Microsoft đang khôi phục chiến lược tấn công Linux "Get the Facts" (Tìm ra sự thật), hướng "mũi súng" thẳng vào Red Hat, Novell và IBM, thay vì chỉ chung chung nhằm vào các hoạt động của hệ điều hành nguồn mở chim cánh cụt như trước.
"Giai đoạn chiến lược mới này dựa vào thực tế là phần lớn người dùng Linux mua phần mềm từ một công ty chứ không phải download từ Internet và tập hợp các sản phẩm miễn phí vào hệ thống của mình." - ông Martin Taylor, tổng giám đốc chiến lược nền tảng của Microsoft cho biết trong phỏng vấn hôm thứ tư vừa qua - "Với nỗ lực này, Microsoft sẽ so sánh các sản phẩm của mình với những đối thủ nguồn mở, chẳng hạn như phần mềm máy chủ ứng dụng dành cho phần mềm Java của Red Hat".
Taylor là giám đốc điều hành cấp cao nhất của Microsoft chịu trách nhiệm về giám sát các nguy cơ từ Linux và nguồn mở, vốn trong thực tế đã có nhiều trường hợp thay thế Microsoft với cương vị người kế thừa ngai vàng của "tiền bối" Unix. Mô hình lập trình cộng tác của mã nguồn mở, với các phần mềm được chia sẻ miễn phí bản quyền, đã trái ngược với mục đích độc quyền của Microsoft, luôn giữ kín mã nguồn, và do đó được rất nhiều người dùng ủng hộ.
Các biện pháp của ông Taylor bao gồm tài trợ cho các hãng phân tích thị trường công nghệ thông tin, triển khai một chương trình quảng cáo "Get the Facts" và ngăn cấm các quan chức điều hành Microsoft có thêm những bình luận mang tính kích động rằng phần mềm nguồn mở là một "căn bệnh ung thư" hoặc "phi bản chất Mỹ". Ông Taylor đã gặp gỡ các khách hàng trên toàn cầu và bắt đầu mở rộng cuộc tấn công của Microsoft tới châu Âu.
Ông Taylor cho biết đang dự kiến kế hoạch tấn công nhằm vào những hãng bán sản phẩm Linux như Red Hat và Novell sẽ có tính thuyết phục đối với các khách hàng phần mềm. Tuy nhiên, ông cho biết Microsoft ghi nhận rằng họ sẽ phải sử dụng tới các chiêu bài khác để giành được sự quan tâm từ giới sinh viên và các nhà lập trình, nơi những đặc tính nghiên cứu của phần mềm nguồn mở có thể lấn át mọi đối thủ phần mềm kinh doanh thực dụng khác.
Microsoft cũng đang thu thập thêm các vũ khí khác bằng cách xua tan sự thiếu hiểu biết về Linux của mình, chẳng hạn như việc thuê các chuyên gia Linux như Bill Hilf, người xây dựng website của eToys trên nền Linux và thúc đẩy Linux cho IBM. Hilf đã gia nhập Microsoft vào tháng 1 vừa qua.
Kết quả: Microsoft hiện đã có một ý tưởng tốt hơn rằng Linux đang có gì và Microsoft còn cần gì cho những phiên bản Windows tính toán hiệu suất cao trong tương lai.
Khi các dự án phần mềm nguồn mở phát triển từ sở thích chung thành các sản phẩm được sử dụng rộng rãi, các công ty như Red Hat, MySQL và Zend đã đứng ra hỗ trợ các nhóm cộng đồng nguồn mở này. Ông Taylor dự đoán những công ty đỡ đầu sẽ dần xa cách các cộng đồng lập trình nguồn mở hơn, khi họ phải thực hiện các yêu cầu về thương mại, chẳng hạn như những thử nghiệm cần thiết để đảm bảo các bản nâng cấp không xung đột với những phần mềm đang có.
Ông Taylor cho biết: "Cái chúng ta đang bắt đầu nhìn thấy mới chỉ là tuổi 16 của một đời người, và sau đó, bạn sẽ còn phải đối mặt với một số vấn đề về tuổi tác khác nữa".
Chiến dịch của Microsoft tập trung vào việc minh chứng rằng tổng chi phí sở hữu (total cost of ownership -TCO) và bảo mật của các sản phẩm Microsoft là rẻ hơn và hiệu quả hơn Linux. Ông Taylor cho biết Microsoft chắc chắn đã thêm tiến triển với các khách hàng về nội dung đầu (TCO) trong hai thành phần so sánh này.
Bình Minh (Theo CNET)