Kỳ I: Khoảng tối trong thế giới online
“Trong chúng ta, ai chẳng muốn làm được điều phi thường khiến cả thế giới biết đến. Công nghệ thông tin trở thành lĩnh vực lý tưởng để thực hiện những ước muốn không dễ có trong đời thực như thế”, anh Nguyễn Tử Quảng - Giám đốc Trung tâm BKIS nói, “Nhiều người vì thế cho rằng, trên mạng ai cũng như ai, nên muốn làm gì thì làm. Nhưng sự thực, nếu anh không làm thì thôi, đã làm thì sẽ có dấu vết. Đừng quên rằng, tham gia cuộc sống trên mạng, anh cũng phải có trách nhiệm như trong đời sống thực vậy”.
Như để minh chứng, anh kể cho tôi nghe một câu chuyện mà chính anh từng tham gia với tư cách một “thám tử bất đắc dĩ”(*)
Truy tìm dấu vết
Một ngày giữa tháng 11-2003, anh Quảng nhận được yêu cầu khẩn thiết của một người bạn - ông Nguyễn Tất Đạt - cán bộ cao cấp trong một cơ quan nhà nước. Trong thời gian ngắn, ông liên tục nhận được hàng chục e-mail đe dọa từ một hòm thư bí ẩn. Kẻ lạ mặt ẩn danh buông lời nhục mạ, xúc phạm nặng nề và có ý đe dọa khủng bố ông Đạt. Những lời đe dọa ngày càng đáng sợ khi ông phát hiện kẻ lạ biết rất rõ về ông, từ nơi công tác, địa chỉ gia đình, người thân và cả thói quen sinh hoạt. Thậm chí hắn còn cả gan tuyên bố đã theo chân cô con gái ông đến tận ngôi trường cấp III nơi cô bé đang học lớp 11 và đe dọa làm hại cô nếu ông không “hối cải”, xin lỗi hắn... và “cứ ăn trên ngồi chốc anh em đi, cứ khệnh khạng làm bộ làm tịch quan trên nữa đi, rồi mày sẽ biết, ta đã nói là làm...”.
Không đủ cơ sở để báo công an, ông Đạt đành nhờ anh Quảng truy tìm kẻ lạ mặt. Vốn quen biết ông Đạt từ lâu, anh Quảng tin ông không bao giờ làm điều gì lỗi đạo với anh em bạn bè trong cơ quan.
“Đây rất có thể là người quen biết với ông, nên mới phải giấu tên. Chắc là có mâu thuẫn từ trước nhưng không dám công khai đối mặt mà phải lên mạng “trả thù” theo cách này”. Chàng “thám tử bất đắc dĩ” đưa ra nhận định ban đầu, nhưng không đủ căn cứ để khoanh vùng đối tượng. Anh đành yêu cầu ông Đạt chuyển tất cả số e-mail đã nhận cho anh. Sau đó, anh đến tận cơ quan làm việc của ông để kiểm tra trên máy tính mà ông Đạt làm việc, hy vọng tìm ra dấu vết từ chiếc máy ông Đạt thường xuyên nhận những bức thư bí ẩn. Kết quả không có chi tiết nào quan trọng, ngoài một thông tin: IP máy gửi trong Outlook là ở trong nước. Xem lại header thì mail được gửi theo con đường thông thường chứ không qua Web.
Lâm vào thế “bí”, anh Quảng buộc phải hỏi cơ quan quản lý Internet xem IP nọ do ISP (nhà cung cấp dịch vụ Internet) nào quản lý. Rồi anh đến thẳng nhà cung cấp dịch vụ nhờ họ kiểm tra đường truyền mà kẻ lạ mặt đã sử dụng và được biết toàn bộ số e-mail kia đều gửi qua hệ thống ADSL từ các cơ sở kinh doanh cafe Internet... Một lần nữa vụ việc lại đi vào ngõ cụt mặc dù ISP rất nhiệt tình hợp tác.
“Ma trận”
Dường như biết hành vi khủng bố của mình đang bị truy lùng, kẻ giấu mặt đột nhiên im hơi lặng tiếng. Anh Quảng thuyết phục ông Đạt reply (hồi âm) bức thư gần nhất. Chiến thuật “câu cá” ngay lập tức có tác dụng. Kẻ giấu mặt liền lên giọng huênh hoang, ngạo mạn trong bức thư sau đó: “Ta biết mày đang cố tìm kiếm ta. Nhưng mày chỉ vô ích thôi, trên thế giới Internet, ta có thể là tất cả mọi người, ta muốn làm gì thì làm, không ai biết nổi...”.
Lại một lần nữa lấy kết quả dò tìm đường truyền từ phía nhà cung cấp dịch vụ. “Thám tử” Quảng như đang bước trong “ma trận” không lối thoát: IP kẻ giấu mặt sử dụng là từ một máy dùng dial-up tận trong thành phố Đà Nẵng. Ông Đạt rất ngạc nhiên khi hay tin này vì ông không hề có quan hệ, chứ đừng nói xích mích với một người nào ở địa phương đó.
Đến nước này buộc Quảng đi đến một quyết định “năm ăn, năm thua”: Từ địa chỉ IP dò được, tìm ra địa chỉ thuê bao Internet của gia đình nọ trong Đà Nẵng. Anh gọi vào số điện thoại cố định của thuê bao Internet này. Động thái này chấp nhận “Bạt thảo kinh xà” (đập cỏ động rắn); hoặc tìm được manh mối gì đó, hoặc là sẽ càng khó khăn.
“A lô! Gia đình chúng tôi không hề có người quen nào vô thăm trong vòng hai tháng qua cả. Anh nhầm ai đó chứ ạ?”- giọng nói tỉnh bơ và lạnh như băng trong điện thoại. Có lẽ kẻ giấu mặt đã tiên liệu mọi việc và dặn dò người thân ở Đà Nẵng từ trước. Không hề có sai sót trong quá trình lần theo dấu vết con rắn gian ngoan này, Quảng khẳng định điều đó. Không lẽ trong nội bộ “đội điều tra” của các anh lại có nội gián? Không! Không thể thế được, họ là những thành viên cốt cán của BKIS, các anh gắn bó với nhau từ khi còn là sinh viên. Đây chỉ là một việc riêng do anh nhận giúp ông Đạt và nhờ họ nhập cuộc với tư cách cá nhân.
Không lẽ lại là người của ông Đạt gửi sang... Ồ, không! Quảng không nghĩ thế. Anh tự nhủ, trước khi tìm ra dấu vết rõ ràng, không nên để sự nghi kị làm mất sáng suốt...
-
Thế Phong (Theo e-CHÍP)
* Mời các bạn đón đọc phần tiếp theo mang tên ''Công Lý Online'' trên e-CHÍP số 185, ra ngày thứ Sáu, 18/03/2005.
(*) Tên của một số nhân vật và tên địa phương trong bài đã được thay đổi.