(VietNamNet) - Trong thời gian không xa, Việt Nam sẽ gia nhập WTO. Nằm trong số những thị trường đầu tư hấp dẫn, ngành viễn thông đang là đích nhắm tới của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Trao đổi bên lề Hội nghị Thủ tướng gặp gỡ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thứ trưởng Bộ BCVT Mai Liêm Trực đã nói rõ hơn về vận hội cũng như những thử thách khi viễn thông VN hợp tác, cạnh tranh trên thị trường quốc tế...
- Thưa thứ trưởng, ông đánh giá như thế nào về việc hãng Comvik (Thuỵ Điển) đang muốn tiếp tục được đầu tư vào mạng MobiFone của VMS?
- Thứ trưởng Mai Liêm Trực: Việt Nam luôn ủng hộ tích cực các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực viễn thông. Tuy nhiên, việc chuyển từ hình thức BCC sang hình thức công ty cổ phần là hoàn toàn khác nhau. Khi chuyển sang hình thức mới, VMS phải tuân theo mọi tiêu chí của một công ty cổ phần. Chúng tôi hoan nghênh Comvik - doanh nghiệp vốn đã có nhiều kinh nghiệm trên thị trường quốc tế - tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến cho VMS trong quá trình CPH.
Đương nhiên, khi tham gia như vậy, các đối tác nước ngoài là hoàn toàn bình đẳng. Nhưng rõ ràng, đối tác truyền thống có 10 năm kinh nghiệm làm việc với VMS như Comvik thì sẽ có nhiều thuận lợi hơn khi tham gia đầu tư.
Hiện tại, 10 hãng viễn thông hàng đầu trên thế giới đang có ý định đầu tư vào VN đều được đánh giá là những đối tác tiềm năng, có nhiều kinh nghiệm khác nhau trên thương trường quốc tế. Ví dụ, đối với dịch vụ thông tin di động, Comvik có thể đánh giá được đúng giá trị doanh nghiệp, nghiên cứu khả năng phát triển của thị trường Việt Nam trong giai đoạn sắp tới. Còn các đối tác khác, họ cũng có kinh nghiệm. Trong quá trình mời các đối tác tham gia, mỗi đối tác đều có thế mạnh riêng nhưng đều bình đẳng.
- Quan điểm của Bộ BCVT như thế nào trong việc giải quyết những vướng mắc của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài liên quan đến ngành viễn thông?
- Về viễn thông và CNTT, Bộ BCVT luôn tạo mọi điều kiện để làm sao thông tin liên lạc của các nhà đầu tư ở VN được thuận lợi cả về tốc độ, băng thông chất lượng dịch vụ. Cho đến nay, mạng viễn thông và CNTT ở Việt Nam đã có thể đáp ứng bất kỳ nhu cầu nào của nhà đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp không gặp khó khăn về các dịch vụ viễn thông và CNTT. Thông tin liên lạc giữ vai trò quan trọng trong hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, giá cước viễn thông đã giảm đáng kể, tương đương các nước trong khu vực.
Bản thân ngành viễn thông VN cũng là đối tác đầu tư về mạng lưới cung cấp dịch vụ, sản xuất công nghiệp... Đây đều là những môi trường đầu tư tốt cho các nhà đầu tư. Đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào các lĩnh vực bưu chính viễn thông cũng như công nghiệp sản xuất thiết bị viễn thông. Mới đây, đã có nhà đầu tư bỏ ra hàng trăm triệu USD đầu tư mạng thông tin di động CDMA của Hanoi Telecom.
Điều đó chứng tỏ môi trường đầu tư trong lĩnh vực viễn thông và CNTT khá hấp dẫn. Chúng tôi hoan nghênh mọi nhà đầu tư. Trong thời gian tới, ngoài hình thức đầu tư BCC sẽ có nhiều hình thức liên doanh, công ty cổ phần. Chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, minh bạch trong các cơ chế, chính sách để làm sao thị trường viễn thông và CNTT VN hoạt động tốt!
- Các nhà đầu tư nước ngoài mong mỏi giảm cước viễn thông. Vậy Bộ BCVT có lộ trình giảm cước như thế nào?
- Thực ra, trước đây, do còn độc quyền nên Nhà nước quyết định mọi giá cước về viễn thông. Những năm gần đây, khi chúng ta đã ''mở cửa'', tiến hành cạnh tranh, các DN được tự quyết định giá cước của mình. Bộ BCVT chỉ xem xét phê duyệt cước những dịch vụ khống chế thị trường, nhằm bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh. Ví dụ, đối với dịch vụ thông tin di động, các doanh nghiệp được cạnh tranh với nhau bằng việc giảm cước và nâng cao chất lượng dịch vụ. Điều này cũng rất thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài!
- Khi gia nhập WTO, ngành viễn thông cần phải thực hiện những việc gì để cạnh tranh?
- Đối với công nghệ phần mềm, việc gia nhập sẽ giúp cho VN phát triển. Khi đó, khả năng đầu tư nước ngoài vào VN sẽ thuận lợi hơn. Doanh nghiệp có điều kiện nhìn nhận lại mình và có những chiến lược đầu tư hữu hiệu. Đồng thời, nguồn lực đào tạo trong nước cũng được khẳng định và đây cũng là cơ hội lớn cho các đơn vị nào có công nghệ cao có đội ngũ nhân viên trình độ tham gia cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
- Xin cảm ơn ông!
Ông Nguyễn Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế Bộ BCVT khẳng định rằng, ''rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam và khi chính thức trở thành thành viên của WTO, chắc chắn việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho họ đầu tư vào các dịch vụ gia tăng và Internet.
Khi đó, người tiêu dùng sẽ được lợi nếu các doanh nghiệp nước ngoài tham dự thị trường viễn thông vì sự cạnh tranh sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao, cung cấp nhiều dịch vụ giá rẻ. Nhưng khi Việt Nam tham gia hợp tác quốc tế, việc cạnh tranh này cũng phải có kiểm soát. Nhà nước phải kiểm soát để tránh xảy ra tình trạng cá lớn nuốt cá bé''. |
Hoàng Hùng (thực hiện)