Với mục tiêu giới thiệu, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về giải pháp và mô hình tin học hoá các hoạt động hành chính và dịch vụ của cơ quan chính phủ, nhằm xây dựng hệ thống thông tin theo mô hình chính phủ điện tử (CPĐT), một hội thảo được phối hợp giữa Ban Điều hành Đề án 112 và công ty IBM đã được tổ chức hôm qua (27/9), dành cho các chuyên gia CNTT của nhiều cơ quan bộ ngành, tổ chức chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh phía Bắc và nhiều doanh nghiệp nhà nước.
Để đạt được mục tiêu đến năm 2005, cơ bản phải xây dựng và đưa vào hoạt động hệ thống thông tin điện tử của Đảng và Chính phủ (trích nội dung nhiệm vụ triển khai ''Đề án Tin học hoá quản lý hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2005''), Ban Điều hành Đề án 112 đang tích cực triển khai các hoạt động tích luỹ kinh nghiệm, tìm hiểu thực tế và tiếp cận dần dần tới tất cả các cơ quan chính phủ, bộ ban ngành, các tỉnh thành phố và tới cả các doanh nghiệp. ''Hội thảo này cũng là một trong những nỗ lực để tìm hiểu cơ sở hạ tầng và những ứng dụng cần thiết cho quá trình tin học hoá hoạt động của các tổ chức đó'', ông Lương Cao Sơn, Thư ký Ban Điều hành cho biết.
Các cán bộ CNTT của các cơ quan có cơ hội tiếp cận với những giải pháp triển khai thực tế của các công ty lớn như IBM, công ty phát triển ứng dụng CICAT, Vietsoftware. Chẳng hạn như: làm thế nào để xây dựng cơ sở hạ tầng điện tử, thế nào là khả năng quản trị và sự an toàn thông tin, các phương án phát triển ứng dụng,....
- Chính phủ điện tử là nhằm cung cấp các dịch vụ cho cộng đồng một cách có hiệu quả, làm cho cộng đồng gắn kết chặt chẽ với nhau hơn, giá chi phí sẽ thấp hơn, giảm gánh nặng giấy tờ, tăng khả năng truy cập thông tin, giảm chi phí giao dịch hành chính cho cả cơ quan chính phủ và cho doanh nghiệp, tăng hiệu quả cho các cá nhân và doanh nghiệp do được trao đổi trực tiếp với chính phủ. - Chính phủ điện tử sẽ vượt qua các rào cản về địa lý, nhân khẩu, về kỹ năng, hiểu biết của từng cá nhân. - Chính phủ điện tử là phương thức hứa hẹn để tăng cường dân chủ. Từ việc cung cấp hệ thống đối thoại trực tuyến đến thu thập ý kiến, tổ chức các chiến dịch, bầu cử, trưng cầu ý kiến trực tuyến... - Chính phủ điện tử giúp các cơ quan chính phủ mở rộng khả năng định hướng phát triển kinh tế. Các hoạt động này bao gồm từ việc tạo khả năng cho các cơ sở kinh doanh địa phương tham gia vào nền kinh tế trực tuyến cho đến cung cấp hạ tầng cơ sở để lôi kéo đầu tư của các công ty (trong và ngoài nước) cũng như thu hút những lao động có kỹ thuật cao. - Thực hiện dịch vụ bằng điện tử là một phương thức đổi mới quan trọng. Người dân có thể sử dụng các kênh trực tuyến để sử dụng dịch vụ chất lượng tốt hơn � luôn sẵn sàng 24 giờ, nhanh hơn, tiện lợi hơn. Bằng cách này, sẽ dần thúc đẩy thị trường tiến tới thương mại điện tử, qua việc khuyến khích thực hiện trên diện rộng và tạo ra những cơ hội kinh doanh mới. |
Huyền Sâm