Vệ tinh và đường dây điện thoại đã mang "cuộc chạy đua vào Nhà Trắng" tới với quán cà phê Internet cách đó 7.200 dặm tại Addis Ababa, thủ đô của Ethiopia - nơi Girma Hagos tìm đến hàng ngày để tìm đọc thông tin về cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ.
"Những gì xảy ra tại nước Mỹ đều có ảnh hưởng tới tất cả chúng ta." - nhà xuất khẩu da 66 tuổi này nhún vai. Cá nhân Hagos ủng hộ ứng cử viên Kerry, người mà ông nghĩ rằng sẽ quan tâm nhiều hơn tới châu Phi.
Có thể nói, thông qua mạng Internet và truyền hình vệ tinh, chưa bao giờ thế giới lại có thể theo sát các ứng cử viên đến như vậy. Tại Ethiopia, 90% dân số quá nghèo không có điều kiện xem truyền hình hay truy cập Internet. Tuy nhiên, số ít người thuộc tầng lớp trung lưu còn lại, quan tâm tới tình hình chính trị nước Mỹ, vẫn có thể bật vào kênh truyền hình quốc gia để xem tin tức về cuộc tranh cử tổng thống Mỹ bằng bốn thứ tiếng.
Không chỉ riêng Ethiopia mà khắp nơi trên thế giới này đều từng để mắt theo dõi các phiên tranh luận giữa hai ứng cử viên được tường thuật trực tiếp qua truyền hình hay Web. Internet đã trở thành diễn đàn chủ đạo để những người không phải công dân nước Mỹ - những người không có quyền bỏ phiếu - bình luận, bàn tán sôi nổi.
Họ thậm chí còn có thể đăng ký vào những website như http://worldpeace.org.au/virtualelection.asp, để được tham gia chương trình gọi là "Cuộc bỏ phiếu bầu Tổng thống Mỹ dành cho phần còn lại của thế giới". Tuyên ngôn của site này rất rõ ràng: Hãy giúp người Mỹ hình dung rõ ứng viên nào thích hợp hơn để trở thành tổng thống. Cuộc "kiểm phiếu" trên site này vào ngày 19/10 vừa qua đã cho kết quả như sau: Ông Kerry dẫn đầu với 44% trong tổng số hơn 10.000 phiếu, trong khi đương kim Tổng thống Mỹ Bush chỉ nhận được vẻn vẹn 5%. Ứng cử viên độc lập Ralph Nader, người trong các cuộc thăm dò thật có tỷ lệ % ủng hộ rất thấp, lại nhận được tới 39% số phiếu bầu qua Internet!
Cộng đồng thế giới thậm chí còn "lobby" (vận động hành lang) những cư dân Mỹ sinh sống ở nước ngoài bỏ phiếu bằng hình thức phiếu bỏ vắng mặt thông qua địa chỉ www.tellanamericanvote.com.
Tại Đức, website của tờ báo Sueddeutsche Zeitung còn cho phép bạn đọc trắc nghiệm xem mình thuộc týp "Bush" hay "Kerry", còn nhật báo Tagesspiegel thì mời bạn đọc tham gia trò chơi bầu cử trực tuyến.
Một cách hài hước, website http://detfalsketed.dk/bush/en/ còn tổ chức chương trình "Uống bia/rượu chống lại ông Bush". Site này mời khách viếng thăm đăng ký uống một lít bia thay cho một phiếu chống vị đương kim tổng thống, một người mà ai cũng biết là theo chủ nghĩa bài rượu một cách tuyệt đối. "Một số người biểu tình, một số khác làm phim, một thiểu số cực đoan thì khủng bố khi họ không hài lòng về một điều gì đó. Riêng chúng tôi, những người ủng hộ sáng kiến hoà bình, chỉ muốn "uống" theo cách của mình, vì một thế giới công bằng và bình đẳng hơn. Zô!" - website này tuyên bố.
Châu Anh (Theo AP)