Bạn đang nhìn vào đâu? Và bạn vừa nhìn vào gì vào một giây trước? Bạn sẽ xem gì tiếp theo trên màn hình? Liệu bạn có để mắt lần nào đến các quảng cáo đăng tải trên đó không?...
Thường thì khi đọc báo, ít khi chúng ta để ý tới cách "tiêu hoá" và lĩnh hội nội dung trên các trang web của mình. Song đó lại chính là mối quan tâm mang tính chất sống còn của những người thiết kế website, chứ chưa nói đến những nhà quảng cáo trực tuyến trong việc lựa chọn vị trí đặt quảng cáo tối ưu. Và trong khi nhiều nhà nghiên cứu vẫn cố đánh giá hiệu quả của một layout thông qua các cuộc thăm dò kiểu truyền thống thì một phương pháp "đo lường" công nghệ cao - phù hợp hơn, hiện đại hơn đang được ngày một ưa chuộng. Thông qua việc theo dõi cử động của nhãn cầu người xem, Eyetrack cho phép tái lập đường đi của mắt trên màn hình, cũng như dự đoán điểm đến tiếp theo của ánh nhìn.
Là một dự án liên doanh giữa Viện Poynter (trường đại học báo chí, do chủ tịch Thời báo St. Petersburg sáng lập), Trung tâm Đào tạo Báo chí và Truyền thông mới Edward W. Estlow (thuộc Đại học Denver) và Eyetools - một hãng chuyên nghiên cứu các vấn đề liên quan đến hướng chuyển động của mắt, Eyetrack III được kỳ vọng sẽ cung cấp những dữ liệu chính xác nhất về cách lướt web đọc các website tin tức.
Phương pháp điều tra thăm dò thông thường hay rơi vào tình trạng không phân biệt được giữa "xem" báo (nghĩa là có suy ngẫm và tư duy) và "nhìn" báo, hoặc một số chủ thể tham gia không muốn thừa nhận sự thực rằng mình dành nhiều thời gian đọc truyện tranh hơn là thời sự quốc tế dẫn đến trả lời không chính xác. Trong khi đó, Eyetrack chỉ việc thực hiện một nhiệm vụ tự động, đơn giản là ghi lại các phản ứng quang học của mắt người xem đối với một loạt các trang web thật và giả. Kết quả sau đó sẽ được lập thành biểu đồ và "vùng màu đỏ" sẽ biểu thị những trang web được phản ứng nhiều nhất (cũng giống như một biểu đồ thời tiết, những phần hoặc trang web được mắt "la cà" nhiều nhất sẽ có màu đỏ sậm, còn những vùng ít được xem hơn sẽ có màu nhạt dần).
Biểu đồ và các vùng màu khác nhau biểu thị mật độ nhìn của mắt trên trang web. |
Nếu truy cập vào trang chủ của Eyetrack, bạn sẽ tìm được khá nhiều thông tin thú vị. Ngoài một phần mang tên Best of nhận định tổng thể về công trình nghiên cứu, họ còn cung cấp các mánh khoé (tips) cho công việc thiết kế như: đối tượng thăm dò thường bắt đầu xem website từ văn bản chứ không phải hình ảnh. Các bài báo phân tích cụ thể về từng khía cạnh nhỏ của vấn đề đều được sắp xếp và liệt kê bên dưới.
Cột lựa chọn thứ hai dẫn người xem tới các kết quả thí nghiệm "cơm thêm" chi tiết hơn. Homepage Design so sánh biến thể của năm dạng layout trang chủ điển hình, với những bài viết phân tích từng yếu tố cấu thành như tính hữu ích của phần giới thiệu (đề dẫn) kèm theo tít, giá trị tương đối của trang chủ compact (tất cả nội dung hiển thị đồng thời một lúc) so với trang chủ mở rộng (dùng trỏ lên xuống và truy cập vào khi cần thiết).
Tiếp sau Homepage Design là Thiết kế trang báo, so sánh sự khác nhau trong phản ứng của người xem dành cho các phiên bản văn bản thuần tuý và văn bản multimedia của cùng một câu chuyện. Một bài tổng kết, đánh giá hiệu quả của bảy hình thức presentation multimedia cụ thể cũng được cung cấp cho bạn trong phần Multimedia Results. Và cuối cùng, Advertising Results khám phá phần nào trên trang web có sức hấp dẫn nhất đối với các nhà quảng cáo.
Ngoài ra, bạn còn có thể xem hai video clip quay lại cử động và chuyển động của mắt người lướt web qua một website, cùng với một phần quiz (câu hỏi trắc nghiệm) kiểm tra khả năng dự đoán của người đọc về "điểm đến" tiếp theo của nhãn cầu trên một trang web giả.
Bạn có thể tìm Eyetrack III tại địa chỉ http://www.poynterextra.org/eyetrack2004/index.htm để tự kiểm tra xem mình đọc báo như thế nào.
Cầm Thi (Theo Christian Science Monitor)