221
2082
Xa lộ thông tin
xalo
/cntt/xalo/
466766
Doanh nghiệp sản xuất cáp quang: Nỗi lo ''gãy gánh giữa đường''
1
Article
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
Doanh nghiệp sản xuất cáp quang: Nỗi lo ''gãy gánh giữa đường''
,
I-Today - Hiện nay VNPT có 4 doanh nghiệp có khả năng cung cấp cáp sợi quang để phục vụ cho phát triển mạng viễn thông. Trong đó có 2 doanh nghiệp sản xuất là Công ty liên doanh sản xuất cáp sợi quang VINA-GSC và Liên doanh sản xuất cáp quang và phụ kiện Focal, 2 doanh nghiệp thương mại là Công ty POSTMASCO và COKYVINA. Việc tiêu thụ sản phẩm cáp quang truyền thống do Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNTP) chủ trì bằng phương thức cho 4 đơn vị này đấu thầu hạn chế.

Để cạnh tranh, đối với hai doanh nghiệp thương mại không gặp nhiều trở ngại vì họ chỉ là các doanh nghiệp mua đi, bán lại các loại sản phẩm, vật tư, thiết bị nói chung. Trong lĩnh vực cáp quang, hai công ty này có thể nhập hàng từ nước ngoài, hoặc nhập ngay của các công ty sản xuất trong nước để bán lại. Và ngoài ra họ còn có thể cung cấp nhiều loại sản phẩm khác để tăng doanh thu. Còn đối với hai doanh nghiệp sản xuất là VINA-GSC và Focal thì việc tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thị trường đang còn gặp nhiều khó khăn. VINA-GSC và Focal đã phải chấp nhận bán hàng không có lãi để duy trì nhà máy và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Hiện hai công ty này đang sản xuất cầm chừng, không sử dụng hết công suất thiết bị và trông chờ sự hỗ trợ của VNPT để tiếp tục tồn tại.

Mới dùng hết 1/3 công suất

Hiện nay công suất của hai nhà máy sản xuất cáp quang vào khoảng 10.000 km cáp quang/năm. Nhưng VINA-GSC chỉ sản xuất chưa đến 1/3 công suất, trong khi với Focal năm 2002 là năm có nhiều hợp đồng nhất cũng chỉ chạy hết 55% công suất máy móc, còn những năm trước đây công suất hoạt động chỉ hết khoảng 30 - 40% do nhu cầu đặt hàng ít.

Trong lĩnh vực sản xuất cáp quang, chi phí cố định cho một đơn vị sản phẩm tỷ lệ nghịch với khối lượng sản phẩm tiêu thụ, tức là nếu sản xuất ra càng nhiều sản phẩm thì giá càng rẻ. Theo tính toán của VINA - GSC, nếu nâng thêm lượng cáp sản xuất từ 1.000 đến 3.000 km thì giá thành sẽ rẻ hơn 30% so với giá hiện tại. Chính vì sản xuất với số lượng ít nên giá thành cáp quang sản xuất trong nước bị ''đội'' lên cao, và vì hàng bán chậm nên VINA-GSC hiện còn tồn đọng nguyên liệu nhập từ nhiều năm trước do lượng hàng sản xuất ra ít hơn dự kiến, mà trên thị trường giá nguyên liệu sản xuất cáp ngày càng giảm. Với tình hình cung cấp sản phẩm như hiện nay chi phí cố định cho sản phẩm sản xuất trong nước là rất lớn.

Thuế - Rào cản lớn

Theo ông Lê Long Thành, Phó Tổng giám đốc Công ty VINA-GSC, hiện tại các doanh nghiệp sản xuất cáp quang phải nhập ngoại 100% nguyên liệu để sản xuất. Trong khi đó thuế nhập khẩu lại có rất nhiều bất cập. Theo quy định hiện nay, thuế nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất bình quân từ 5-25%. Có mặt hàng như dây da cường để làm cáp phi kim loại có thuế xuất tới 45%, mà loại vật liệu này trong nước lại chưa sản xuất được. Còn thuế nhập khẩu cáp quang thành phẩm chỉ ở mức từ 1 - 5%. Do chính sách thuế không hợp lý giữa nhập khẩu nguyên liệu và thành phẩm như vậy nên giá hàng sản xuất trong nước không thể rẻ hơn cáp nhập ngoại được. Không những thế các nhà cung cấp sản phẩm nước ngoài lại luôn sẵn có chiến lược cạnh tranh toàn cầu, họ có thể phá giá thị trường này để thu lợi nhuận từ thị trường khác. Chính những yếu tố này tạo nên ưu thế của các công ty thương mại với các nhà sản xuất về giá cả. Với tình hình như hiện nay, VINA-GSC và Focal đã rất nỗ lực tìm cách tiết kiệm chi phí, giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm. Focal bình quân mỗi năm giảm giá đều đặn từ 15-18%, còn VINA-GSC đang tìm mọi cách để đến cuối năm 2003 sẽ giảm được ít nhất 40% so với giá hiện nay, dù vậy họ cũng chưa tăng được số lượng hàng bán ra.

Theo ông Lê Long Thành, việc doanh nghiệp sản xuất kiếm được 4-5% lợi nhuận là vô cùng khó khăn. Để có được công ăn việc làm cho người lao động, đồng thời để sản phẩm của mình có mặt trên thị trường trong nước, cả VINA-GSC và Focal đã chấp nhận lỗ, thậm chí lỗ tới 50% trong nhiều dự án. Ông Lê Long Thành cho biết, trong năm 2002 VINA-GSC đã 3 lần chấp nhận giảm giá trong các dự án của Bưu điện Đồng Tháp, Hưng Yên và Hà Nội. Các công ty sản xuất đã tìm giải pháp bằng cách bắt tay với các công ty thương mại, mời các công ty thương mại làm đại lý bán hàng, nhưng biện pháp này chỉ có hiệu quả khi xuất khẩu hoặc bán hàng ra ngoài ngành, còn đối với các đơn vị thuộc VNPT thì giải pháp này lại không có hiệu quả. Và ''cực chẳng đã'' VINA-GSC cứ tiếp tục bán hàng thấp hơn giá thành để rồi chịu lỗ.

''Lối thoát'' nào cho cáp quang?

Theo ông Lê Long Thành, hiện nay các công ty sản xuất cáp quang rất cần sự hỗ trợ của VNPT về cơ chế để có thể tồn tại, cụ thể là các vấn đề về tiêu thụ sản phẩm vì VNPT vẫn là thị trường chính. Việc tổ chức đấu thầu hạn chế cần được điều chỉnh lại bằng cách phân vùng cho 2 đơn vị sản xuất, còn các đơn vị thương mại sẽ nhận phần trăm đấu thầu. Bên cạnh đó, nếu tổ chức tiêu thụ sản phẩm trong nội bộ VNPT thông qua các công ty thương mại nhập khẩu cáp ngoại thì chắc chắn giá sẽ rất rẻ. Như vậy nếu VINA-GSC và Focal muốn tồn tại thêm nữa thì bắt buộc phải đại hạ giá, và không lâu nữa hai công ty này sẽ thua lỗ và sập tiệm. Năm 2002, VINA-GSC đã lỗ tới 412.000 USD và tính đến thời điểm tháng 8/2003 công ty vẫn đang trong tình trạng thua lỗ.

Về quy chế tiêu thụ sản phẩm, ông Thành cho rằng, nếu được VNPT chỉ đạo các đơn vị trong ngành phải mua sản phẩm của các đơn vị trong nước sản xuất sẽ là biện pháp tốt nhất. Bên cạnh đó VINA-GSC còn đề nghị VNPT chính thức cấp phép để công ty này có thể làm bảo dưỡng và sửa chữa mạng lưới để tăng doanh thu. Hiện nay VINA-GSC đã có đầy đủ chứng nhận tiêu chuẩn ISO và BVQI, đồng thời đã ký hợp đồng làm đại lý cho Nortel (một tập đoàn Viễn thông lớn của Anh) về cung cấp các thiết bị truyền dẫn. VINA-GSC cũng đã có một đội ngũ được trang bị đầy đủ kinh nghiệm và kiến thức để có thể thực hiện nhiệm vụ bảo dưỡng thiết bị và mạng lưới. Còn ông Phạm Quang Đạo - Phó Tổng giám đốc Focal đề nghị: Các đơn vị công nghiệp và thương mại của VNPT cần có sự liên kết chặt chẽ dưới sự điều hành của VNPT để tránh tình trạng các đơn vị này cạnh tranh quyết liệt, có thể gây suy yếu nội lực, sẽ gây thiệt hại cho chính VNPT.

Theo Báo Bưu điện cuối tháng (số 13)

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,