(VietNamNet) - Đó là kinh nghiệm được Bưu điện Đồng Nai đưa ra cho câu hỏi làm sao thu hút được nhiều thuê bao điện thoại trong môi trường có nhiều doanh nghiệp khác cạnh tranh gay gắt hiện nay.
Đưa cáp về vùng nông thôn. (Ảnh: Thuỷ Nguyên) |
Năm 2004, chỉ tiêu phát triển máy của Bưu điện Đồng Nai là 30.000 máy điện thoại, trong khi đó, vào thời điểm cuối tháng 10/2004, Bưu điện tỉnh Đồng Nai mới chỉ phát triển được 22.500 máy điện thoại, thì ngay sau đó, chỉ trong vòng hai tháng cuối năm, số máy phát triển được đã lên tới 7.000 máy, vượt chỉ tiêu 1.500 máy.
Đến nay, mật độ máy điện thoại ở Đồng Nai đã đạt 14,2 máy/100 dân với tổng số 311.845 thuê bao trong đó điện thoại cố định là 185.047 máy, 126.798 máy di động. Con số này đã vượt chỉ tiêu đề ra đến năm 2005 đạt 10,5 máy/100 dân.
Khi được hỏi về những kinh nghiệm phát triển thuê bao điện thoại tại địa phương, ông Nguyễn Minh Tân - phó giám đốc Bưu điện Đồng Nai cho hay: Để có được kết quả đó, Bưu điện Đồng Nai đã phải tìm ra những kinh nghiệm phù hợp với địa phương. Không thụ động chờ đợi các công trình đầu tư mới, bằng phương pháp điều tra, khảo sát nhu cầu sử dụng dịch vụ của từng vùng, mà phải có sự điều chỉnh kịp thời các dự án được phân cấp, tìm ra hướng phát triển mới của dịch vụ.
Chăm sóc khách hàng cũng là yếu tố then chốt không thể thiếu trong việc giữ và phát triển thị phần. Và để chăm sóc khách hàng tốt, cần phải thường xuyên bảo dưỡng dây máy, xử lý vượt chỉ tiêu thời gian, nâng cao chất lượng, tập trung giải quyết nhu cầu thông tin điện thoại cho người lao động có thu nhập thấp trung bình và khu vực nông thôn. Được biết, ngay từ năm 1998, Đồng Nai đã là tỉnh sớm hoàn thành việc đưa 100% điện thoại về xã.
Mặc dù vậy, theo ông Tân, đây là những đối tượng có tiềm năng cao về nhu cầu sử dụng điện thoại, nên, khi đặt vấn đề phát triển thuê bao và tính mật độ máy điện thoại cần chú ý đầu tư viễn thông nông thôn. Bên cạnh đó, những khu phố lao động tại thành phố, thị xã, khu công nghiệp cũng là một thị trường mở rất cần được quan tâm.
Thuỷ Nguyên