Khi Infosys Technologies bắt đầu hướng tới một lựa chọn khác về nguồn nhân lực giá rẻ để thay thế cho Ấn Độ, công ty có tốc độ phát triển nhanh chóng này đã tìm ra một địa chỉ thích hợp: Trung Quốc.
Hiện tại, một năm sau khi Công ty Infosys Technologies Thượng Hải được thành lập, trung tâm này đã có 200 nhân viên và bốn khách hàng là các công ty đa quốc gia.
Infosys, Công ty Dịch vụ Phần mềm lớn ở Bangalore, cùng các đối thủ về thuê gia công ngoài (outsourcing) hàng đầu khác tại Ấn Độ, bao gồm cả các hãng như Tata Consultancy Services và Wipro Technologies, đang thực hiện việc phát triển và bảo trì ứng dụng tại Trung Quốc. Các công ty dịch vụ gia công phần mềm này đang phát triển rất nhanh chóng, cùng với nhu cầu bùng phát từ các công ty phương Tây đối với dịch vụ thuê ngoài của Ấn Độ.
Các công ty này nhanh chóng kết luận được rằng chỉ Trung Quốc mới có một nền tảng nguồn nhân lực ngang bằng với Ấn Độ về các phương diện giá nhân công, chất lượng lao động và quy mô. Việc mở rộng hoạt động dịch vụ thuê ngoài sang Trung Quốc cũng mang lại cho các công ty Ấn Độ khả năng đáp ứng, cũng như cơ hội thâu tóm, thêm các thị trường nội địa và khu vực, gồm cả Nhật Bản.
Ấn Độ trước nguy cơ thiếu nguồn nhân lực
Do nhu cầu thuê ngoài cao trên toàn cầu, doanh thu từ xuất khẩu dịch vụ công nghệ thông tin của Ấn Độ đã đạt mức 12,5 tỷ USD trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3, tăng 30% so với một năm trước đó. Sự phát triển này đã tạo ra mức tăng thu nhập từ 10-15% mỗi năm cho các lao động trong ngành dịch vụ văn phòng và phần mềm của Ấn Độ.
Theo một nghiên cứu của hãng phân tích thị trường KPMG cho Liên minh các công ty dịch vụ và phần mềm quốc gia (National Association of Software and Services Companies, hay Nasscom), một nhóm thương mại công nghiệp ở Ấn Độ, quốc gia này sẽ phải đối mặt với một nguy cơ thiếu hụt trầm trọng về nguồn nhân lực kỹ thuật vào năm 2009, thiếu khoảng 250.000 nhân viên công nghệ.
Trong quý kết thúc vào tháng 9 vừa qua, chỉ riêng Infosys cũng đã tuyển thêm hơn 5.000 nhân viên, và tổng số nhân viên hiện đã lên tới 33.000 người. Hãng Wipro cũng tuyển thêm 5.500 người, với tổng số nhân sự hiện đã là 36.000.
Một số công ty Ấn Độ, trong khi tìm kiếm các nguồn nhân lực có trình độ công nghệ bên ngoài quốc gia, đã tìm tới Mexico và Đông Âu. Nhưng nhiều hãng đã kết luận rằng Trung Quốc mới là nơi chứa đựng nhiều hứa hẹn nhất, một phần vì tiềm năng quốc gia này có thể trở thành đối thủ cạnh tranh về công nghiệp thuê ngoài với Ấn Độ.
Trung Quốc, đối thủ cạnh tranh tiềm tàng
Mặc dù doanh thu xuất khẩu phần mềm chỉ mới đạt 700 triệu USD trong năm 2003, nhưng "Trung Quốc sẽ sớm cạnh tranh với Ấn Độ như một điểm đến mới của thị trường outsourcing toàn cầu." - ông Girija Pande, giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình dương của Tata Consultancy, hãng xuất khẩu dịch vụ phần mềm hàng đầu Ấn Độ nhận định. Công ty này đã thiết lập hoạt động của mình tại Trung Quốc từ năm 2002.
Với sự có mặt hiện tại ở Trung Quốc, các công ty này cho rằng đó là yếu tố sẽ giúp họ giành được các hợp đồng làm ăn trong tương lai. Con đường xâm nhập vào quốc gia này sẽ trở nên dễ dàng hơn bởi khả năng dựa vào các nền tảng khách hàng sẵn có tại Trung Quốc. "Với nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc, các tập đoàn đa quốc gia đang tìm kiếm những hãng phần mềm ở đẳng cấp toàn cầu và hiểu rõ về hệ thống cũng như các tiêu chuẩn của họ." - ông Pande nói. Chẳng hạn, hãng Tata Consultancy đang hoạt động tại Trung Quốc với một khách hàng lâu năm của mình là General Electric.
Trung Quốc hiện có khoảng 200.000 nhân viên CNTT, (trong khi Ấn Độ hiện đã có 850.000 kỹ sư thuộc ngành này) và đang làm việc cho 6.000 công ty dịch vụ phần mềm trong nước. Hơn 50.000 lập trình viên Trung Quốc đang được bổ sung thêm vào lực lượng lao động trình độ cao này mỗi năm.
Một số thành phần quan trọng từng giúp đưa Ấn Độ trở thành điểm nóng về các dịch vụ phần mềm trên toàn cầu cũng đã xuất hiện tại Trung Quốc. Các thành phần đó bao gồm cả đào tạo chất lượng cao và tập trung vào lĩnh vực kỹ thuật ở cấp đào tạo chuyên sâu.
Chính phủ Trung Quốc đang "làm tăng độ ngọt" cho những hợp đồng với các công ty Ấn Độ, cũng như với các hãng đối thủ đa quốc gia như Accenture và IBM Global Services, bằng cách cung cấp nền tảng hạ tầng chất lượng cao ở mức giá thấp, đồng thời liên kết với những trường đại học trong nước để đào tạo các nhân tài công nghệ người Trung Quốc.
Trung Quốc cũng cung cấp cho các doanh nghiệp thuê ngoài của Ấn Độ một tỷ lệ thay thế nhân công thấp hơn (do các nhân viên Trung Quốc không có xu hướng chuyển công việc mới có lương cao hơn nhiều như tại Ấn Độ). Chẳng hạn, tỷ lệ thay thế nhân viên của Tata Consultancy tại Trung Quốc là dưới 6% mỗi năm, so với mức 15% trong các hoạt động của hãng tại Ấn Độ. Công ty này cho biết có thể tăng gấp đôi số nhân viên tại Trung Quốc hiện nay của mình (180 người) trong vòng 18 tháng tới.
Ngoại ngữ, sự khác biệt giữa "thầy" và "thợ"
Ông Nilekani của Infosys cho biết: Hiện tại, mặc dù thậm chí với mức lương tại Ấn Độ đang tăng lên, giá nhân công CNTT của Trung Quốc vẫn bị coi là đắt hơn "vì sự kết hợp của khả năng tiếng Anh và các kỹ năng công nghệ là yếu tố cực kỳ quan trọng". Mà tiếng Anh hiện là một điểm yếu của lực lượng lao động Trung Quốc.
Theo ông Pande của Tata, sự khác biệt về mức lương chỉ ở mức khoảng 12-15%. Nên khi một lập trình viên mới vào nghề ở Ấn Độ có thể kiếm được 125 USD/tháng, một đồng nghiệp tương tự ở Trung Quốc có thể kiếm được tới 142-147 USD. Sự khác biệt về lương ở cấp nhân viên quản lý thậm chí còn cao hơn.
Khả năng mở rộng quy mô - có thể phát triển nhanh chóng khi có đủ những điều kiện - đang tạo ra một thách thức lớn do sự khan hiếm những người quản lý có kinh nghiệm và nói tiếng Anh tốt tại Trung Quốc. Thậm chí các công ty phần mềm thứ cấp của Ấn Độ cũng có từ 12.000 đến 15.000 nhân viên, trong khi chỉ có một nhóm nhỏ các công ty phần mềm Trung Quốc có hơn 3.000 nhân viên.
Khi NIIT, công ty đào tạo công nghệ hàng đầu Ấn Độ được thành lập bởi người sáng lập ra hãng xuất khẩu phần mềm HCL Technologies, thực hiện những động thái thăm dò đầu tiên vào Trung Quốc năm 1997, hãng này đã lưỡng lự giữa việc thiết lập một dịch vụ phần mềm hay một dịch vụ đào tạo.
"Trình độ công nghệ của nguồn nhân lực ở đây còn thấp, nên chúng tôi quyết định theo hướng đào tạo." - ông Prakash Menon, chủ tịch NIIT Trung Quốc, người đã khai trương trung tâm đào tạo đầu tiên của NIIT tại Thượng Hải năm 1998, cho biết. Công ty này hiện đã có 121 trung tâm trên 25 tỉnh, đào tạo ra 25.000 lập trình viên người Trung Quốc mỗi năm.
Wipro thiết lập chi nhánh tại Trung Quốc của mình hồi tháng 8 để phát triển phần mềm và hỗ trợ cho các khách hàng toàn cầu tại Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Mặc dù Wipro hướng tới mở rộng bộ phận này lên 200 người trong năm tới, dự án này đòi hỏi những kỹ năng quản lý cao cấp và không có vẻ sẽ hoàn tất được sớm, theo nhận định của Masaki Nagao - giám đốc điều hành hoạt động của Wipro tại Nhật Bản và Ấn Độ.
Ông Nilekani của Infosys cho biết đang trông đợi tình hình này sẽ thay đổi nhanh chóng. "Trong ba hoặc bốn năm nữa, chi phí và quy mô phát triển sẽ là hai lý do hàng đầu để các công ty gia công phần mềm chuyển tới Trung Quốc".
Mô hình "lính nội, sếp ngoại"
Công ty Infosys Technologies, gồm các nhân viên Trung Quốc và lãnh đạo Ấn Độ, đang hoạt động tại Thượng Hải. |
Tuy nhiên, ít nhất trong hiện tại, một số công ty Ấn Độ đang lựa chọn không tới Trung Quốc. "Mặc dù tới Trung Quốc đang trở thành xu hướng thời thượng, chúng tôi vẫn hoài nghi về sự cần thiết phải có mặt ở đó." - ông Saurav Adhikari, phó chủ tịch chiến lược doanh nghiệp của HCL Technologies cho biết - "Chúng tôi có đủ tiềm năng để mở rộng vào những thị trường mà mình đã hoạt động, như Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản".
Với những công ty chuyển hoạt động tới Trung Quốc, ông Menon của NIIT cho rằng mô hình cuối cùng sẽ là thuê các lập trình viên Trung Quốc và các quản lý người Ấn Độ, và thiết lập hoạt động ở những trung tâm có giá nhân công thấp nằm ở ngoài các khu kinh doanh chi phí cao như Thượng Hải.
Một số công ty hiện đang áp dụng nhiều biến thể của mô hình này. Chẳng hạn, Wipro lên kế hoạch tuyển mới các quản lý người Ấn Độ hoặc Nhật Bản cùng với những lập trình viên người Trung Quốc để mở rộng hoạt động của mình trong năm tới. Zensar Technologies, đặt trụ sở tại Pune, có một liên doanh mới với hãng Broadengate Systems của Trung Quốc. Zensar Technologies dự kiến liên doanh này sẽ tăng từ 14 lên 50 nhân viên vào cuối năm nay, với các nhân viên quản lý Ấn Độ và lập trình viên Trung Quốc.
Hãng Cognizant Technology Solutions, trụ sở chính ở Teaneck, N.J.(Mỹ) nhưng hầu hết các hoạt động phát triển lại nằm ở Ấn Độ, đang thực hiện một hướng đi mới. Công ty này lên kế hoạch nhảy vào thị trường Trung Quốc trong năm 2005 để phục vụ các khách hàng dịch vụ tài chính của mình ở đây, và cho biết sẽ đưa các nhân viên quản lý Trung Quốc sang cơ sở phát triển toàn cầu của hãng tại Chennai, Ấn Độ để đào tạo.
Tất cả các hoạt động từ các công ty Ấn Độ này có thể chuyển thành 40% thị phần của "chiếc bánh" xuất khẩu phần mềm Trung Quốc vào năm 2006, theo đánh giá của Gartner, hãng phân tích nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới ở Stamford, Connecticut (Mỹ).
Và khi một vài chuyên gia công nghệ biểu lộ quan điểm rằng Trung Quốc sẽ sớm cạnh tranh với Ấn Độ như một trung tâm phát triển phần mềm gia công ngoại biên, hầu hết đều cho rằng điều đó sẽ xảy ra không sớm thì muộn.
"Những nguyên liệu thô - năng lực nhân công và cơ sở hạ tầng - đều đã có ở đó." - ông V. Sriram, phó chủ tịch khu vực châu Á-Thái Bình dương của Infosys Technologies, cho biết - "Nên đó chỉ còn là vấn đề về thời gian trước khi "hệ sinh thái" công nghiệp phần mềm được phát triển tại Trung Quốc".
Bình Minh (Theo New York Times)