221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
831128
Thị trường di động VN: Khi nào "Chất" theo kịp "Lượng"?
1
Article
null
Thị trường di động VN: Khi nào 'Chất' theo kịp 'Lượng'?
,

(VietNamNet) – Không khó để người tiêu dùng nhận thấy tính chất sôi động, năng động của thị trường di động VN những năm gần đây. Điều quan trọng hơn hết, trong thời WTO và hậu WTO sắp tới, hàng triệu thuê bao này sẽ được chăm sóc thế nào để có chất lượng có thể ''theo kịp'' với số lượng?

Tăng trưởng "siêu" nhanh!

Dịch vụ gia tăng, chất lượng mạng ổn định sẽ là điều kiện quyết định sự tồn tại của DN cung cấp dịch vụ.

Đến tháng 5/2006, tổng số thuê bao điện thoại của Việt Nam đã đạt gần 18 triệu, tương ứng mật độ khoảng 21 máy/100 dân. Sự tăng nhanh của mật độ điện thoại là nhờ có sự bùng nổ của các mạng di động. Bộ trưởng Bộ BCVT Đỗ Trung Tá cho biết: Trong 5 năm qua, khi tốc độ phát triển bình quân của thông tin di động thế giới đạt 34-35%/năm; châu Á - Thái Bình Dương - khu vực phát triển kinh tế năng động nhất đạt 39,5%, thì ở Việt Nam, tốc độ phát triển thông tin di động đã cao gấp đôi so với mức trung bình thế giới, đạt 60-65%/ năm. "Sự ứng dụng nhanh các công nghệ mới, sự tăng trưởng kinh tế và mức sống nhân dân, tiến trình mở cửa cạnh tranh, lộ trình giảm cước... là những yếu tố thúc đẩy sự phát triển ngoạn mục đó tại Việt Nam", Bộ trưởng Đỗ Trung Tá nhận xét.

Về số lượng, tính đến hết tháng 6/2006, tổng số thuê bao di động tại Việt Nam đạt trên 11,8 triệu, tăng hơn 4 lần so với cuối năm 2003. Theo thống kê, trong năm nay, VN sẽ có gần 14 triệu thuê bao di động, và đến năm 2010, con số này sẽ lên từ 36 đến 45 triệu thuê bao.

Thông tin từ hãng nghiên cứu Hot Telecom của Canada cho biết, đến năm 2010, tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thị trường di động sẽ đạt tới 1,5 tỷ thuê bao. Và trên tổng số 15 quốc gia khu vực này, Việt Nam được đánh giá cao bởi tiềm năng và tốc độ phát triển vượt bậc, đạt 45 triệu thuê bao di động, vượt qua cả Thái Lan (40 triệu thuê bao); Hàn Quốc (42 triệu thuê bao); Malaysia (32 triệu thuê bao); Úc (21 triệu thuê bao) và Hồng Kông (8 triệu thuê bao)...

Tuy nhiên, quy luật sẽ theo chiều hướng giảm tốc độ tăng trưởng ''phi mã'' khi thị trường tiến dần tới mức bão hòa. Hãng này cũng đưa ra cảnh báo: Năm 2007 sẽ là năm cuối cùng của giai đọan phát triển đỉnh cao bùng nổ thông tin di động tại VN. Khi đó, thay vì nhìn nhận sự bùng nổ về lượng thuê bao, cả nhà cung cấp dịch vụ và người tiêu dùng sẽ quan tâm nhiều hơn đến chất lượng của dịch vụ.

Thách thức "thời WTO"...

Cũng dễ nhận thấy rằng, trước sự phát triển đột biến về lượng như vậy, làn sóng đầu tư trở lại vào Việt Nam đang ảnh hưởng mạnh đến thị trường viễn thông, đặc biệt là nhắm tới các mạng di động hút khách hiện nay. Thời điểm VN ''gia nhập ''WTO đã sát gần.   

Thị phần các mạng di động VN hiện nay:

Thống kê sơ bộ, tổng số thuê bao mạng VinaPhone là 4,3 triệu thuê bao; MobiFone là 3,7 triệu thuê bao; Viettel là 3 triệu thuê bao; S-Fone có 550.000 thuê bao và
E-Mobile 20.000 thuê bao. Thị phần thuê bao: VinaPhone chiếm 35,7%; MobiFone chiếm 30,6%; Viettel chiếm 28,9%, S-Fone chiếm 4,7%.

Hiện tại, công cụ cạnh tranh chủ yếu của DN là giảm giá và khuyến mãi. Khi VN đã gia nhập ''sân chơi'' WTO, khả năng cũng như năng lực cạnh tranh của các mạng di động trong nước sẽ không thể chỉ trông chờ vào việc chạy đua giảm giá dịch vụ, hay tưng bừng khuyến mãi. Điều này chỉ có thể chấp nhận ở thời điểm thị trường còn sơ khai, nếu kéo dài, trước sức ép cạnh tranh của các tập đoàn viễn thông quốc tế, DN Việt Nam sẽ có nguy cơ bị phá sản, tự động đào thải mình khỏi cuộc chơi.

Chất lượng dịch vụ di động nước ta lại phụ thuộc rất nhiều từ những ảnh hưởng trực tiếp của các nhà đầu tư nước ngoài. Hẳn nhiên, các nhà cung cấp mạng di động trong nước, muốn tồn tại phải tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường dịch vụ giá trị gia tăng, ứng dụng công nghệ mới... Có như vậy, khi hội nhập, DN trong nước mới đủ sức để cạnh tranh lành mạnh.

Trong năm 2006, khi Việt Nam tham gia vào WTO, các mạng di động hy vọng sớm được cổ phần hóa doanh nghiệp, sẽ tham gia niêm yết, mua bán cổ phần, phát triển thị phần. Động thái này tạo nên việc thu hút đầu tư nước ngoài sẽ cởi mở hơn, đối tác quốc tế sẽ quan tâm nhiều hơn tới việc tham gia thị trường di động Việt Nam.

Từ trước đến nay, trong lĩnh vực viễn thông, phía đối tác chỉ được góp vốn và chia lãi với các doanh nghiệp VN, tức là theo loại hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC). Phía đối tác không được trực tiếp tham gia quá trình điều hành kinh doanh của doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Nhưng tới đây, VN sẽ dần cho phép thực hiện liên doanh trong kinh doanh khai thác dịch vụ viễn thông và phía đối tác sẽ được trực tiếp tham gia điều hành ở liên doanh đó, mức độ cạnh tranh càng quyết liệt hơn.

Vì vậy, trước thềm hội nhập, các nhà hoạch định cần nhìn nhận lại thị trường viễn thông VN nói chung và thị trường di động nói riêng để thẩm định lại nội lực vốn có của lượng thuê bao tăng ''chóng mặt'', với tốc độ phát triển mạnh mẽ. Đồng thời, các doanh nghiệp viễn thông cũng cần nâng cao chất lượng mạng và mở rộng các dịch vụ giá trị gia tăng, các mạng di động nên tích cực hợp tác và thu hút đầu tư từ nước ngoài, bắt kịp với trình độ quốc tế.

  • Hoàng Hùng 

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,