Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) đã được giao lập đề án thành lập lực lượng cảnh sát đặc nhiệm (CSĐN) trên mạng nhằm chống tội phạm và xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm hình sự trên Internet. Ngày 28.10 Ông Nguyễn Tử Quảng, GĐ Trung tâm An ninh mạng (BKIS Center - Đại học Bách khoa HN) - một trong những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực an ninh mạng sớm nhất ở Việt Nam đã cho biết:
- Ông nhận xét gì về tình hình tội phạm trên mạng ở VN hiện nay?
- Tội phạm trên mạng đã được báo chí và dư luận đề cập nhiều lần. Nếu có ai thống kê thì chắc chắn thiệt hại tính bằng tiền hàng năm cũng tới hàng chục tỉ đồng. Trung tâm An ninh mạng của chúng tôi hàng ngày nhận được rất nhiều e-mail về các sự cố này.
Đó mới chỉ là nói về kinh tế, còn nhiều tác hại khác về xã hội. Vụ tin nhắn Vinaphone vừa rồi là một ví dụ, hàng trăm nghìn người bị lừa. Tội phạm trên mạng còn có khả năng làm được hơn thế. Có nhiều việc chỉ giới chuyên môn mới nhận ra được. Hiện nay các cơ quan lớn đều có mạng máy tính, nhưng độ an toàn chưa cao. Mạng có nối với Internet cũng nguy hiểm, mà không kết nối Internet thì còn nguy hiểm hơn vì các máy trong mạng tự do trao đổi thông tin. Trong khi chưa có luật, tình trạng này rất dễ bị tội phạm chuyên nghiệp lợi dụng (thực tế cũng đã có, rất may là chưa nhiều).
- Trình độ của tội phạm trên mạng của VN ra sao?
- Như tôi đã đề cập ở trên, tình trạng an ninh mạng ở ta khá lỏng lẻo, may mà chưa bị lợi dụng nhiều. Tội phạm chưa có đầu tư bài bản, chủ yếu hoạt động kiểu bột phát, có khi còn chưa ý thức được. Không ai dám công nhiên bày cách cho người khác làm bom ở VN, nhưng trên mạng thì không ít học sinh, sinh viên mở website hướng dẫn tạo bom thư, tạo virus, hướng dẫn lấy cắp thông tin... Nếu có luật lệ, có xử phạt thì chắc họ không dám làm.
- Tuy nhiên, chưa có luật lệ, hiệu quả hoạt động của CSĐN trên mạng sẽ thế nào?
- CSĐN trên mạng ra đời cũng vì mục đích này. CSĐN có công việc của mình, cùng với các tổ chức khác (như trung tâm chúng tôi vẫn làm nhiệm vụ cảnh báo sự cố, khắc phục sự cố) thúc đẩy việc đưa ra luật lệ. Từ hoạt động của các lực lượng chúng ta mới có thể xây dựng các quy định. Ngay việc định nghĩa thế nào là tội phạm trên mạng, thế nào là đoạn mã phá hoại, virus máy tính hay hành vi phát tán virus... cũng cần quy định mới. Nếu bảo bây giờ phải có ngay luật là một việc rất khó, cần có đội ngũ đủ năng lực trước đã.
- Theo ông, CSĐN trên mạng ra đời có đủ khả năng kiểm soát tội phạm không?
- Theo tôi là có. Tội phạm ở VN hiện chưa đến mức chuyên nghiệp, ngăn chặn sớm từ bây giờ sẽ có hiệu quả. Nếu muộn hơn thì nguy cơ tội phạm sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn CSĐN và lúc đó thì rất khó kiểm soát.
- Tuy chưa chuyên nghiệp nhưng tội phạm tin học ở VN không ít và đã có thời gian hoạt động vài năm nay. Theo ông CSĐN phải đạt được những yêu cầu gì để có thể đáp ứng nhiệm vụ?
- Trong cuộc trao đổi gần đây, Cục Cảnh sát kinh tế cùng chúng tôi đều khẳng định: Riêng một lực lượng cảnh sát sẽ không thể làm xuể mọi việc, vì tội phạm trên mạng khác với tội phạm thông thường (vô hình, không phân biệt biên giới). Cần có những đơn vị tinh nhuệ của công an, phối hợp cùng nhiều đơn vị an ninh mạng ngoài xã hội (Trung tâm cứu hộ các sự cố máy tính quốc gia, Trung tâm cứu hộ của các ISP, của các ngân hàng lớn...), bên cạnh đó phải huy động toàn dân, trong tương lai còn phải chấp nhận cả cộng tác viên an ninh mạng (hiện nay vẫn thường được gọi là hacker mũ trắng). Ngành công an đã khảo sát một số nước, kinh nghiệm của họ là không nên từ lực lượng cảnh sát đào tạo công nghệ thông tin, mà nên lấy những người làm công nghệ thông tin để đào tạo nghiệp vụ cảnh sát. Trung tâm chúng tôi cam kết sẽ tìm và đào tạo về chuyên môn cho một bộ phận lực lượng này.
- Xin cảm ơn ông.
Theo Lao Động