Chị Peggy Karasek đang say giấc khi chiếc điện thoại di động (ĐTDĐ) của cô con gái chị phát nổ. Những mảnh pin vụn nóng đỏ bắn tung toé vào con búp bê bên cạnh và thần lửa xuất hiện...
Không có ai bị thương trong tai nạn tại Philadelphia hôm 4/10. Song Karaseks một mực khẳng định: chính chiếc ĐTDĐ là thủ phạm gây ra vụ cháy và nếu không phải do nhà chị may mắn, hậu quả đã tồi tệ hơn nhiều.
Những cục pin kém chất lượng đã biến năm 2004 trở thành năm "kinh hoàng" cho rất nhiều người sử dụng ĐTDĐ. Chỉ tính từ đầu năm trở lại đây, riêng tại Mỹ đã có hàng trăm bản báo cáo về những vụ việc pin nóng chảy gây thương tích và thiệt hại tài sản. Tuy con số này không đáng là bao so với tổng số 170 triệu thuê bao ĐTDĐ của Mỹ, song những người bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn tin rằng xu hướng đáng lo này sẽ còn tiếp tục, nếu phía nhà sản xuất không tiến hành những biện pháp triệt để.
Tuy nhiên, pin "dỏm" không phải là mối nguy hiểm tiềm ẩn duy nhất mà người sử dụng điện thoại phải đối mặt. Từ lâu, người ta đã rỉ tai nhau rằng sóng từ do điện thoại phát ra có thể gây ra khối u ở não, dù cho tới giờ chưa có bất cứ bằng chứng khoa học nào chứng tỏ điều này. Chưa hết, ĐTDĐ còn là trung tâm điểm của các cuộc tranh luận xung quanh an toàn giao thông. Một số bang ở Mỹ thậm chí còn cấm tiệt việc sử dụng điện thoại khi đang lái xe, lo ngại rằng điện thoại có thể khiến họ mất tập trung và lạc tay lái, dẫn tới tai nạn.
Khi pin = bật lửa Zippo
Mặc dù nguy cơ chiếc điện thoại của bạn biến thành bật lửa Zippo khá hiếm, song nó vẫn là một thực tế.
Loại pin ion Lithium dùng trong phần lớn các loại điện thoại, trong một số tình huống cụ thể, khá nhạy cảm với sức nóng. Nếu nhiệt độ tăng chậm, pin có thể nóng chảy. Nhưng nếu nhiệt độ tăng quá nhanh, nó có thể tạo ra sức ép đủ để gây nổ.
Khác với suy nghĩ của một số người, ngay cả pin "xịn" chính hãng cũng có thể gặp sự cố. Trong nhiều vụ tai nạn, các nhà điều tra đã kết luận rằng: cục pin xịn mà nạn nhân mang theo bị chập mạch và phát nổ sau khi bộ ngắt điện kim loại của nó chịu không nổi hơi nóng bên trong túi suốt một thời gian dài. Điện thoại rơi cũng có thể gây nổ, tuỳ theo địa hình mà nó rơi xuống.
Nguy cơ pin điện thoại phát nổ bắt đầu được chú ý cách đây hơn một năm, sau khi thông tin về vụ nổ điện thoại đầu tiên xuất hiện trên khắp các mặt báo tại Mỹ. Không lâu sau đó, vào tháng 8/2003, một phụ nữ Hà Lan 33 tuổi đã bị thương sau khi chiếc điện thoại Nokia phát nổ ngay trên tay. Hai tháng sau, một nhân viên siêu thị Hà Lan cũng bị bỏng ở chân khi điện thoại của anh ta nổ... trong túi quần.
Từ đó trở đi, những bản báo cáo về sự cố pin nóng chảy, phát nổ liên tục chất cao thêm. Tên tuổi các hãng sản xuất có điện thoại phát nổ cũng ngày một dài ra.
Edward Edgar, một thương gia độc lập 35 tuổi tại Sweetwater, Texas cho biết hồi tháng Hai vừa qua, anh ta đang ở nhà sạc chiếc LG 5250 của mình thì nghe thấy một tiếng nổ to, kéo theo một chuỗi âm thanh vỡ rạn răng rắc. "Nó phát nổ từ bên trong." - Edgar nhớ lại - "Nghe giống như tiếng pháo nổ tanh tách vậy". Thật may mắn là Edgar không bị hề hấn gì, và khác với vụ tai nạn tại nhà chị Karaseks, sự cố không mời bà Thần Lửa ghé thăm. Đến tháng sáu, chiếc điện thoại Kyocera Wireless đã bùng cháy dữ dội, khiến cho đôi chân của một nữ sinh 16 tuổi ở California bị bỏng nặng.
Pin dỏm - vấn nạn đau đầu
Theo Steve Largent, chủ tịch của Hiệp hội Internet và Viễn thông Di động, một tổ chức "lobby" về ĐTDĐ, thì toàn ngành sản xuất điện thoại đang tiếp nhận các vụ nổ pin một cách nghiêm túc, cũng như đang tích cực tìm kiếm giải pháp khắc phục. "Chúng tôi muốn bảo đảm rằng các bạn, những người coi không dây là một công cụ thiết yếu của cuộc sống hàng ngày, vẫn có thể tiếp tục sử dụng ĐTDĐ như một công cụ an toàn, trong kinh doanh cũng như liên lạc cá nhân." - ông Largent nói.
Trong mấy tuần qua, IEEE, một tổ chức chuẩn rất có uy tín, đã tiến hành những bước đầu tiên để xây dựng một chuẩn an toàn toàn cầu dành cho pin điện thoại. Cùng lúc đó, các hãng chip cũng bổ sung thêm nhiều biện pháp bảo mật để ngăn chặn nạn pin giả. Theo Nokia, lượng pin "dỏm" hiện tại trên thị trường là rất lớn - chỉ tính riêng lượng pin bị cảnh sát tịch thu đã là năm triệu chiếc trong năm nay.
Lý tưởng nhất là làm sao để pin giả không thể khởi động được máy, còn bộ sạc thì từ chối nhận nguồn năng pin không chính hãng, Dave Heacock - phó chủ tịch đơn vị năng lượng di động của Texas Instruments cho biết. Một số hãng sản xuất đang siết chặt quản lý đối với nhà cung cấp pin trung gian, đặc biệt là những nhà cung cấp có trụ sở tại... Trung Quốc.
Tuy nhiên, tất cả đều hiểu đây sẽ là một cuộc chiến khó khăn. LG Mobile Phones sau một thời gian điều tra đã cho biết không thể tìm được nhà sản xuất nào ở Trung Quốc đã cung cấp pin nhái nhãn mác mình. Khoảng 18 chiếc điện thoại dùng loại pin này đã bị nóng chảy, gây cháy đệm xe và thảm trải sàn. "Họ đã không còn kinh doanh nữa và hoàn toàn biến mất khỏi thị trường. Chúng tôi không thể tìm ra họ" - người phát ngôn của LG cho biết. Hiện LG đang đệ đơn kiện hai hãng phân phối loại pin nhái trên tại Mỹ.
-
Cầm Thi (Theo CNET)