(VietNamNet) - Mới đây, tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc rộ lên hiện tượng lắp chảo ''chui'', thu được hàng chục kênh truyền hình nước ngoài. Người dân kháo nhau: ''Trên trời, dưới chảo''!
Thu tín hiệu bằng chảo ''lậu'': Dễ, mà rẻ?
Thứ trưởng Bộ VH-TT Đỗ Quý Doãn: Cần chữa tận gốc tình trạng mua bán và lắp đặt trái phép các thiết bị thu tín hiệu TH nước ngoài từ vệ tinh. |
Từ tháng 11/2003, trên thị trường hàng điện tử, viễn thông, loại đầu thu kỹ thuật số trực tiếp từ vệ tinh theo phương thức DTH (Direct To Home) bắt đầu được bày bán tại Hà Nội. Đây là các loại đầu thu VDCT 410, 420, 430 hoặc PTV ROSAT 961 có sử dụng kèm thẻ (card) được sản xuất tại Trung Quốc.
Chảo thu có đường kính 0,6m, có thể thu được từ 60-120 kênh của Philippines phát trên vệ tinh Agila 2, trong đó có một số kênh phát hình ảnh khiêu dâm 24/24g. Một đầu thu, nếu sử dụng hai chảo sẽ thu được 120 kênh. Mới đây nhất, đã xuất hiện loại đầu thu 200 kênh truyền hình (TH) không cần sử dụng card. Loại đầu thu này đang được bày bàn và lắp đặt nhiều ở các tỉnh miền Bắc, đặc biệt công khai tại các chợ cửa khẩu như Lào Cai, Móng Cái...
Chỉ cần bỏ ra một - hai triệu dồng, khách hàng đã được xem từ 60-120 kênh TH, nguy hiểm nhất là trong số này có từ một đến ba kênh sex. Thiết bị này được đánh giá là dễ mua, dễ lắp đặt. Trong một lần tới tỉnh Hà Tây, thanh tra Bộ VH-TT đã bắt gặp phó chủ tịch một xã ở tỉnh này đang sử dụng chảo ''lậu'' ngang nhiên. Khi được hỏi, vị cán bộ xã này trả lời tỉnh queo: ''Lắp để... nghiên cứu''!?
Việc kiểm soát người dùng xem các chương trình này thực sự quá nan giải, đặc biệt là không thể lường trước được việc sao chép, in thu băng đĩa lậu rồi kinh doanh trái phép băng, đĩa tuyên truyền cho bạo lực và sex tràn lan.
So với giá cước dịch vụ truyền hình cáp của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội và đầu thu kỹ thuật số VTC thì chảo thu này giá rẻ hơn rất nhiều. Mua một đầu thu kỹ thuật số của Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghệ TH Việt Nam (Bộ Bưu chính - Viễn thông) cũng mất tới 2,8 triệu đồng, song chỉ thu 16 kênh TH. Còn với chương trình TH cáp của hai đài, giá lắp đặt ban đầu cũng mất hơn 600.000 đồng, cước thuê bao mất 30.000 đồng/tháng và mới chỉ có các kênh ít hấp dẫn. Riêng với các kênh CNN, HBO, Starmovies, BBC và kênh Thời trang, nếu muốn xem, phải mất thêm tiền mua đầu thu, trị giá 1,7 triệu đồng. Và nếu muốn xem kênh nào thêm, sẽ phải mất cước phí phụ trội hàng tháng, ngoài mức cước thuê bao.
Việc lắp chảo ''lậu'' vì thế trở nên phổ biến tại Hà Nội. Rất nhiều cửa hàng kinh doanh đồ điện tử vẫn nghĩ việc kinh doanh này không vi phạm luật pháp. Và nhiều khách hàng cũng hoàn toàn vô tình khi tiêu thụ thiết bị này, do ''thấy rẻ, lại bắt được nhiều chương trình nên mua''.
Cảnh báo đầu tiên
Ngày 24/6/2004, Bộ VHTT đã có văn bản số 2175/VH-BC gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thanh tra, kiểm tra các loại thiết bị thu tín hiệu TH nước ngoài từ vệ tinh.
Văn bản chỉ rõ: việc nhập khẩu, kinh doanh lắp đặt thiết bị thu tín hiệu TH từ vệ tinh nói trên đã vi phạm Quyết định 79/2002/QĐ-TTg ngày 18/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý việc thu các chương trình TH nước ngoài và quy chế cấp phép thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm việc thu chương trình truyền hình nước ngoài ban hành kèm theo Quyết định 18/2002/QĐ-VHTT ngày 29/7/2002 của bộ trưởng Bộ VHTT.
Để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng mua bán và lắp đặt trái phép các tín hiệu truyền hình nước ngoài từ vệ tinh, Bộ VHTT đã đưa ra các biện pháp để các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện. Trước hết, thanh tra ngành VHTT phối hợp với các cơ quan hữu quan (quản lý thị trường, công an...) tiến hành thanh tra, kiểm tra các cửa hàng kinh doanh lắp đặt, các đối tượng sử dụng loại thiết bị này tại địa phương, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm các quy định tại Quyết định 79/2002/QĐ-TTg ngày 18/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định pháp luật có liên quan.
Làm sao "chữa tận gốc"?
Ngày 8/7, tại cuộc họp với các Bộ, ngành và cơ quan chức năng bàn về biện pháp ngăn chặn tình trạng mua bán và lắp đặt trái phép các tín hiệu truyền hình nước ngoài từ vệ tinh, thứ trưởng Bộ VH-TT Đỗ Quý Doãn đã nhận định: ''Việc tiêu thụ thiết bị thu tín hiệu truyền hình từ vệ tinh như là một cuộc xâm lăng về thông tin, đặt thách thức cho cơ quan quản lý vì hiện tại đang được bày bán, lắp đặt công khai. Cần phải chữa tận gốc''.
Trên thực tế, văn bản 2175/VH-BC gửi đi cũng chỉ đáp ứng được giải pháp tình thế - giải quyết được tình trạng các cửa hàng Hai Bà Trưng, Hàng Bài,... (Hà Nội) từ chỗ bày bán công khai ngoài phố sẽ chuyển sang... giấu hàng, chỉ khi khách hỏi mới đem ra bán.
Cũng theo ông Doãn, cơ sở pháp lý để xử phạt các hành vi này dựa trên Quyết định 79/2002/QĐ- TTg ngày 18/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 18/2002/QĐ-Bộ VHTT ngày 29/7/2002 của bộ trưởng Bộ VHTT. Trước hết, cần chú trọng ngăn chặn ngay từ khâu nhập khẩu thiết bị thu tín hiệu truyền hình từ vệ tinh (khâu này gồm có buôn bán, vận chuyển) tại các tỉnh biên giới Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai. Việc nhập khẩu này sẽ phải do Bộ VHTT cấp giấy phép. Các cơ sở tổ chức lắp đặt cũng như các đối tượng sử dụng thiết bị thu này cũng phải được phép của Bộ VHTT. Biện pháp song song tiếp theo là sử dụng kỹ thuật để mã hóa các kênh không cần thiết. Và tuyên truyền, hướng dẫn để người dân biết việc sử dụng không phép các loại thiết bị thu tín hiệu TH nước ngoài từ vệ tinh là hành vi phạm pháp luật. Cần giúp mọi người hiểu việc xem các chương trình TH nước ngoài có nội dung không lành mạnh sẽ ảnh hưởng xấu đến đạo đức, lối sống và việc hình thành nhân cách của lứa tuổi thanh, thiếu niên học sinh nói riêng.
Hiện tất cả các tỉnh phía Bắc đã đồng loạt kiểm tra, thống kê tình hình lắp đặt chảo lậu. Điển hình, Quảng Ninh đã tiến hành phổ biến văn bản 2175/VH-BC xuống các phường, xã. Nguyễn Xuân Thành, phó chánh thanh tra Bộ VHTT, khẳng định: "Trong công tác chống buôn lậu thiết bị này từ biên giới, cần phải có hỗ trợ đắc lực của Chi cục Quản lý Thị trường, với đầy đủ các chế tài. Ngay trong thời gian gần nhất, thanh tra Bộ VHTT sẽ phối hợp với Bộ Công An và Chi cục Quản lý Thị trường ra quyết định thanh tra trên địa bàn tất cả các tỉnh phía Bắc''.
Về phía Bộ Công an, từ ngày 11/6/2004, Bộ đã thông báo cho công an 64 tỉnh, thành trên toàn quốc, nhằm thống kê, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Khó khăn hiện tại là mức độ hoạt động, sử dụng chảo lậu này đã công khai trên phạm vi rộng nên ''việc ra quân còn chưa đồng bộ''.
Tội thuộc chảo hay... người?
Bên cạnh đó, vướng mắc lớn nhất hiện nay là không thể phủ nhận tính ưu việt của các thiết bị thu tín hiệu truyền hình từ vệ tinh này.
Trong khi sóng của Đài Truyền hình Việt Nam chưa thể vươn tới ngõ ngách của các bản làng vùng sâu, vùng xa thì với chảo và đầu thu ''lậu'', các tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Cao Bằng... đã thu được bốn kênh TH VTV1, VTV2, VTV3 và VTV5 - chương trình TH dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều làng, bản coi đây là món ăn tinh thần trong đời sống sinh hoạt người dân. Tại tỉnh Cao Bằng, UBND tỉnh đã và đang cho phép nhân dân lắp đặt công khai chảo và đầu thu, với mục đích ''phủ sóng'' chương trình TH của Đài Truyền hình Việt Nam. Vì vậy, nếu dỡ, bỏ thiết bị này hoặc xử phạt việc lắp đặt, sử dụng chảo và đầu thu ở những địa phương này, liệu có nên không? Vậy trách nhiệm liệu có phải chỉ thuộc về Bộ VHTT, Bộ Công an và Chi cục Quản lý Thị trường?
Rõ ràng, chảo và đầu thu hoàn toàn ''vô tội'' - vốn là các thiết bị truyền thông phục vụ đắc lực cho cuộc sống... Từ khi xuất hiện ở nước ta, nó đã và đang gióng lên tiếng chuông cảnh báo không chỉ với các cơ quan quản lý mà còn với nhận thức của con người.
-
Đinh Hằng