(VietNamNet) - Đây là kết quả của một trong số ba lĩnh vực cấp phép, kiểm soát và điều hoà phối hợp yêu cầu sử dụng tần số vô tuyến điện được Cục Tần số vô tuyến điện (thuộc Bộ Bưu chính Viễn thông) làm tốt trong năm 2004.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông Lê Nam Thắng, năm 2004, công tác quản lý phổ tần số đã được nâng cao đáp ứng với những sự phát triển tạo ra môi trường cạnh tranh của các doanh nghiệp. Đây được coi là năm phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông và công nghệ thông tin, cùng bước đột phá đánh dấu bằng việc Nghị định về tần số vô tuyến điện được Chính phủ ban hành, tạo hành lang pháp lý trong công tác quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện.
Trong năm 2004, Cục Tần số đã cấp 4.510 giấy phép sử dụng tần số, gia hạn 6.080 giấy phép cho các mạng viễn thông công cộng, chuyên dùng, phát thanh và truyền hình. Việc quy hoạch băng tần cho các hệ thống thông tin vô tuyến cố định và lưu động mặt đất của Việt Nam trong dải tần 406,1-470MHz đã nâng cao hiệu quả đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển của các công nghệ, dịch vụ mới trong dải tần.
Hai bản quy hoạch băng tần phân kênh cho hệ thống di động mặt đất Trunking và quy hoạch băng tần cho mạng truy cập không dây cố định (WLL) đã không chỉ đáp ứng được yêu cầu của các nhà khai thác còn đồng thời đảm bảo việc sử dụng có trật tự, hợp lý về tần số cho các dịch vụ Trunking và WLL.
Đặc biệt, việc hoàn thành xây dựng và ban hành quy hoạch băng tần cho hệ thống thông tin di động IMT-2000 của Việt Nam đến năm 2015, trong dải tần 1900-2200MHz, đã góp phần triển khai các hệ thống thông tin di động thế hệ thứ 3 theo các tiêu chuẩn IMT-2000 của Liên minh viễn thông quốc tế ITU ở Việt Nam.
Do sự phát triển mạnh mẽ của CNTT trong đó có công nghệ số, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng công nghệ truyền hình số mặt đất. Đối với Việt Nam, việc áp dụng công nghệ truyền hình số mặt đất không chỉ nhằm mở rộng dung lượng truyền dẫn mà còn tiết kiệm phổ tần. Sau khi "Quy hoạch phân bố kênh tần số cho truyền hình tương tự mặt đất băng tần VHF/UHF" được ban hành trong năm 2003, năm 2004, Cục tần số vô tuyến điện đã triển khai nghiên cứu, xây dựng quy hoạch kênh tần số cho truyền hình số mặt đất.
Cũng trong năm 2004, Cục tần số đã bắt đầu triển khai xây dựng "quy hoạch phân bổ kênh tần số cho phát thanh FM băng tần 87-108 MHz đến năm 2010 trên cơ sở khảo sát thực tế tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Long An, Bến Tre... Đây là việc làm xuất phát từ yêu cầu xây dựng một quy hoạch kênh tần số cho phát thanh FM nhằm phân bổ hợp lý các kênh tần số, đáp ứng yêu cầu phủ sóng lâu dài của các chương trình phát thanh quốc gia và các chương trình phát thanh địa phương, đồng thời không gây can nhiễu có hại, không ảnh hưởng đến hệ thống thông tin của an ninh, quốc phòng và các lĩnh vực khác.
Những công trình nghiên cứu tình hình phát triển và quản lý về truyền dẫn phát sóng phát thanh truyền hình tại Việt Nam nhằm nắm bắt thực trạng, những bất cập, khó khăn trong vấn đề quản lý... đã góp phần giúp Bộ BCVT đề ra biện pháp tăng cường khả năng và hiệu quả quản lý nhà nước về phát thanh truyền hình.
-
Thuỷ Nguyên.