Với một mạng truyền hình cáp phát triển khá sớm, đến đầu năm 2003 đã có khoảng 100 triệu thuê bao, truyền hình cáp Trung Quốc là mạng lớn nhất thế giới.
Nhanh chóng vươn xa
Vào giữa năm 1990, Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV - China Central Television) trở thành nhà cung cấp chương trình cáp quốc gia đầu tiên cung cấp ba kênh thể thao, phim và giải trí. Cuối năm 1997, các hệ thống truyền hình cáp ở Trung Quốc tăng lên đến 1.285 hệ thống trên toàn quốc và số thuê bao là 55,91 triệu. Đến cuối năm 1998, Trung Quốc đã có trên 1.200 hệ thống cáp với số thuê bao cáp vượt 80 triệu, hơn cả những dự đoán trước đó của những người làm truyền hình.
Ở các vùng đô thị như Bắc Kinh, Quảng Châu, Thượng Hải, truyền hình cáp đã đạt được mức sử dụng của hơn một nửa số hộ gia đình, còn số lượng kênh truyền hình có thể thu được qua cáp tăng từ dưới mười hồi đầu thập kỷ 1990 đã tăng lên hơn 30 vào cuối thập kỷ này.
Trong điều kiện phát triển năng động của kinh tế, các hệ thống MMDS dần dần bị thay thế bởi cáp quang và cáp đồng trục. Năm 1998, các mạng truyền hình cáp địa phương khác nhau đã được nối vào mạng cáp quang đường trục quốc gia của Cơ quan Quản lý nhà nước về Phát thanh, Truyền hình và Phim SARFT (State Administration of Radio, Film and Television). Tại Trung Quốc, chính quyền địa phương là chủ sở hữu duy nhất các hệ thống cáp và các hệ thống cáp đều được gọi là "đài truyền hình cáp".
Ở nhiều vùng của Trung Quốc, đài truyền hình cáp là một cơ quan trực thuộc đài phát thanh truyền hình (PTTH) địa phương, cũng có vùng, đài truyền hình cáp là độc lập với đài PTTH địa phương nhưng vẫn chịu sự quản lý nhà nước về truyền hình ở địa phương.
Những năm 1980, truyền hình cáp đều không được người xem và chính phủ Trung Quốc coi là một ngành công nghiệp độc lập. Đối với người xem, cáp giúp loại trừ hiệu ứng "bóng ma" nhưng chương trình truyền hình thì không thay đổi. Chính phủ Trung Quốc coi truyền hình cáp như "một phần công việc quan trọng của PTTH Trung Quốc" và "là phần mở rộng và bổ sung của truyền hình mặt đất". Cáp chỉ là công cụ truyền dẫn cho công nghiệp PTTH quảng bá. Vì truyền hình cáp được coi là phần mở rộng và phần phụ của truyền hình mặt đất, nên các nhà quản lý cảm thấy không cần thiết phải điều chỉnh lĩnh vực này cho đến cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990 của thế kỷ XX, khi cáp bắt đầu bùng nổ. Song vẫn với quan điểm cáp là công nghiệp phúc lợi xã hội, các nhà quản lý chỉ tập trung vào nội dung của chương trình, các ảnh huởng văn hoá-xã hội của việc phát triển cáp hơn là xem đây là một ngành công nghiệp.
Những vấn đề phải đối mặt?
Thị trường cáp Trung Quốc đã trở nên lớn nhất thế giới song hiện nay lại đang phải đối mặt với vấn đề: Người xem có thể thu 40 kênh hoặc hơn nhưng phần lớn các kênh đó chưa phải là kênh của truyền hình cáp mà chỉ mang tính chất như các chương trình truyền hình tổng hợp dạng quảng bá thông thường. Những gì mà nhà khai thác cáp cần là các kênh cáp thực sự mang tính chuyên đề như thể thao, phim và hoạt hình nhằm tới các đối tượng khác nhau.
CCTV đang giữ một vai trò quan trọng trong sự phát triển của công nghiệp cáp Trung Quốc. CCTV là tiếng nói của chính phủ Trung Quốc và là đài truyền hình quốc gia duy nhất ở Trung Quốc. Một thời gian dàii trước khi bùng nổ cáp, kênh chính thức của CCTV (CCTV-1) đã được truyền qua đường viba của Viễn thông Trung Quốc đến hầu hết các tỉnh và được các đài PTTH địa phương phát lại. Dù hầu hết các đài truyền hình tỉnh truyền các kênh của họ qua vệ tinh nhưng các chương trình vẫn không thay đổi, chất lượng nghèo nàn và mang tính địa phương.
CCTV đã giới thiệu gói kênh cáp đầu tiên là CCTV 5 (thể thao), CCTV 3 (giải trí) và CCTV 6 (phim) vào đầu những năm 1990. Đó là mốc đầu tiên trong lịch sử công nghiệp cáp Trung Quốc. CCTV trở thành nhà cung cấp chương trình cáp quốc gia thực sự. Hoạt động này của CCTV đã dẫn tới "cuộc cách mạng chương trình" trong công nghiệp truyền hình Trung Quốc. Để cạnh tranh với CCTV, năm 1998, chương trình "Gió cuốn Hồ Nam" của Đài truyền hình Hồ Nam đã gây sốc cho PTTH Trung Quốc với hai chương trình "Happy Camp" và "Rose Appointment" chiếm tới 20% thị trường Bắc Kinh.
Sự cạnh tranh của các chương trình cáp đã tạo ra sự đa dạng của các chương trình hơn trước và người xem cáp có thêm nhiều lựa chọn. Quan trọng hơn, sự phát triển này đã làm sáng tỏ một điều: cả nhà khai thác cáp và các nhà cung cấp chương trình cáp đã phát hiện ra đâu là thị trường của mình.
-
Thủy Nguyên (Tổng hợp theo MPT)
Đề tài liên quan: