Microsoft đã ra phiên bản Windows XP giá rẻ tại Ấn Độ, nhằm tiếp cận một thị trường tiềm năng, nơi mới chỉ có 1% dân số sở hữu máy tính riêng. Phiên bản giá rẻ này sẽ không có... tiếng Anh, nhằm ngăn chặn việc phát hành sang quốc gia lân cận.
Bộ trưởng Công nghệ thông tin-Truyền thông Ấn Độ Dayanidhi Maran phát biểu tại lễ công bố phiên bản Windows XP Starter Edition ở New Delhi. |
Công bố ngày thứ tư vừa qua của Microsoft tại Ấn Độ được diễn ra ngay sau công bố phát hành Windows giá rẻ tại thị trường Nga, hoàn tất kế hoạch chiến lược giá rẻ tại năm quốc gia đầu tiên của hãng phần mềm lớn nhất thế giới. Các phiên bản giá rẻ này sẽ hướng vào những người chưa từng sử dụng máy tính, và có tên gọi là Starter Edition, hay phiên bản "vỡ lòng".
Phiên bản Starter Edition sẽ chỉ được cung cấp khi mua cùng các máy tính mới, được Microsoft ước tính sẽ có giá khoảng 300 USD. Công ty này dự kiến sẽ thu phí bản quyền phiên bản giá rẻ từ các nhà sản xuất máy tính với giá 36 USD/bản, thấp hơn một nửa so với bản Win XP Home Edition giá 85 USD tại Ấn Độ.
Tại Ấn Độ, phiên bản Starter Edition sẽ có giao diện dùng tiếng Hindi, quốc ngữ của Ấn Độ. Nếu triển khai tốt, Microsoft sẽ lên kế hoạch phát hành thêm 14 thổ ngữ phổ biến khác của Ấn Độ. Phiên bản này sẽ không hỗ trợ tiếng Anh trong giao diện hiển thị, nhằm hạn chế việc bán sang các thị trường nước ngoài.
Rajeev Kaul, giám đốc quản lý của Microsoft Ấn Độ, cho biết đối tượng chính của dự án này là tạo ra những người mua mới tại Ấn Độ, nơi chỉ có khoảng 12 người trong số 1.000 dân sở hữu máy tính.
Thế nhưng các nhà phân tích cho rằng đây cũng là một nỗ lực của Microsoft nhằm chống lại sức cạnh tranh từ Linux, hệ điều hành nguồn mở đang trở nên rất phổ biến tại quốc gia đông dân thứ nhì thế giới. Mặc dù Microsoft có 90% thị trường phần mềm để bàn của Ấn Độ, một số nhà bán lẻ lớn như IBM và Sun Microsystems đã bắt đầu cung cấp máy tính được cài đặt hệ điều hành Linux.
Doanh số máy tính tiêu thụ tại Ấn Độ đã tăng bình quân 35% mỗi năm trong những năm gần đây, nhưng các công ty như Microsoft chẳng được lợi là bao vì khoảng 80% hệ điều hành Windows được cài đặt tại quốc gia này là không có bản quyền. Mặc dù phiên bản Starter Edition vẫn cao giá hơn các bản sao chép lậu, vốn chỉ có giá từ 5-10 USD, sự có mặt của nó vẫn sẽ giúp thu hẹp khoảng cách về giá cả, và khuyến khích người sử dụng mua phiên bản có bản quyền.
Hewlett-Packard và Công ty Máy tính HCL InfoSystems của Ấn Độ cho biết họ sẽ sử dụng phần mềm mới này của Microsoft trong các sản phẩm của mình.
Bình Minh (Theo AP)