Mới đây, các website của chính phủ Philippines bị xâm nhập và thay đổi nội dung một cách trái phép. Các lỗ hổng trong luật về việc xử lý các tội phạm an ninh mạng đang là một trở ngại lớn.
Tin tặc với những cái tên như “Hell-boyz” (cậu bé quỷ quyệt) và “Moroccan Gangsters" (băng đảng Maroc) đang hoành hành tại Philippines một lần nữa cho thấy sự bất lực của các nhà cầm quyền nước này trong việc giải quyết các tội phạm trên Internet đang trên đà gia tăng.
Kẻ tấn công các website của chính phủ Philippines lại ở tận... Maroc! |
Mới đây, những kẻ phá hoại đã xâm nhập cổng truy cập Internet gov.ph của chính phủ
Philippines và làm thay đổi nội dung hơn bốn trang web tại đây. Zone-H.org, một website theo dõi các xâm nhập trên mạng Internet toàn cầu cho biết site của Bộ Giao thông Công chánh (DPWH), Cục Quản lý Môi trường (EMB), Cục Bảo toàn Ngân khố Quốc gia và Hội đồng Huấn luyện Hàng hải cũng đã bị tin tặc tấn công.Hình ảnh về các website của chính phủ bị thay đổi nội dung ra sao cũng đã được Zone-H.org lưu lại. Nhóm tấn công cổng truy cập gov.ph có tên là “Scriptx”, sau đó đã bị các chuyên gia máy tính Philippines phát hiện và lần ra dấu vết ở tận... Maroc.
Các vụ tấn công như vậy đã làm giới công nghệ thông tin của Philippines không khỏi lo lắng. Ông Arnel Ballocanag, nhà phân tích thông tin của DPWH nói: "Lần tấn công vừa rồi là lần thứ hai các website của Bộ bị tin tặc đoạt quyền điều khiển và làm cho nội dung bị thay đổi. Tin tặc đã đổi tiêu đề mặc định: thay vì EMB, đổi thành “Moroccan Gangsters” và ghi câu “Bush is a terrorist (Bush là kẻ khủng bố)” lên nội dung thể hiện của website. May mắn là không có dữ liệu nào bị xóa. Tôi nghĩ là các tin tặc chỉ muốn đưa ra tuyên bố của họ”.
Trong một vụ có liên quan khác, tin tặc có tên là “Hell-boyz” đã làm thay đổi toàn bộ nội dung đã được đưa lên của website EMB - ông Paul Herbert Narisma, người đứng đầu Bộ phận Quản lý Thông tin của EMB cho biết.
Trong tháng qua, tám người (năm người Philippines, hai người Ấn Độ và một người Bangladesh) đã bị bắt về tội xâm nhập vào hệ thống viễn thông của Philippines để thực hiện các cuộc gọi điện thoại đường dài một cách bất hợp pháp. Cảnh sát và các quan chức di trú nói: Tám người này sẽ bị kết tội đột nhập vào hệ thống thuê bao dành cho các công ty của Công ty Điện thoại đường dài Philippines (PLDT).
Nhà chức trách cũng cho biết: Những kẻ xâm nhập bất hợp pháp này được cho là đã thu tiền và thực hiện các cuộc gọi điện thoại đường dài cho nhiều người, sau đó chuyển cước phí của các cuộc gọi đó vào tài khoản tính cước cho các công ty lơ là thiếu cảnh giác lãnh đủ. Các quan chức này cũng nói rằng họ chỉ phát hiện ra mánh lới của những kẻ xâm nhập bất hợp pháp này sau khi nhận được những lời kiếu nại từ khách hàng, chủ yếu là từ các công ty khiếu nại về các hóa đơn tính cước khổng lồ cho các cuộc gọi đường dài mà họ không hề thực hiện.
Ông Narisma, quan chức của PLDT cho biết: "Thiệt hại về doanh thu do việc xâm nhập này lên tới 197 triệu peso và chính phủ cũng bị mất đi 19,7 triệu peso thuế thu nhập. Rất khó để có thể truy tố, và thậm chí theo dõi để bắt được những kẻ xâm nhập này cũng là một việc hết sức khó khăn”.
Onel de Guzman, tác giả virus Love, lúc bị bắt. |
Trở ngại lớn nhất chính là do luật
Philippines vẫn còn nhiều thiếu sót trong việc ngăn chặn các loại tội phạm viễn thông kiểu này. Philippines đã thông qua Luật Thương mại điện tử để trừng phạt việc xâm nhập và lừa đảo trên mạng ngay sau khi một sinh viên 24 tuổi người Philippines có tên Onel de Guzman đã tung lên mạng virus máy tính “Love Bug”, phá hoại nhiều hệ thống mạng máy tính trên khắp thế giới vào tháng 5/2000 và gây thiệt hại khoảng mười tỷ USD. Trường hợp răn đe của chính phủ đối với sinh viên này hiện đã dần rơi vào quên lãng bởi vào lúc đó, Philippines vẫn chưa có luật chống lại các loại tội phạm trên mạng.Tuy nhiên, các nhà chức trách cũng thừa nhận: Khung hình phạt được đưa ra bởi Luật Thương mại điện tử – với mức phạt tối thiểu 100.000 peso - còn thua cả... gãi ngứa cho những kẻ tội phạm.
Theo ông Elfren Meneses, người đứng đầu bộ phận chống gian lận và tội phạm trong lĩnh vực máy tính của Cục Điều tra Quốc gia, các nhà điều tra thường thất bại trong việc triệt để chống lại các loại tội phạm trong lĩnh vực này vì luật hiện nay không bắt buộc các nhà cung cấp dịch vụ Internet và các công ty viễn thông phải hợp tác trong việc truy tố những tội phạm loại này!
Trần Anh (theo The Straits Times)