221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
598866
Net với sinh viên - Một phần tất yếu của cuộc sống!
1
Article
null
Net với sinh viên - Một phần tất yếu của cuộc sống!
,

Vươn vai đứng dậy sau hơn 3 tiếng đồng hồ vừa đọc báo điện tử, vừa hoàn thành bài viết gửi đăng báo, vừa “chat chit” đàm đạo với một cậu bạn tận bên Sing… Thành Nguyễn (Phòng 310 – KTX Mễ Trì, Thanh Xuân, HN) mau mắn thanh toán hơn 6000đ tiền máy. “Ngày nào em cũng phải lên mạng đọc báo hoặc làm gì đó…” với Nguyễn và đại đa số các bạn sinh viên hiện nay, Internet đã trở thành “một phần tất yếu của cuộc sống”.

Cửa sổ hòa nhập với thế giới

Nguyễn Đăng Linh (nhà ở tổ 2 Khương Trung - Thanh Xuân) từng là sinh viên Khoa Công nghệ thông tin ĐH Bách Khoa Hà Nội, vốn là một tay ăn net, ngủ net - cách đây 1 năm đã tìm được cơ hội du học tương đối dễ dàng từ nguồn trên mạng. Hiện đang học năm thứ 2 ngành kinh tế tại một trường đại học ở Singapo, Linh vẫn thường xuyên liên lạc với gia đình và gửi các tài liệu hay cậu tìm được qua mạng về cho bạn bè ở bên này cùng học tập.

Tại Ngõ Tự Do: Trên một đoạn phố khoảng 300m mà có tới gần 30 quán net chủ yếu phục vụ các "thượng đế" sinh viên.

Cũng bằng việc thường xuyên lên mạng và tham gia các diễn đàn, Forum lành mạnh, bạn có thể tăng khả năng giao tiếp, trở nên năng động và tự tin hơn rất nhiều. Quan trọng nhất là kiến thức. Có rất nhiều điều quý báu và những tri thức mới nhất của nhân loại mà bạn có thể tìm thấy, ngay trong một quán net bên lề đường chỉ với vài ba ngàn đồng và dăm phút truy cập. Một số bạn trẻ là sinh viên năm cuối khoa Báo Chí trường ĐH KHXH & NV Hà Nội đang tích cực xây dựng một trang Web “sinhvienbaochi.com” trên mạng với mục đích học tập. Nguyễn Đình, một trong những bạn trực tiếp thành lập trang web cho biết chỉ cần một số tiền rất khiêm tốn để mua tên miền và các kĩ năng tạo trang web cơ bản, họ sẽ có cơ hội tạo ra một sân chơi lành mạnh cho những bạn học báo. Vừa giao lưu học hỏi vừa rèn luyện và thực hành các kĩ năng được học trong sách vở thì còn gì tốt hơn.

Không chỉ tự học, giờ đây Net làm cho việc học trên lớp đối với một số môn đặc thù của dân công nghệ thông tin, ngoại ngữ hay sinh viên báo chí… trở nên vô cùng đơn giản. Thế mới có chuyện ông thầy CNTT ở tận Singgapo mà vẫn có thể trực tiếp ra đề kiểm tra cho học sinh ở một lớp đại học trong nước… Tại lớp k46 báo chí, ĐHKHXH&NV, cả lớp có một hòm thư “…k46baochi@walla.com” chung để trao đổi thư từ, để thông báo điểm thi, lịch thi và rất nhiều việc khác… “Mỗi ngày truy cập lại thấy có một tài liệu báo trực tuyến mới của thầy giáo gửi cho cả lớp tham khảo, một thông báo nghỉ học hay chuẩn bị thi giữa kì môn học nào đó…Lớp trưởng không còn phải lên thông báo oang oang trước lớp nữa” Lê Bình – một sinh viên trong lớp nói.

Net – "Đi"... vài ngàn đồng, học cả sàng khôn?

Phòng internet do KTX Mễ Trì quản lý.

Không hề ngoa ngôn khi nói như thế về Internet với đời sống sinh viên. Cậu sinh viên khoa Báo chí trường ĐH KHXH & NV Hà Nội tên Nguyễn nói trên là một ví dụ. Ngày nào cũng phải vào mạng vài tiếng… “mới chịu được”. Hầu như mọi hoạt động tiếp thu thông tin, tri thức mới đều được cậu tìm thấy qua các trang web, báo điện tử và các diễn đàn, forum online…trên mạng. Đánh máy các bài tập, niên luận, tiểu luận…rồi in ra nộp hay tìm bất kỳ tư liệu cần…cũng được Nguyễn giải quyết ngon ơ bằng “anh bạn” Net. Bởi, với đa phần sinh viên sống trong kí túc xá, phương tiện thông tin như tivi, đài … là rất hạn chế. Lên mạng một tiếng đồng hồ chỉ phải trả 2000đ mà được đọc thoải mái thông tin, kinh tế hơn nhiều so với cũng số tiền ấy bỏ ra mua một tờ báo in. “Hiện nay hầu như các tờ báo in lớn như Tiền Phong, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Quân đội nhân dân…đều đã có báo online, có thể đọc thoải mái. Chưa kể các báo trực tuyến, các trang thông tin ở cả trong và ngoài nước rất đa dạng và bổ ích…” Một sinh viên khác gặp trong quán net gần trường Ngoại Ngữ cho tôi biết như vậy.

Quang Anh (khoa Công nghệ thông tin - ĐH Dân lập Thăng Long) khẳng định giọng chắc nịch: “Chỉ cần biết ngoại ngữ và biết khai thác thông tin từ net, bạn có thể học được tất cả, với dân Công nghệ thông tin có thể vào các trang như “manguon.com” “diendantinhoc.com”…dân báo chí thì vào “hocbao.com”, “poiter.com”….Toàn những kiến thức thực tế và chọn lọc cực hay’’.

Nguyễn Đình - Cậu sinh viên báo chí năm cuối còn cho tôi biết thêm, chi phí cho Net của cậu trung bình khoảng 150 ngàn đồng/ tháng. “Đó là giờ đây em đã có máy tính cá nhân ở nhà rồi. Em ra quán net chỉ để tìm, lọc thông tin hay gửi bài viết qua mail thôi đấy. Chứ như mấy tháng trước chưa mua được máy, số tiền em chi cho Net hàng tháng có khi lên tới 300 ngàn đồng.”

Nhưng nói gì thì nói, Internet vẫn là phương tiện cung cấp tri thức đến sinh viên với mức chi phí tiết kiệm nhất. Điều quan trọng là bạn biết cách tìm kiếm và sử dụng nguồn tài nguyên thông tin vô tận của thế giới kết nối ấy. Một chuyên gia về CNTT đã từng khẳng định với tôi rằng, lần duy nhất anh thất bại khi kiếm tìm thông tin trên mạng chính là tìm các thông số kĩ thuật của hầm Đờ-cát (trong chiến dịch Điện Biên Phủ). Có lẽ nó thuộc về bí mật quân sự. Còn ngoài ra, hàng trăm lần khác chỉ với vài cú nhấp chuột, anh hoàn toàn thỏa mãn với những thông tin chi tiết trong nhiều lĩnh vực phức tạp. Nguyễn Mạnh Hải – SV năm thứ 4 trường ĐHBK HN thì tâm sự: “Với ngành học về CNTT như bọn em, để có được một tài liệu giá trị có khi phải tốn hàng năm bảy trăm ngàn. Chưa nói những tài liệu mới thì dù có tiền cũng chẳng mua được vì ở Việt Nam rất hiếm. Thế nhưng nếu biết cách, chỉ với vài ngàn đồng ngồi quán net, em có thể download toàn bộ một cuốn tài liệu như thế mà không gặp bất cứ trở ngại nào”. Không hề ngoa ngôn khi nói rằng, Internet là lựa chọn số một cho cánh sinh viên thường xuyên “viêm màng túi” nhưng ham học hỏi, thích tìm tòi.

Làm sao đáp ứng nhu cầu "ăn Net - ngủ Net" của Sinh Viên?

Ông Quách Tuấn Ngọc: “tôi rất ủng hộ các loại hình kinh doanh Cafe Internet”.

Đối với đại đa số sinh viên các trường đại học, truy cập Internet thường chỉ thực hiện ở các quán net tư nhân. Chất lượng, giá cả cũng không chênh lệch là mấy. Đại đa số đều dùng ADSL, giá cả dao động tùy từng nơi: Gần trường Bách Khoa, Xây Dựng, Kinh tế giá chung là 2.500 đ/h. Gần trường Luật, Sư phạm I rẻ hơn :2000 đ/h ban ngày, 3000đ/h sau 10h đêm…

Gần các trường đại học, xung quanh các khu kí túc xá sinh viên… là những nơi có mật độ các quán kinh doanh dịch vụ Internet nhiều nhất. Điền hình là phía sau Đại học Thủy Lợi; đối diện trường An Ninh, phố Lương Thế Vinh, (gần KTX Mễ Trì), Ngõ Mai Dịch – Cầu Giấy… Theo khảo sát của PV VietNamNet, chỉ nguyên trên đoạn phố khoảng 300m ở Ngõ Tự Do (phía sau trường Kinh Tế Quốc Dân) đã có tới gần ba chục cơ sở kinh doanh Internet. Vậy mà một chủ quán net tại đây cho biết công việc kinh doanh của họ vẫn rất tốt: “Sinh viên là khách hàng chủ yếu. Nhà tôi có 32 máy, thu nhập tháng vừa rồi được 6 triệu đồng. Trừ đi khoảng 2 triệu tiền điện và thuê nhân viên thì kể cũng được. Đấy là đầu năm mới có cao hơn chút, bình quân các tháng khác chỉ khoảng trên 5 triệu thôi… Chứ như mấy hôm nghỉ hết, Sinh viên về hết, mức thu nhập không nổi 1/3 bình thường thì chết.”

Trao đổi về vấn đề này, ông Quách Tuấn Ngọc (GĐ TTCNTT – Bộ GD ĐT) cho biết: “Tất nhiên không thể phủ nhận một vài tác động xấu của các loại hình kinh doanh Internet tư nhân. Nhưng bản thân tôi vẫn hết sức ủng hộ điều này. Vì nó là cách tốt nhất để phổ cập tin học trong giới trẻ. Quan trọng là phải tăng cường tuyên truyền và thắt chặt quản lý. Hãy thử tưởng tượng nếu không có cafe Internet, chúng ta có đủ chi phí mà xóa mù tin học cho thanh niên hay không?”

Bằng cố gắng theo cách khác, Ký túc xá Mễ Trì là một trong những nơi đầu tiên xây dựng phòng Net ngay trong ký túc để phục vụ sinh viên. Tất nhiên giá thành cực rẻ và chất lượng thì khỏi chê. Vào đây với bất kỳ lúc nào bạn cũng sẽ thấy có rất đông các bạn sinh viên cắm cúi đọc, đánh máy hay nghe nhạc…bên hằng trăm chiếc máy tính hiện đại nối mạng. Chị Quỳnh, một trong ba nhân viên quản lí phòng máy cho biết: “Chúng tôi có nhân viên trực, thu tiền và giám sát chặt chẽ, kiên quyết xử lí các trường hợp vi phạm nội quy phòng net, nhất là vào mấy trang bậy bạ…” Trong một môi trường như thế này, chuyện truy cập các trang web bậy bạ, đọc truyện sex hay chơi điện tử cả ngày là không thể có. Giá như mô hình này được nhân rộng ở nhiều trường cao đẳng, đại học, nhiều ký túc xá để phục vụ nhu cầu sinh viên thì tốt biết mấy.

  • Thế Phong

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,