Phần mềm nguồn mở đang chiếm thị phần khá lớn trong thị trường di động. Gần đây, hai công ty điện tử NEC và Panasonic đã cho ra lò các thiết bị cầm tay dựa trên hệ điều hành Linux, cung cấp cho người khổng lồ viễn thông NTT DoCoMo của Nhật.
Hai nhà sản xuất trên đã dùng MontaVista Linux OS cho các mẫu điện thoại di động thế hệ thứ ba (3G) do DoCoMo cung cấp qua mạng FOMA tiên tiến của hãng truyền thông này.
NEC hiện đang sản xuất hai mẫu điện thoại N900iL và N901iC. Trong khi đó Panasonic Mobile Communications cung cấp thiết bị P901i. N900iL là điện thoại mạng kép hỗ trợ công nghệ W-CDMA và Wi-Fi 802.11b. Hai mẫu điện thoại này đã được DoCoMo giới thiệu vào tuần trước. Với mục tiêu nhằm vào đối tượng sử dụng là các doanh nghiệp, hãng này hoạt động trên hệ thống mạng di động FOMA và giống như ĐTDĐ VoIP qua mạng LAN không dây.
Hai sản phẩm NEC N901iC và Panasonic P901i được thiết kế để quản lý các ứng dụng đa truyền thông cũng như thoại.
Chậm nhưng chắc, Linux đang dần được biết đến trong thị trường truyền thông di động. Linux có cơ hội gặp... ''thần tài'' khi các hãng sản xuất thiết bị gốc (OEM) và các nhà điều hành thi nhau sử dụng các hệ thống mạng âm thanh và dữ liệu tiên tiến.
''Các hãng truyền thông đều gặp rất nhiều trở ngại khi bắt tay vào chế tạo các mẫu điện thoại mới theo từng nhu cầu riêng'' Alex Slawsby - nhà phân tích của IDC nói với NewsFactor. ''Linux có cơ hội rất béo bở bởi chưa có đối thủ đơn lẻ nào thống lĩnh được thị trường di động OS''.
Hiện Symbian là hãng dẫn đầu với 60% thị phần phần mềm điện thoại thông minh. Song Slawsby nhận định: con số 5 triệu thiết bị dựa trên Symbian đã xuất xưởng vào nửa đầu năm nay vẫn chỉ là hạt cát giữa sa mạc so với mức 300 triệu ĐTDĐ được bán cùng kỳ năm ngoái.
Microsoft và Palm cũng là những nhà cung cấp phần mềm điện thoại thông minh lớn, nhưng hiện nay họ vẫn đánh bài lờ trước sự cạnh tranh từ cộng đồng nguồn mở.
Nếu một hãng truyền thông lớn như DoCoMo cũng như Symbian đã chấp nhận nguồn mở thì Linux càng có thêm động lực để phát triển. Slawsby nói ''Một ưu thế mang tính quyết định là chưa có ràng buộc nào về bản quyền cho lĩnh vực này, cộng thêm thời gian để quảng bá cho phần mềm mới lại nhanh hơn rất nhiều. Tuy nhiên, số lượng các nhà phát triển ủng hộ cho Linux vẫn còn thiếu''.
Motorola hiện đang giới thiệu một số thiết bị cầm tay Linux-Java ở châu Á, đồng thời tiến hành một chiến dịch mang tên Moto-Juix với mục đích quảng bá nền tảng mới của hãng.
Slawsby tự tin khẳng định: trong tương lai, Linux sẽ là sự lựa chọn nguồn mở sáng suốt cho các nhà điều hành mong muốn dịch vụ mạng nội địa dễ kiểm soát và linh hoạt hơn.
Joe Samagond - phát ngôn viên của MotaVista cho rằng: những hỗ trợ từ DoCoMo đã thực sự đem lại cho Linux di động lòng tự tin. Hiện hãng truyền thông trên đang dẫn đầu về các dịch vụ và mạng thế hệ kế tiếp.
''Linux vẫn đang được nâng cấp nhằm đáp ứng nhu cầu của các hãng truyền thông. Nó cũng được nhìn nhận một cách lạc quan đối với thị trường điện thoại có hệ thống kiểm soát năng lượng cải tiến. Nó đã tự chứng minh được khả năng quản lý truyền thông và ứng dụng m-commerce của mình''
Ngoài những lợi thế kinh doanh, Samagond cho biết, Linux còn cho phép các nhà sản xuất phát triển nhãn hiệu, thay vào việc dùng sản phẩm của các nhà cung cấp phần mềm hoặc hãng sản xuất chip khác như tình trạng trước kia trong thị trường máy tính để bàn.
-
Phương Thuý (Theo NewsFactor)