221
2082
Xa lộ thông tin
xalo
/cntt/xalo/
467043
Phát động cuộc thi Sáng tạo Robot Việt Nam 2004
1
Article
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
Phát động cuộc thi Sáng tạo Robot Việt Nam 2004
,
Ông Phạm Việt Tiến - Trưởng ban
Khoa giáo Đài THVN đọc
lời phát động cuộc thi
 

I-Today - Tối qua (27/10), tại Trường quay S9, ông Phạm Việt Tiến - Trưởng ban Khoa giáo Đài Truyền hình Việt Nam - đã chính thức phát động cuộc thi Sáng tạo Robot Việt Nam 2004 (Robocon Việt Nam 2004) với chủ đề: ''Cuộc đoàn tụ của Ngưu Lang Chức Nữ''. Đối tượng tham gia cuộc thi là tất cả sinh viên các trường Đại học và Cao đẳng kỹ thuật trên toàn quốc.

Chủ đề của cuộc thi dựa trên tích truyện quen thuộc ở khu vực châu Á: Có một đôi vợ chồng tên gọi Ngưu Lang Chức Nữ do lười biếng đã bị hình phạt phải sống xa nhau ở hai bên của dải Ngân Hà. Chim Ác là và Quạ cảm thấy thương tình nên đã dùng thân mình bắc cầu qua Ngân Hà để hai vợ chồng Ngưu Lang Chức Nữ được gặp nhau. Cầu đó có tên gọi Ô thước. Mỗi năm một lần, cặp vợ chồng này được phép gặp nhau vào ngày 7/7 âm lịch. Thường có mưa vào ngày này và người ta nói đó là nước mắt đoàn tụ của Ngưu Lang Chức Nữ. Mục đích của cuộc thi là hoàn tất việc đoàn tụ của Ngưu Lang Chức Nữ bằng cách: Robot phải bắc cầu Ô thước để Robot tự động mang quà Vàng từ vùng Ngưu Lang tới vùng Chức Nữ.

Mỗi đội tham dự phải có ít nhất 4 thành viên (3 sinh viên và 1 chỉ đạo viên) và nhiều nhất là 7 thành viên thuộc cùng trường đại học hoặc cao đẳng. Tuy nhiên, chỉ có 3 sinh viên chính thức được phép vào khu vực sân thi đấu. Ban tổ chức cuộc thi (Đài Truyền hình Việt Nam) sẽ tài trợ chi phí đi lại, ăn ở cho 4 thành viên. Các thành viên phải đang là sinh viên Việt Nam tại thời điểm diễn ra cuộc thi. Mỗi đội tham dự phải chế tại bằng tay cả máy điều khiển bằng tay và điều khiển tự động. 

Không hạn chế về số lượng máy tự động nhưng mỗi đội chỉ được phép chế tạo 1 robot điều khiển bằng tay. Tổng khối lượng các máy của mỗi đội không vượt quá 50kg. Kích cỡ máy phải đặt vừa khu xuất phát. Robot điều khiển bằng tay phải được vận hành thông qua bộ điều khiển sử dụng dây cáp hoặc điều khiển từ xa bằng tia hồng ngoại, ánh sáng nhìn thấy hoặc sóng âm. Chỉ một thành viên trong đội được điều khiển robot bằng tay và không được cưỡi cũng như ngồi lên robot. Robot tự động phải tự động hoàn toàn. Mỗi máy tự động phải được khởi động bằng một thao tác duy nhất.

Sân thi đấu bao gồm ''Vùng Ngưu Lang'' (Vùng A), ''Vùng Ngân Hà'', ''Vùng Chức Nữ'' (Vùng B) và ''Khu dành cho máy điều khiển bằng tay''. Vùng A là một hình chữ nhật, được chia thành hai hình vuông bằng nhau, một dành cho đội Đỏ và một dành cho đội Xanh. Khu xuất phát cho máy tự động được đặt ở khu vực trung tâm phía dưới mỗi đội. Trong khu vực dành cho mỗi đội có 20 khối quà hình lập phương và một khối quà ''Vàng'' được đặt ở 13 vị trí khác nhau. Chỉ có máy tự động mới được phép vận hành trong vùng Ngưu Lang (máy tự động được phép di chuyển ở mọi vùng trong sân ngoại trừ vùng Ngưu Lang của đội bạn). Trên sân có các vạch trắng dẫn hướng cho robot tự động đến các vị trí đặt quà và cầu.

Vùng Ngân Hà là nơi đặt cầu và khu xuất phát cho máy điều khiển bằng tay của mỗi đội. Vùng này được chia làm hai khu, một dành cho đội Đỏ và một dành cho đội Xanh. Trong vùng Ngân Hà có một cây cầu xây dở nối vùng Ngưu Lang và vùng Chức Nữ. Khu dành cho robot điều khiển bằng tay nằm ở phần phía trên của vùng Ngân Hà. Trong khu này có 9 mảng cầu rời mà các robot điều khiển bằng tay sẽ sử dụng để lắp ráp cây cầu chưa hoàn thiện. Máy điều khiển bằng tay được phép vận hành trong khu này nhưng không được đi vào vùng Ngân Hà của đối phương. Vùng Chức Nữ là một hình tròn. Trung tâm của nó có một khu chứa quà trị giá 2 điểm. Ở giữa khu chứa quà 2 điểm có một đĩa tròn tượng trưng cho bàn tay chức nữ (nhận quà từ robot tự động). Phiếu đăng ký tham dự hiện có tại website:www.vtv.org.vn/robocon. Vòng chung kết Robocon Việt Nam 2004 sẽ diễn ra vào tháng 4/2004.

Bạn biết gì về Robocon?

Robocon (Robot Contest) là một cuộc thi sáng tạo robot nhằm tạo điều kiện cho các kỹ sư tương lai trong vùng châu Á - Thái Bình Dương có thể thực hiện những ý tượng táo bạo, tự mình chế tạo những máy móc mà không bị chi phối bởi các kiến thức chung đã có. Cuộc thi sẽ giúp các kỹ sư tương lai tạo ra những sản phẩm được sáng tạo từ các ý tưởng độc nhất vô nhị, kích thích khả năng sáng tạo của họ và tạo tiền đề cho sự phát triển chung của nền khoa học kỹ thuật nước sở tại.

Cuộc thi Robocon đầu tiên của khu vực châu Á - Thái Bình Dương do Hiệp hội Phát thanh Truyền hình châu Á - Thái Bình Dương (ABU) phát động, diễn ra vào tháng 8/2002 tại Tokyo. Đài truyền hình NHK đăng cai với tư cách là nước chủ nhà. Sau đó, 19 thành viên ABU sẽ lần lượt đăng cai các thuộc thi tiếp theo hàng năm. Kể từ năm 2002, Đài truyền hình Việt Nam tổ chức Robocon Việt Nam hàng năm để chọn ra đội vô địch đại diện cho đất nước tham dự vòng chung kết khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cuộc thi sẽ theo sát chủ đề và nội dung mà ban tổ chức ABU đưa ra vào tháng 8 hàng năm.

Sơ lược về Robocon 2002, 2003

Cuộc thi sáng tạo robot Việt Nam đầu tiên (Robocon Việt Nam 2002) với chủ đề: ''Chinh phục đỉnh Phanxipan'' diễn ra vào ngày 18/4/2002. Có 17 đội thi đấu tới từ 6 trường đại học trong cả nước với gần 40 robot. Mục đích của cuộc thi là các đội tuyển phải chế tạo cả 2 robot điều khiển bằng tay và robot tự động để đưa bóng vào các ống trụ trên sân. Sau khi hình thành và lựa chọn ý tưởng tốt nhất, các đội bắt đầu tìm kiếm linh kiện lắp ráp. Họ gặp hàng loạt khó khăn từ kinh phí hạn hẹp cho tới tình trạng khan hiếm thiết bị. Đa phần các đội phải tận dụng nguyên liệu cũ hoặc tự tìm nguồn tài trợ để làm robot. Trên sân thi đấu đã có 50% robot không hoạt động được vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Mặc dù không gây ấn tượng tại vòng loại song nhóm Telematic của ĐH Bách Khoa TP.HCM đã bất ngờ giành ngôi vô địch Robocon Việt Nam lần thứ nhất. Ngày 31/8/2002, Telematic đại diện cho Việt Nam tham dự Robocon châu Á - Thái Bình Dương lần thứ nhất với chủ đề: ''Chinh phục đỉnh Phú Sĩ''. Có 20 đội từ 19 nước tham gia (nước chủ nhà có 2 đội). Điều bất ngờ là tuyển Việt Nam đã lọt vào trận chung kết, thi đấu với đội Trung Quốc - đội có công nghệ mạnh nhất giải. Việt Nam đã giành chiến thắng thuyết phục trước đội Trung Quốc. Giải ba thuộc về Nhật Bản.

Cuộc thi Sáng tạo Robot Việt Nam 2003 có chủ đề: ''Cầu mây chinh phục không gian''. Có 30 đội tham gia. Nhiệm vụ của các robot là bỏ bóng vào các cụm rổ để ghi điểm. Đội nào ghi điểm vào các cụm rổ trong, ngoài và 3 cụm rổ ở trung tâm sẽ chinh phục không gian. Qua sơ tuyển tại miền Bắc và miền Nam, 32 đội lọt vào vòng chung kết. Đội BKCT của ĐH Bách Khoa Hà Nội đã giành ngôi vô địch Robocon Việt Nam 2003. Giải nhì thuộc về Học viện Kỹ thuật Quân sự và giải ba được trao cho ĐH Bách Khoa TPHCM, ĐH Bách Khoa HN. BKCT đại diện cho Việt Nam tham dự Robocon châu Á - Thái Bình dương tại Bangkok, Thái Lan. Giải ba và giải ý tưởng sáng tạo dành cho BKCT một lần nữa khẳng định trí sáng tạo và vị thế của tuổi trẻ Việt Nam trên trường quốc tế. Giải nhất và nhì thuộc về đội Thái Lan. Nhật Bản đồng hạng ba với Việt Nam.

Minh Sơn

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,