Ông Đỗ Văn Lộc - Chánh văn phòng 58 phát biểu tại hội nghị |
Trong ''Hội nghị tập huấn triển khai kế hoạch tổng thể quốc gia về CNTT'' do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì tổ chức sáng nay (1/10), đại biểu của các Bộ, ngành, địa phương về tham dự đã nêu lên rất nhiều ý kiến khác nhau, thể hiện sự lúng túng và vướng mắc trong việc triển khai Chỉ thị 58 và Đề án 112 của Chính phủ.
Một đại biểu của Sở KHCN Hải Phòng nêu thực trạng: Khi xây dựng đề án CNTT cho địa phương mình, đến phần thẩm định kinh phí thì không biết phải trình cho Bộ nào. Theo quy định, Sở Xây dựng sẽ giải quyết các vấn đề liên quan đến xây dựng kinh phí cho các chương trình hoạt động của địa phương, nhưng riêng đối với ngành CNTT thì chưa có một văn bản hướng dẫn hay quy định cụ thể nào về vấn đề này. Kết quả là Sở Xây dựng trả lời ''không biết'', đẩy sang cho Sở Tài chính, Sở Tài chính lại đẩy về Sở Khoa học Công nghệ.
Trả lời cho vấn đề này, ông Đỗ Văn Giáp, Vụ phó Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Chính phủ đang tiến hành xem xét tách quản lý đầu tư ra khỏi quản lý xây dựng, sửa đổi thẩm quyền giữa Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Xây dựng. Hiện công việc này vẫn đang còn ở giai đoạn soạn thảo văn bản, vì thế hiện giờ Bộ KHĐT chỉ biết ''đồng cảm'' với sự lúng túng của các địa phương mà thôi.
Đại biểu Bộ Thương mại đặt câu hỏi: Bộ Thương mại đang xây dựng dự án ứng dụng CNTT cho các Sở ban, ngành. Theo quy định thì ngày 31/10 phải phê duyệt xong để đến năm 2003 được Nhà nước cấp vốn. Nếu vội vàng xây dựng cho đúng thời hạn phê duyệt thì sẽ không đảm bảo tính chính xác và hiệu quả. Vậy Nhà nước có thể giữ một khoản ngân sách nào đó cho các kế hoạch thực hiện trong năm 2003 và cấp trước cho các dự án được không? Các Bộ, ngành khi xây dựng đến đâu thì sẽ xin bổ sung, điều chỉnh đến đấy.
Đối với câu hỏi này, ông Giáp cho rằng Ban chỉ đạo 58 và 112 cần phải có kiến nghị với Chính phủ. Bộ Kế hoạch Đầu tư sẽ có ý kiến tán thành hoặc không tán thành với kiến nghị trên.
Đại biểu thành phố Hà Nội hỏi: Thiết kế tổng dự toán về CNTT sẽ phải trình lên cho cấp thẩm quyền nào? Thiết kế định mức bao nhiêu là vừa để có thể đưa ra đấu thầu được? Một đại biểu khác thuộc ngành Công an chất vấn: Chính phủ đã phê duyệt dự án hiện đại hoá hệ thống viễn thông - tin học ngành CA với mức 12 triệu USD, nhưng cho đến nay mới chỉ giải ngân được 1 triệu USD. Vướng mắc này phải giải quyết như thế nào?
Trả lời 2 câu hỏi trên, đại diện Bộ Kế hoạch Đầu tư khẳng định trong thời gian sắp tới, Bộ Bưu chính Viễn thông sẽ có trách nhiệm giải quyết các chương trình trang bị hạ tầng kỹ thuật cho các Bộ, ngành. Đối với các dự án nhóm B trở xuống, thẩm quyền phê duyệt thiết kế tổng dự toán sẽ thuộc về lãnh đạo Bộ và địa phương.
Các đại biểu tham dự hội nghị đã cùng thống nhất với nhận định rằng, sự lúng túng trong việc triển khai Chỉ thị 58 và Đề án 112 của Chính phủ tại các Bộ, ngành bắt nguồn từ việc thiếu các hướng dẫn chung ở tầm quốc gia; chưa có quy định rõ ràng giữa các bộ, ngành, địa phương về trách nhiệm thẩm định các dự án CNTT. Kết quả là, khi xây dựng kế hoạch tổng thể, các địa phương tỏ ra ''mơ màng'', đến khi xây dựng xong không biết trình ai thẩm định.
Trong bài tham luận tại hội nghị, ông Lương Cao Sơn, Thư ký Ban điều hành 112, Văn phòng Chính phủ đã kiến nghị Nhà nước nên xem xét phân công trách nhiệm rạch ròi giữa các bộ, ngành, địa phương; hoàn thiện quản lý nhà nước đối với ngành CNTT; đề ra được một lộ trình cụ thể thực hiện nhiệm vụ trên.
Nhiệm vụ trước mắt mà các Bộ, ngành, địa phương cần thực hiện là đưa một số dự án khả thi triển khai ngay trong năm 2003.
Đăng Khoa