Giả định được nhiều người tin rằng bật ĐTDĐ tại trạm xăng có thể gây cháy nổ thực ra hoàn toàn hoang đường. Đó là kết luận của một công trình nghiên cứu mới nhất tại Anh.
Theo số liệu thống kê của tiến sĩ Adam Burgess, trường Đại học Kent, Anh quốc, trong số 243 vụ nổ trạm xăng mà người ta quy chụp cho ĐTDĐ trên toàn thế giới trong vòng 11 năm qua, hoàn toàn không có một vụ nào có thủ phạm đích xác là di động. Thay vào đó, điện tích trong cơ thể người mới là nguyên nhân gây nổ của rất nhiều vụ.
Tác phẩm của khoa học viễn tưởng
Theo phát hiện của giám đốc an toàn cháy nổ của hãng dầu nhớt BP, Richard Coates, rất nhiều vụ cháy đã xảy ra sau khi lượng điện tĩnh trong cơ thể người đột ngột phóng ra và bắt cháy vào hơi xăng. "Câu chuyện trạm xăng/ĐTDĐ đã rơi vào khu vực trung gian giữa đồn đại và tưởng tượng thêm thắt của mọi người", tiễn sĩ Burgess kết luận. "Ngay cả trên những chuyến xe hoặc tàu chở dầu, lý do thực sự duy nhất mà người ta không sử dụng ĐTDĐ là vì muốn tránh... phân tâm".
Mọi chuyện bắt đầu từ sau thảm hoạ vụ nổ tại đường ống dẫn dầu Alpha ở ngoài khơi vùng biển Scotland vào năm 1988, khiến 167 người chết. Vào thời điểm đó, người ta không có cách nào xác định được nguyên nhân thật sự đằng sau tai nạn và vì vậy, giả thiết do ĐTDĐ kích hoạt đã được khá nhiều người ủng hộ. Sau đó, lệnh cấm dùng di động tại các trạm xăng chính là hệ quả của "sự phản ứng đề phòng mang tính bản năng", chứ không xuất phát từ căn cứ khoa học nào.
Ngay các hãng sản xuất điện thoại cũng "cẩn tắc vô áy náy" khi cảnh báo người sử dụng không nên xài di động tại trạm xăng để tránh nguy cơ gây cháy. Việc làm này lại càng khiến giả thiết nói trên được nhiều người tin hơn.
"Một điếu xì gà đang cháy dở còn không đủ độ nóng để đốt cháy hơi xăng trong một trạm xăng, chứ đừng nói đến dòng điện vài volt bên trong ĐTDĐ", Bargess kết luận.
-
Cầm Thi (Theo BBC)