Công nghiệp lắp ráp máy tính VN: Mối lo ngại từ máy tính Trung Quốc
1
Article
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
Công nghiệp lắp ráp máy tính VN: Mối lo ngại từ máy tính Trung Quốc
Cập nhật lúc 16:27, Thứ Năm, 16/10/2003 (GMT+7)
,
Sau khi Việt Nam chính thức thực thi AFTA từ tháng 7-2003, cứ ngỡ những lo lắng về cạnh tranh của các nhà lắp ráp máy tính VN đối với hàng ngoại nhập sẽ đến từ khu vực các nước ASEAN. Nhưng chưa hẳn vậy, điều đáng lo lắng nhiều nhất lại là những chiếc máy tính đến từ Trung Quốc, như lời của tiến sĩ Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội Tin học TPHCM.
Nhìn qua đối thủ ''người láng giềng''
Giám đốc Công ty Máy tính Vitek-VTB, ông Lê Văn Chính, nói: ''Trước sau rồi máy tính Trung Quốc cũng sẽ vào VN. Đây là mối lo thường trực của chúng tôi''. Cho đến thời điểm này, khi VN đã thực thi một phần các điều khoản của AFTA, vẫn chưa có dấu hiệu đáng ngại gì từ máy tính các nước ASEAN. Bởi trong giai đoạn đầu AFTA mới chỉ giảm thuế chủ yếu cho các mặt hàng có thuế suất từ 45%-50%. Trong khi đó, mặt hàng máy tính và linh kiện thuế suất nhập khẩu và VAT hiện đều không quá 10% (từ ngày 16-8 còn 5%). Chính vì thế năm 2003 AFTA chưa có ảnh hưởng trực tiếp đến ngành lắp ráp máy tính VN. Sang năm 2004, sự ảnh hưởng cũng không nhiều. Tóm lại, trong hơn 14 tháng tới máy tính thương hiệu Việt Nam sẽ chưa bị ảnh hưởng nhiều vì hàng ngoại nhập từ các nước khác trong khu vực.
Trong khi đó, máy tính TQ lại đang có ưu thế hơn hẳn sản phẩm của nhiều nước trong khu vực vì giá rất rẻ. Ông Lê Thanh Hùng - Giám đốc Công ty máy tính T&H-nói: ''Hàng TQ, cả ASEAN còn ngán nói gì chúng tôi. Ai bảo máy tính TQ chất lượng kém là sai lầm. Họ đã có nhiều thương hiệu rất lớn, cạnh tranh được với cả các tập đoàn đa quốc gia ngay trên sân nhà''. Những con số thống kê trong năm vừa qua cho thấy, ba hãng IBM, HP, Dell hiện chỉ chiếm được khoảng 8% thị phần tại TQ, trong khi đó chỉ riêng hãng Legend-thương hiệu máy tính lớn nhất của TQ - đã chiếm đến 30% thị phần. Hiện trong ''top 5'' đứng đầu về thị phần có tới 4 công ty TQ. Về xuất khẩu, TQ từ vị trí quốc gia xuất hàng công nghệ thông tin vào Mỹ đứng thứ 5 vào năm 1999 đã vươn lên hàng đầu vào năm 2002 với doanh số 9,2 tỷ USD/tổng giá trị hàng nhập vào Mỹ là 50,5 tỷ USD, vượt qua các nước và khu vực: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông.
Suy tính của các nhà lắp ráp máy tính VN
TQ đang nằm trong số 10 nước có kim ngạch nhập khẩu hàng CNTT lớn nhất vào VN. Từ vị trí thứ 8 năm 2000, TQ đã vươn lên vị trí thứ 5 vào quý I/2003 với kim ngạch 5,2 triệu USD. Dù giá trị tuyệt đối chưa nhiều (riêng giá trị hàng nhập lậu chưa thể thống kê), song nó cho thấy tiềm năng cạnh tranh mạnh mẽ của sản phẩm CNTT TQ tại thị trường VN trong tương lai.
Vậy câu hỏi đặt ra là với những lợi thế trên vì sao máy tính TQ vẫn chưa vào VN? TS Lê Trường Tùng lý giải: ''Tổng giá trị thị trường CNTT VN mới khoảng 400 triệu USD, còn quá nhỏ bé, do đó họ chưa vội vào VN''. Đây là một nhận định hoàn toàn có cơ sở, vì so ra tổng giá trị thị trường VN chỉ bằng 1/23 của giá trị hàng CNTT TQ xuất sang Mỹ. Cần biết rằng, hiện các công ty máy tính TQ đã ''tập kích'' vào ASEAN qua các chi nhánh ở Indonesia, Myanmar, Campuchia. Từ những nước này, họ sẽ có lợi thế nằm trong khu vực AFTA để đẩy hàng với ưu đãi thuế quan vào VN trong tương lai. Trong khi đó từ phía Bắc, với ưu thế sản xuất số lượng lớn cho thị trường 1,3 tỷ dân, máy tính TQ giá thành rất hạ đẩy vào nước ta có thể sẽ gây ra nhiều khó khăn cho các nhà lắp ráp VN, như những đợt ''ngập úng'' xe máy, đồ sứ, hàng điện tử, may mặc thời gian qua.
Nhiều nhà lắp ráp máy tính thương hiệu Việt Nam đã nhận thức rõ mối nguy cạnh tranh từ các doanh nghiệp máy tính Trung Quốc. Ở sát cạnh VN, các thương gia TQ đã có những mối quan hệ mật thiết đủ để liên kết, hợp tác tạo dựng hệ thống đại lý phân phối và các xưởng lắp ráp. Ông Phạm Thiện Nghệ, Giám đốc Công ty máy tính Khai Trí, phân tích: ''Máy tính TQ được Chính phủ TQ trợ giúp các nhà sản xuất trong việc làm hệ điều hành Linux bằng tiếng Hoa với giá rẻ như cho. Ngay cả phần mềm của Microsoft khi đưa sang TQ cũng có giá hạ nhất thế giới. Tuy nhiên, máy tính là hàng công nghệ cao, buôn bán máy tính còn phải tính đến hệ thống hậu mãi và các dịch vụ tiện ích cho khách hàng. Muốn làm được điều này thì các công ty TQ phải có thời gian để tìm kiếm đối tác tại VN''.
Dù mỗi nhà lắp ráp VN đã có những nhận định riêng khá xác đáng, song nhìn toàn cục thì đang thiếu những phân tích sâu có tính hệ thống về chiến lược của đối thủ để từ đó đề ra các phương án cạnh tranh hợp lý. Thế thì, một ngày kia, khi máy tính TQ tràn sang, các nhà lắp ráp VN sẽ đối phó ra sao, hay lại tiếp tục ''điệp khúc than'' muôn thuở và cầu cạnh đến sự can thiệp của Nhà nước.