Từng bước thay thế điện thoại cố định, công nghệ điện thoại Internet VoIP giá rẻ "bất ngờ" ngày càng trở nên phổ biến và buộc cả các hãng ĐTDĐ cũng phải bắt đầu... ngoái nhìn.
Những đại gia trong làng di động như Qualcomm, Texas Instruments, Nortel Networks và nhiều hãng khác đều đang nghiên cứu tích hợp VoIP vào ĐTDĐ, chip và các thiết bị mạng không dây do họ sản xuất hoặc thiết kế. Chính sách này đã được chính quan chức các hãng công bố trong khuôn khổ triễn lãm CTIA Wireless 2005 đang diễn ra ở New Orleans, Mỹ.
Là nền tảng của dịch vụ điện thoại Internet, VoIP thực sự trở nên phổ biến nhờ hãng kinh doanh dịch vụ "mát tay" Vonage và mạng cung cấp dịch vụ điện thoại P2P miễn phí Skype. Các cuộc gọi VoIP được số hoá và gửi đi trên mạng nhờ sử dụng giao thức IP, xương sống của mạng Internet. Cho tới nay, VoIP vẫn bị các quy định pháp luật "động" tới, và nhờ thế, mức giá của nó chỉ bằng một nửa so với các dịch vụ điện thoại truyền thống - nhân tố chính làm nên sức hấp dẫn khó cưỡng lại của công nghệ này đối với người tiêu dùng.
Giờ thì các mạng di động lớn (rất nhiều trong số họ đã sử dụng VoIP trong bộ máy nội bộ để cắt giảm chi phí vận hành của chính mình) lại đang xây dựng kế hoạch mở rộng các cuộc gọi VoIP kia từ nền tảng mạng sang những chiếc máy cầm tay nhỏ nhắn. Sách lược này lại trùng khớp với hệ thống các mạng băng thông rộng không dây mà họ đang tiến hành xây dựng, cho phép truyền dữ liệu với tộc độ đủ nhanh và chính xác hơn, để biến điện thoại VoIP trên "dế" thực sự trở thành sự thật.
"VoIP là một trong những nhân tố quyết định vào thời điểm này", Bill Krenkik, giám đốc thiết kế không dây của Texas Intruments tuyên bố.
Qualcomm, Nortel thay đổi chiến lược
Không dấu hiệu nào có thể lột tả rõ hơn sức ảnh hưởng mạnh mẽ từ VoIP lên ngành công nghiệp ĐTDĐ bằng quyết định mà gã khổng lồ không dây Qualcomm vừa mới đưa ra. Hãng này đã tạm hoãn vô thời hạn các kế hoạch phát triển thế hệ kế tiếp của EV-DV, công nghệ di động mới nhất và được "cưng" nhất của mình. Được thiết kế để cung cấp đàm thoại và dữ liệu tốc độ cao, EV-DV từng được coi là bước phát triển tất yếu tiếp theo của những mạng di động như Verizon Wireless và Sprint. Hai mạng này hiện đang sử dụng một công nghệ khác của Qualcomm là EV-DO, đời thấp hơn và chỉ có thể cung cấp băng thông rộng cho các thiết bị cầm tay mà thôi.
Nhưng với VoIP, thế hệ mới nhất của EV-DO cũng có thể hỗ trợ cuộc gọi và EV-DV trở thành... kẻ thừa. Vì lẽ đó, việc Qualcomm, đại gia về chip không dây và cũng là hãng phát minh ra công nghệ CDMA, xếp xó kế hoạch EV-DV là một sự lựa chọn chẳng làm ai ngạc nhiên. Ngay CEO kiêm người sáng lập ra Qualcom, Irwin Jacobs trong buổi họp báo cũng thừa nhận rằng "Chúng tôi đã phát triển chip EV-DV với mục đích phát triển điện thoại và cơ sở hạ tầng, nhưng giờ đây, VoIP mới là tương lai".
Theo sau Qualcomm, đến lượt một hãng sản xuất thiết bị ĐTDĐ lớn là Nortel Networks cũng tuyên bố VoIP đóng một vai trò chủ chốt trong chiến lược kinh doanh mới của hãng này. Còn Verizon Wireless, hãng dự định thử nghiệm thiết bị EV-DO có VoIP của Nortel vào năm 2006, thì úp mở cũng sẽ nhảy vào phong trào "VoIP với di dộng", hay VoIPular trong một tương lai không xa.
Nhân tố Wi-Fi
Một nhân tố khác thúc đẩy hành trình VoIP chinh phục ĐTDĐ chính là Wi-Fi, mạng băng thông rộng không dây tầm ngắn đang được sử dụng ở hàng triệu gia đình, văn phòng, trung tâm giao thông và các địa điểm công cộng. Ban đầu, các hãng chế tạo di động bổ sung sóng Wi-Fi cho những "đứa con cưng" của mình, để chúng có thể download những khối dữ liệu lớn, chẳng hạn như file presentation của Power Point.
Nhưng với việc thuê bao VoIP gia đình tại Mỹ tăng trưởng với tốc độ lên tới 32%/năm, ĐTDĐ Wi-Fi không còn được các hãng sản xuất coi là công cụ "cao giá" dành cho đối tượng doanh nhân sành điệu nữa. Lúc này, với họ những chiếc điện thoại Wi-Fi có phần mềm VoIP đi kèm là một cách hữu hiệu để kéo khách hàng ra khỏi các công ty điện thoại địa phương.
Nhưng ĐTDĐ Wi-Fi cũng là một câu đố hóc búa. Về bản chất, những chiếc điện thoại này cho phép người dùng tiến hành cuộc gọi miễn phí qua mạng Wi-Fi, chứ không phải qua tần số sóng của chính nhà cung cấp dịch vụ di động. Song Texas Instruments vẫn cho rằng các mạng di động vẫn được lợi, bởi điện thoại Wi-Fi sẽ giúp họ giải phóng một lượng lớn những dải tần số đắt tiền, và họ có thể sử dụng nguồn tài nguyên này vào những việc khác.
Hiển nhiên, điện thoại Wi-Fi vẫn là những con dế "cắt cổ" nhất hiện nay. Song một loạt thiết kế và con chip mới được giới thiệu tại CTIA năm nay, theo quan chức các hãng, sẽ giúp hạ thấp một cách đáng kể giá thành của những mẫu điện thoại Wi-Fi tương lai. Với mức giá thấp, khoảng dưới 150 USD, thị trường cho những chiếc máy kiểu này sẽ tăng từ 1 triệu vào năm nay lên... 154 triệu vào năm 2008, một tốc độ "khủng khiếp".
Cầm Thi (Theo CNET)