Jim Stallings - phó chủ tịch chịu trách nhiệm về sở hữu trí tuệ của IBM phát biểu trong một cuộc phỏng vấn rằng động thái trên có ý nghĩa khuyến khích các công ty khác '' bật mí'' các tài liệu bằng sáng chế nhằm thúc đẩy quá trình cải cách công nghệ.
Ông Stalling còn tự tin tuyên bố với các nhà phát triển: ''Bạn có thể dùng chúng, phát triển và cải cách chúng để tạo nên sản phẩm mới. Đây là cuộc cách mạng về bằng sáng chế lớn nhất trong lịch sử Mỹ".
Theo nhà cung cấp dịch vụ máy tính hàng đầu này, IBM cũng đạt được một số lợi ích từ việc giúp đỡ các công ty khác sử dụng công nghệ mới được phát triển theo chương trình bản quyền mở của hãng. Hơn nữa, thay đổi về chính sách của IBM cho phép công ty tiếp tục hưởng những đặc quyền từ hàng ngàn bằng sáng chế mà hãng sở hữu trên mọi thiết bị từ các vi mạch đến các siêu máy tính.
Động thái trên diễn ra cùng lúc với một tuyên bố của Văn phòng Thương hiệu và Bằng sáng chế Mỹ. Văn phòng đã công bố IBM đứng đầu trong danh sách những thành viên nhận bằng sáng chế thường niên năm thứ 12 liên tiếp, với 3.248 bằng sáng chế, hơn vị trí thứ hai Matsushita ( Nhật) 1.314 bằng.
IBM trở thành nhà tiên phong trong phong trào đánh giá lại các điều luật bằng sáng chế bằng những phương thức '' cởi mở'' hơn. Các nhà phê bình về những cải cách luật bằng sáng chế cũng nhận định những luật này đã làm suy yếu khả năng cải cách để tạo ra các cuộc cách mạng máy tính và Internet của các nhà phát triển phần mềm.
Tuy nhiên, kế hoạch trên cũng khiến cho mối bất hoà giữa IBM với các đối thủ cạnh tranh như Microsoft trở nên sâu sắc hơn.
Microsoft cho rằng việc phát triển phần mềm nguồn mở sẽ làm suy giảm quyền sở hữu trí tuệ. Nó cũng đi ngược với những người bảo vệ bằng sáng chế đầy nhiệt huyết như các công ty dược phẩm và truyền thông lớn - các khách hàng thường xuyên của IBM.
Nguồn mở đề cập đến một phương thức phát triển phần mềm cho phép người phát triển chia sẻ mã nguồn cơ sở để tạo nên những sản phẩm cụ thể. Nó trái ngược với phần mềm sáng tạo của các hãng độc quyền trong đó mã nguồn cơ sở được mỗi công ty bảo vệ như những bí quyết kinh doanh.
Động thái của IBM sẽ khuyến khích những công ty nắm giữ bằng sáng chế khác ''bật mí'' những sở hữu trí tuệ của mình để tạo nên một ''bàn tiệc'' sáng chế chung. Stalling tự tin nói: ''Chúng tôi nghĩ phương thức này sẽ khiến các công ty khác muốn có một sự đảm bảo. Họ sẽ gặp nhau và quyết định cách quản lý tài sản chung đó". Ông nhấn mạnh IBM là người khởi xướng nhưng không quản lý tiến trình này.
''Tôi nghĩ nhiều công ty sẽ tiếp bước phong trào này.'' - Stuart Cohen, giám đốc điều hành Phòng thí nghiệm Phát triển Nguồn mở (OSDL) ở Beaverton, Oregon - một bộ phận của ngành công nghiệp phát triển phần mềm nguồn mở - đồng tình nói. Ông tin rằng sẽ có ít nhất mười công ty đóng góp 1.000 bằng sáng chế trở lên.
500 bằng sáng chế trên bao gồm các lĩnh vực như quản lý lưu trữ, xử lý đa năng cùng lúc, xử lý ảnh, quản lý cơ sở dữ liệu, mạng hệ thống và thương mại điện tử. Những mẫu mà IBM sẽ đóng góp bao gồm 39 bằng sáng chế về quản lý lưu trữ và các bằng về Thư viện lien kết nối động (DLL) được sử dụng để gọi các chương trình lớn hơn.
Phương Thuý (Theo Reuters)