Điện thoại di động đang vấp phải những vấn đề của máy tính đã gặp nhiều chục năm trước và ngày càng phức tạp hơn, khái niệm về bảo mật đã được đón tiếp thành viên mới, bảo mật trên điện thoại di động.
Cấu hình phần cứng và nền tảng phần mềm cho điện thoại di động liên tục được phát triển khiến cho nó ngày càng trở nên thông minh hơn và có phần gần gũi với những chiếc máy tính hiện đại. Chẳng hạn ngày nay bạn có thể đọc mail cũng như lướt web trên điện thoại, nhưng cũng từ đó nảy sinh một rắc rối khác là một hệ thống hay thiết bị càng phức tạp thì càng chứa nhiều lỗ hổng. Hiểu theo cách khác thì điện thoại di động đang vấp phải những vấn đề của máy tính đã gặp nhiều chục năm trước và ngày càng phức tạp hơn, khái niệm về bảo mật được đón tiếp thành viên mới, bảo mật trên điện thoại di động.
Chiếc "dế" của bạn cũng cần phải bảo mật đấy! |
Mặc dù có một số điểm tương đồng nhưng khác biệt giữa điện thoại di động và máy tính để bàn vẫn là quá lớn, và phần nhiều trong chúng không thể lấp đầy được do bản chất công việc của mỗi thiết bị. Các khác biệt dễ nhận thấy nhất là kích thước máy, màn hình, bàn phím, và tính di động. Qua đó các giải pháp bảo mật trên hệ máy để bàn khi áp dụng cho môi trường di động cần có những thay đổi thích hợp.
Bảo mật cấp phần cứng
Với tính chất nhỏ gọn, điện thoại di động rất dễ bị thất lạc với vô vàn các lí do khác nhau như làm rơi, bỏ quên nơi nào đó hay tệ hơn cả là hiện tượng giựt điện thoại. Do những bất tiện về không gian lưu trữ, kích thước màn hình,... nên việc lưu các tài liệu quan trọng lên điện thoại vẫn chưa được phổ biến. Từ đó việc bảo mật điện thoại cấp phần cứng chủ yếu là chống mất máy và nếu đã lỡ mất thì dữ liệu đáng giá nhất thường chỉ là các liên hệ lưu trong SIM. Một số giải pháp được đề nghị như:
l Hạn chế tối đa việc nghe điện thoại nơi đông người, nhất là khi chạy xe gắn máy hay đi bộ trên đường phố.
l Với phụ nữ, sử dụng dây đeo là một giải pháp vừa mang tính thời trang lại khá an toàn.
l Nếu bạn luôn phải liên lạc mọi lúc, mọi nơi, hãy cân nhắc đến việc sử dụng tai nghe, ưu tiên cho việc sử dụng tai nghe có dây. Việc sử dụng các tai nghe Bluetooth đắt tiền có thể khiến chính món đồ chơi này trở thành nạn nhân.
l Thường xuyên sao lưu lại sổ địa chỉ. Hầu hết các Smartphone đều đi kèm với chương trình đồng bộ hóa với máy tính, trong đó tính năng quan trọng nhất là sao lưu sổ địa chỉ vào máy tính. Nếu bạn chỉ dùng các điện thoại bình thường thì có rất nhiều giải pháp khác kể cả phần cứng và phần mềm: sử dụng thiết bị sao lưu SIM; đồng bộ hóa dữ liệu qua cáp nối, cổng hồng ngoại hay Bluetooth nhờ các chương trình đặc biệt như MobilEdit.
Bảo mật tài khoản
Điểm đặc trưng của điện thoại di động là trừ trường hợp tài khoản của bạn đang bị khóa thì điện thoại luôn chứa "tiền". Các bất cẩn trong việc sử dụng điện thoại có thể dẫn đến việc bạn phải mất một số tiền đáng kể cho việc thanh toán cước phí, nhất là việc các máy sao lưu SIM ngày càng phổ biến và rẻ. Một số lời khuyên trong vấn đề này:
l Tránh việc cho ai đó mượn máy có kèm SIM trong đó.
l Tránh xa các dịch vụ sao lưu SIM hoặc nạp SIM nhiều số nếu bạn không rõ về độ tin cậy của người thực hiện dịch vụ. Một khía cạnh khác là luôn giữ lại SIM khi mang máy đi sửa, không cho ai đó mang SIM của bạn đi xa tầm quan sát của bạn.
l Lập tức gọi điện đến trung tâm dịch vụ khách hàng để khóa SIM khi bị mất máy.
Bảo mật cấp hệ điều hành
Nếu bạn đang dùng một PDA phone (O2, Treo,...), bạn bật tính năng "Power-on Password" với chế độ mật khẩu phức tạp (xem trang góc Pocket PC Phone).
Một số điện thoại thông thường cũng có trang bị tính năng khóa máy bằng mật khẩu sau một khoảng thời gian không sử dụng. Nếu điện thoại của bạn không trang bị tính năng này, bạn có thể sử dụng các chương trình khóa màn hình tương tự như ScreenSaver trên máy tính (PowerLock, xem e-CHÍP số 130).
Bảo mật tài liệu
Nếu bạn đã có thói quen lưu trữ tài liệu làm việc trên điện thoại thì cũng nên cân nhắc đến việc sử dụng các chương trình mã hóa và bảo vệ tài liệu. Các phần mềm được phát triển cho mục đích này rất nhiều, bạn có thể tham khảo tại phần giới thiệu phần mềm.
Virus - Spam
Virus và spam trên môi trường di động hiện vẫn chỉ ở những bước đầu và còn nhiều hạn chế, tuy nhiên việc sử dụng các phần mềm tải về trên mạng thường có chứa nhiều đoạn mã độc hại, do đó nếu bạn là người thích "mày mò" các ứng dụng trên Smartphone thì một chương trình diệt virus thường trú là rất cần thiết.
(Theo Echip M!)