Sau khi bóc tách bưu chính, viễn thông thành công ở 10 tỉnh, việc tách bưu chính viễn thông trên phạm vi cả nước sẽ được diễn ra đồng loạt từ ngày 1/7/2002, để đến năm 2003 sẽ tách hoàn toàn. Việc tách bưu chính ra khỏi viễn thông sẽ nâng tính chuyên môn và dịch vụ của bưu chính, viễn thông lên một tầm cao mới.
Dịch vụ bưu chính đa dạng và chuyên nghiệp
Việc bóc tách bưu chính, viễn thông khiến cho các dịch vụ bưu chính trở nên đa dạng hơn. Người tiêu dùng sẽ được hưởng giá cước viễn thông thấp hơn, do ngành viễn thông không phải bao cấp cho ngành bưu chính. Việc bóc tách này sẽ đem lại tính chuyên môn hơn để cung cấp cho khách hàng các dịch vụ hoàn hảo hơn trong phong cách phục vụ. Theo Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông vừa mới ban hành ngày 11/6, nhà nước sẽ thành lập một doanh nghiệp Bưu chính Việt Nam. Về cơ bản thì doanh nghiệp này sẽ làm công ích, không lấy lợi nhuận làm mục tiêu cơ bản như: thư, điện tín... Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ đối với các dịch vụ công ích thông qua cơ chế đầu tư, miễn thuế... Vì vậy khách hàng sẽ không phải chịu mức giá cao hơn đối với các dịch vụ bưu chính cơ bản. Tuy nhiên, đối với các dịch vụ giá trị gia tăng, người tiêu dùng sẽ phải chịu mức giá thu bù chi của doanh nghiệp làm bưu chính. Đối với viễn thông, nhà nước không có hỗ trợ, chỉ tạo hành lang pháp lý. Việc thực hiện công ích là do các doanh nghiệp đóng góp gọi là quỹ phổ cập dịch vụ, do doanh nghiệp tự điều tiết.
Doanh nghiệp bưu chính năng động để phát triển
Việc tách bưu chính, viễn thông sẽ tạo ra tính chuyên môn hoá, mặc dù ban đầu khi bóc tách bưu chính, viễn thông, hầu hết tâm lý những người làm bưu chính đều cảm thấy lo lắng về truyền thống gắn kết, đời sống, hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, sau một thời gian thử nghiệm bóc tách bưu chính, viễn thông, các mục tiêu kinh tế đạt cao, mức tăng trưởng khá. Nhiều bưu điện huyện sau khi tách phần viễn thông ra vẫn có lãi hoặc giữ được cân bằng thu chi.
Theo thống kê sơ bộ, lực lượng lao động của ngành bưu chính chiếm một nửa, mặc dù lâu nay doanh thu theo thống kê chỉ chiếm 7-8% trong tổng số doanh thu của cả bưu chính và viễn thông. Vì vậy khi tách ra, đương nhiên phải làm cho cả bưu chính và viễn thông phải mạnh lên. Dịch vụ bưu chính sẽ phát triển, thậm chí tốc độ tăng trưởng dịch vụ bưu chính sẽ phát triển hơn dịch vụ viễn thông. Chính cảm giác lo lắng khi tách ra, buộc bưu chính phải làm tốt hơn, Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Mai Liêm Trực khẳng định.
Về nhân lực, bản thân doanh nghiệp bưu chính lúc này phải chủ động, do đó khâu tuyển thêm nhân lực cũng phải rất thận trọng. Ban đầu, nhu cầu tuyển nhân lực mới tạm thời dừng lại. Để phát triển kinh doanh bắt buộc những người lâu nay làm dịch vụ bưu chính viễn thông phải nghĩ ra các dịch vụ, mở rộng địa bàn hoạt động, và như vậy sẽ tận dụng được lao động sẵn có, tăng doanh thu. Theo ông Trực, bên viễn thông cũng phải có trách nhiệm thu nhận những người lâu nay làm chung dịch vụ bưu chính, do đó đời sống của người lao động vẫn được đảm bảo.
Việc tách bưu chính, viễn thông khiến cho ngành viễn thông sẽ không còn phải bao cấp cho ngành bưu chính, như vậy sẽ tạo sự chủ động hơn cho ngành bưu chính, tránh được tình trạng ỷ lại, ông Trực nói.
(Ngọc Lý-VASC, thực hiện)