Kết quả nghiên cứu từ 100.000 học sinh ở 31 quốc gia trên khắp thế giới đã đưa ra một kết quả đáng ngạc nhiên rằng: Máy tính có thể làm cho trẻ em trở nên kém thông minh và lười nhác.
Thomas Fuchs và Ludger Woessmann thuộc đại học tổng hợp Munich, là 2 tác giả của công trình nghiên cứu trên. Hai chuyên gia này đã sử dụng các bài kiểm tra thuộc hệ thống PISA để đo lường kỹ năng của 100.000 trẻ 15 tuổi ở mọi quốc gia. Cuộc nghiên cứu đã chỉ ra rằng: khi mọi nhân tố xã hội cũng đã được tính toán đến, thì việc sử dụng máy tính cũng tỏ ra không có giá trị gì hơn khả năng sử dụng điện thoại hoặc truyền hình.
Ở các gia đình có “truyền thống” tương tự nhau thì các học sinh có máy tính riêng ở nhà hầu như đều có thái độ cư xử xấu hơn các học sinh không có máy tính riêng. Các học sinh chăm chỉ đọc sách và có kho sách riêng đều cư xử tốt hơn nhiều so với các học sinh tối ngày vùi đầu vào máy tính.
Trẻ em ngày nay cũng bị “vùi dập” bởi làn sóng sự kiện xảy ra ở khắp mọi nơi nhưng thực ra chúng chẳng biết phải làm gì với những thông tin như vậy. Các học sinh tỏ ra “lão luyện” trong kỹ năng sử dụng máy tính đa số đều nằm trong nhóm “thường thường bậc trung” ở hầu hết mọi môn học. Tránh xa việc sử dụng máy tính trong lớp học hoặc tại gia đình sẽ làm gia tăng khả năng cảm thụ văn học cũng như tính toán của trẻ ở lứa tuổi phổ thông.
Trẻ em trung học nghiện máy tính hiện nay cũng cũng luôn bị hội chứng “rối loạn khả năng giải quyết vấn đề” và mất dần đi khả năng phân tích. Biện pháp tốt nhất trong các trường hợp này là phải tắt ngay máy tính và khuyến khích khả năng tưởng tượng của trẻ bằng các hoạt động khác.
Tính sáng tạo, óc tưởng tượng và lối suy nghĩ tích cực phải được đến từ nhiều nguồn, tốt nhất là qua lối giao tiếp tích cực, chủ động, hướng ngoại. Với những học sinh tối ngày vùi đầu vào máy tính thì khả năng giao tiếp xã hội sẽ gần như mất hẳn. Sau mỗi phiên sử dụng máy tính chúng sẽ trở nên mệt mỏi, bực tức, cáu gắt … sẽ ảnh hưởng nặng nề đến kết quả học tập, giao tiếp, nhận định khách quan. Các chuyên gia khuyến cáo các học sinh chỉ nên xem máy tính như là một công cụ hỗ trợ trong cuộc sống chứ không nên đam mê quá mức để rồi tự vùi dập mình xuống “địa ngục kỹ thuật số”.
Riêng tại Mỹ thì chương trình này được thiết kế thông qua các bảng câu hỏi được học sinh trả lời trực tuyến qua Internet cũng cho ra các kết quả tương tự. Máy tính làm cho trẻ ngu hơn và lười hơn hiện nay đang là một hiện tượng xã hội ở quốc gia phát triển.
Thiên Trang (TTO)