Hôm 20/2, Intel đã chính thức phát hành bộ xử lý Pentium 4 và phiên bản Pentium 4 Extreme, sử dụng công nghệ EMT64 64-bit mở rộng của hãng. Với người tiêu dùng, đây hoàn toàn là một tin tức tốt lành, bởi họ có thêm những sự lựa chọn mới, đồng nghĩa với khả năng tiết kiệm được chi phí mà chất lượng lại tốt hơn.
Tuy nhiên, trong điều kiện bộ xử lý 64 bit Athlon 64 x86-64 của đối thủ AMD vẫn không ngừng tạo ra những dấu ấn sâu sắc - trong cả giới chuyên môn lẫn tâm trí người tiêu dùng - thì bước đi này của Intel quả là bất ngờ.
AMD phát hành bộ xử lý 64-bit dành cho desktop đầu tiên vào năm 2003. Tại thời điểm đó, Intel tuyên bố hãng không có kế hoạch nào về việc nhảy vào lĩnh vực chip 64-bit desktop. Tuy nhiên, đến tháng 10 năm ngoái, lập trường này đã có vẻ lung lay khi Intel phát hành dòng chip Xeon tích hợp công nghệ EMT64.
Đánh giá ban đầu của PC World
PC World đã tiến hành thử nghiệm một trong những con chip mới phát hành đợt này, Pentium 4 EMT64 3,6 GHz, cho chạy cùng lúc trên cả phiên bản 32 bit của Windows XP Professional lẫn Release Candidate 2 của phiên bản Windows XP 64-bit X64. Để dễ so sánh, PC World cũng chạy thử một con chip Athlon 64 3800+ trong những điều kiện nghiêm ngặt của WorldBench 5. Được đánh giá cao hơn, con chip Athlon 64 vượt trội P4 khi chạy trên nền Windows XP 32 bit thông thường, tuy nhiên khi đến Windows XP Professional X64 thì khoảng cách đã được thu hẹp đáng kể. Nói một cách công bằng, chỉ có 2/3 trong số các ứng dụng WorldBench có thể chạy được trên nền XP Pro X64, do dó, khó có thể dự đoán được chính xác tổng số điểm cuối cùng cho hai "thí sinh". Còn lại, Athlon 64 và Intel P4 tỏ ra ngang ngửa nhau ở tất cả các mặt còn lại, vì vậy, người tiêu dùng sẽ chẳng mất gì khi sử dụng nhãn hiệu sản phẩm của Intel. Tin tức tốt lành nhất cho bạn là một điều mà Intel luôn tránh nói đến, nhưng cuộc thử nghiệm đã minh chứng rõ ràng: EMT64 hoàn toàn tương thích với x86-64. "AMD hay Intel đều như nhau cả", Brian Marr, giám đốc sản phẩm cao cấp của Windows Microsoft nhận định. "Cả hai nhãn hiệu 64-bit mở rộng này đều chạy được trên hệ điều hành Windows 64-bit sắp phát hành của chúng tôi (...) Windows XP Professional X64 tương thích với tất cả các loại vi xử lý có tính năng 64-bit mở rộng đáp ứng được chuẩn x86, bao gồm AMD Athlon 64, AMD Opteron, Intel Xeon với EMT64 và Intel Pentium với EMT64". Tuy nhiên, tin xấu chính là từ "Sắp phát hành". Chừng nào XP X64 Pro xuất xưởng, chừng đó phần lớn người dùng - ngoại trừ cộng đồng Linux- còn chưa được nếm qua mùi vị ích lợi của 64-bit. Ngay cả khi hệ điều hành X64 của Windows có phát hành rồi đi nữa, cũng chỉ có những ứng dụng nào được tối ưu hoá và chỉnh sửa lại để sử dụng những đăng ký/chỉ dẫn mới có thể tạo ra được cải thiện đáng kể. Lợi ích chính của điện toán 64-bit không phải là tốc độ mà là cơ sở dữ liệu lớn hơn, bộ nhớ xác định dịa chỉ trực tiếp hơn, độ phân giải cao hơn dành cho các ứng dụng âm thanh, video và game. Câu hỏi đặt ra với nhiều người lúc này là liệu đây đã phải là thời điểm của điện toán 64-bit hay chưa. Với những ích lợi và yêu cầu đã phân tích ở trên, có thể thấy công nghệ 64-bit sẽ không thay đổi hoặc cải thiện trải nghiệm sử dụng máy tính của bạn một cách to lớn như bạn kỳ vọng, ít nhất là trong thời gian trước mắt bởi lý do: thiếu phần mềm phù hợp. Hiện tượng tương tự cũng đang xảy ra với ngành công nghiệp game, nơi phần mềm luôn lẽo đẽo chạy sau công nghệ hiện có. Song thực tế không thể phủ nhận là điện toán 64-bit quả thật mang lại nhiều ích lợi cho người dùng nó. Tuy không có nhiều lý do bắt buộc khiến bạn phải chuyển từ 32-bit sang 64-bit, song cũng không có lý do nào để bạn không "thử một lần cho biết". Ít nhất lúc này bạn cũng đã có thể lựa chọn một chiếc CPU chủ yếu theo giá thành và hiệu suất chứ không cần phải lo xem nó có chạy được thế hệ kế tiếp của hệ điều hành 64-bit hay không nữa.
Cầm Thi (Theo AP)