Với một bảng xếp hạng còn chịu sự chiếm lĩnh của nhiều trò game bạo lực, game và giáo dục không phải lúc nào cũng hoà hảo. Song có vẻ như mối quan hệ xung khắc này đang dần xoay chiều.
Một cuộc nghiên cứu mới đây của Viện giáo dục London đã kết luận rằng: game có một vị trí quan trọng trong môi trường lớp học. "Game dạy cho trẻ các kỹ năng cuộc sống như tập đưa ra quyết định, tập giải quyết vấn đề", chuyên gia Martin Owen của Futurelab cho biết. Ngoài ra, game còn giúp trẻ nhanh chóng đánh giá tình huống và rút ra bài học từ những lần thử nghiệm hay mắc lỗi.
Đa số các hãng game đều đã quá bận rộn với việc tìm kiếm lợi nhuận từ thị trường game thương mại màu mỡ nên không mấy mặn mà với việc phát triển game nhà trường. Song Lateral Visions, một hãng game có trụ sở tại Liverpool lại nhanh chóng "đánh hơi" thấy cơ hội làm ăn từ chỗ hổng này.
"Game giáo dục có phần hơi ...lỗi thời và hầu như không còn ai muốn đầu tư công sức cho chúng nữa cả", Tiến sĩ Carl Gavin, giám đốc quản lý của Lateral Visions cho biết. Chính vì vậy, chiến lược của hãng là tạo ra những thế giới giống hệt như game thương mại, song lại trang bị đầy mình các yếu tố giáo dục và học tập.
Kết quả là Racing Academy, một trò đua xe nhiều người chơi đồ sộ đã ra đời. Nó không chỉ đòi hỏi ở người chơi một "cơn khát" tốc độ, mà còn phải áp dụng cả chồng kiến thức về vật lý học và cơ khí. Nếu không nghiên cứu tài liệu trên lớp, bọn trẻ sẽ không thể nào cạnh tranh được với các đối thủ khác.
Racing Academy chính là... con chuột bạch trong thí nghiệm của Futurelab. Mục đích của họ là kiểm tra độ khả thi của việc biến game thành công cụ học tập. "Chúng tôi muốn xác định: Liệu qua game, chúng ta có đạt được một số điều mà phần còn lại của thế giới chỉ có được thông qua giáo dục hay không".
Để chiến thắng trong Racing Academy, bọn trẻ trước hết phải hiểu cơ chế hoạt động của chiếc xe. Những kiến thức về vật lý học và cơ khí là vô cùng cần thiết khi xe đột nhiên trục trặc giữa đường, khi bọn trẻ phải tính toán toạ độ, đường đi ngắn nhất... Chúng phải học cách lắp và bảo dưỡng cho xe, giám sát và phân tích hiệu suất của xe thông qua vận tốc, các thông số, so sánh trước và sau khi đua.... Những bài tập "kiến thức" này sẽ được bố trí khéo léo trên suốt dọc đường đi và bọn trẻ sẽ thu nhận theo một cách mà chẳng có cuốn sách giáo khoa nào làm được.
Làm việc theo nhóm có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Một khu vực chat trên màn hình cho phép bọn trẻ trao đổi thông tin và dữ kiện, hợp tác với nhau và xem lại màn trình diễn của chính mình. Tính năng kết hợp "Chat room" với game này của Racing Academy mới thực sự là "ăn điểm". Bởi thông qua chat chit, trao đổi, bọn trẻ mới "tiêu hoá" được phần lớn số kiến thức mà chúng bị "nhồi" một cách tự nhiên trước đó.
Học sinh hoan hỉ, thị trường vẫn... nguội
Racing Academy đã được thử nghiệm tại hai trường cấp II của Bristol và phản hồi từ phía học sinh chỉ có hai từ: "Hoan hỉ".
Bọn trẻ hào hứng sử dụng cả đống số liệu để tìm ra cách lắp ráp xe xịn nhất (trong khi bình thường chúng nhìn thấy bài tập toán là ngáp dài), rồi nhanh nhảu nhảy lên bảng tin trực tuyến để chia sẻ ý tưởng và giúp đỡ chúng bạn", Ben Williamson, một nhà nghiên cứu của Futurelab kể lại.
Tiến sĩ Gavin cho rằng sản phẩm của hãng ông đã làm hài lòng cả hai đối tượng: các giáo viên với kết quả học tập của học sinh, còn bọn trẻ thì thích thú vì thách thức mới. "Điều quan trọng là game giáo dục cũng cần phải hỗ trợ cho cả giáo viên nữa. Không thể có chuyện học sinh xúm vào chơi mà giáo viên không còn việc gì để làm, hoặc ngược lại, bọn trẻ cảm thấy bị ép chơi chứ không có chút nào hứng thú".
Giáo sư Angela MacFarlane của đại học Bristol đã giành nhiều năm để nghiên cứu về phương pháp tích hợp game vào môi trường lớp học. "Tình hình khá là...chắp vá và rời rạc", giáo sư nói. Thường thì các trường rất kiêng dùng game, nhất lại là game hấp dẫn trong lớp học. Trái lại, họ chỉ chuộng các phần mềm "giáo dục-giải trí" với niềm tin rằng bọn trẻ sẽ "học mà chơi, chơi mà học".
Thực tế là những phần mềm này khá đơn giản, nếu không muốn nói là đơn điệu. Chỉ sau một thời gian ngắn, bọn trẻ đã cảm thấy hết hào hứng khám phá, và do đó, trở nên vô tác dụng.
Lúc này, trở ngại lớn nhất là phải làm sao thuyết phục được các nhà phát triển game đầu tư cho thị trường giáo dục đầy tiềm năng. So với các loại game đồ hoạ phức tạp đầu bảng hiện nay, game giáo dục gọn nhẹ hơn nhiều. Nhờ vậy, nó có thể hấp dẫn giới đầu tư ở chỗ chi phí thấp mà nhu cầu thị trường lại cao. Tất nhiên trên thị trường hiện tại cũng đã có một số trò như Civilisation, Sim City, Age of Empire có chứa một số yếu tố giáo dục. Tuy nhiên vẫn còn phải một thời gian nữa, đường vào lớp học của game mới thực sự rộng mở ...
Cầm Thi (Theo BBC)