ty ''đại gia'' trong nước đến các doanh nghiệp sản xuất non trẻ đang cạnh tranh vất vả từng ngày. Làm thế nào để số lượng máy tính với giá thành thấp hơn 10 - 20% so với sản phẩm cùng loại đó lưu thông một cách suôn sẻ, lành mạnh? Theo các nhà tổ chức Việt Nam, nhu cầu của những máy tính này là rất lớn, nên thời gian đầu sẽ dành ưu tiên cho thanh thiếu niên các địa bàn nông thôn, vùng xa và ngành giáo dục, sau đó sẽ bán phổ cập cho toàn dân.
Chủ trương phổ cập tin học và nối mạng tri thức cho thanh thiếu niên Việt Nam được Chính phủ công bố tại Hội nghị Thượng đỉnh ASOCIO tháng 11/2003 và giao cho Trung ương Đoàn thực hiện. Đây là một bước đi căn bản, đúng đắn nhằm xóa mù tin học, nâng cao kiến thức và công nghệ hiện đại cho toàn dân, đặc biệt là tầng lớp thanh niên. Kinh nghiệm này đã triển khai khá thành công tại một số nước đang phát triển khác trong khu vực và trên thế giới như: Thái Lan, Malaysia, Indonesia,...Máy tính với tên gọi Thánh Gióng, thể hiện sức trẻ vươn vai của thanh niên Việt Nam sẽ được đưa ra thị trường với khẩu hiệu ''Tri thức cho tuổi trẻ'', và là một bước khởi động quan trọng về cơ sở hạ tầng và trang thiết bị để Chương trình quốc gia Phổ cập tin học cho thanh niên chính thức triển khai vào năm 2005.
Huyền Chi