Sự linh động của một chiếc xe đạp ba gác, đủ nhẹ để vượt qua bãi lầy, những con đường đầy ổ gà, sẽ đảm bảo một máy tính và kết nối Internet có thể được nhiều người dân ở vài ngôi làng cạnh nhau sử dụng. Đấy là "xe ba gác thông tin", thuộc Dự án Infothela đang triển khai tại các vùng nông thôn ở bang Uttar Pradesh (Ấn Độ).
Xe ba gác thông tin luôn được mọi đối tượng trong làng quan tâm, từ người già tới trẻ nhỏ. |
Được thiết kế giống như khung mái miếu thờ các vị thần Hindu thường được rước trong các dịp lễ hội, chiếc xe đạp ba gác có mui được sơn màu sáng lắc lư tiến vào ngôi làng Bithoor của Sharma, nằm trong một bang đông dân nhất Ấn Độ. Cùng đi với chiếc xe là một giáo viên máy tính, người sẽ giảng các bài học công nghệ thông tin (CNTT) cho cả trẻ nhỏ và người già, giống như thầy giáo và những sinh viên.
Với cô bé Anju Sharma 12 tuổi, chí6ce xe ba gác này mang về ngôi làng nghèo ở vùng quê của cô hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Ba lần mỗi tuần, xe ba gác có mui này mang về làng chiếc máy tính với kết nối Internet không dây tốc độ cao.
Cô bé Sharma nói bằng tiếng Hindi trước khi chuẩn bị tham gia một buổi học về Web camera nơi xe ba gác: "Bằng cách sử dụng máy tính, tôi có thể mở mang kiến thức của mình. Và điều đó sẽ giúp tôi tìm được một việc làm khi lớn lên". Bố mẹ của Sharma dự định sẽ cho cô thôi học khi đủ 15 tuổi.
Chiếc xe đạp kéo mui này là trung tâm của một dự án có tên là "Infothela", hay xe ba gác thông tin (info-cart). Mục tiêu của dự án là sử dụng công nghệ để cải tiến giáo dục, y tế và tiếp cận các thông tin nông nghiệp trong các ngôi làng của Ấn Độ, nơi mà phần lớn dân số 1,06 tỷ người của quốc gia này đang sinh sống.
Không chỉ là phổ cập Internet...
Giáo viên giảng dạy về máy tính cho phụ nữ nông thôn. |
Được hình thành từ năm 2003 tại Viện Cộng nghệ Ấn Độ ở Kanpur, cách làng Bithoor 16km về phía Tây Nam, Dự án Infothela được chính phủ tài trợ nhằm cung cấp các lớp học miễn phí về máy tính tới sáu ngôi làng nằm tại bang Uttar Pradesh.
Một bộ máy tính trên một chiếc ba gác khác cũng đang được sử dụng thử nghiệm để giúp các bác sĩ tại Lucknow, thủ phủ bang Uttar Pradesh, cung cấp các tư vấn y khoa tới các vùng quê bằng hình thức hội thảo video qua web tại ngôi làng Saroha gần đó.
Một dự án phổ cập các loại giá thu hoạch mới nhất và các phương thức canh tác nông nghiệp cũng đang được phát triển với chiếc xe ba gác chở máy tính.
Tại làng Bithoor, nằm hai bên bờ sông Hằng ở miền Bắc Ấn Độ, lao động chân tay là lựa chọn duy nhất thay cho nghề nông, với mức thu nhập hàng năm của người dân hiếm khi vượt quá được 130 USD. Các giáo viên dạy Sharma cũng chỉ kiếm được 11 USD/tháng. Thanh niên làng Bithoor muốn tìm kiếm việc làm ở các thành phố nhưng thường xuyên thất bại trước những ứng viên cạnh tranh được đào tạo đầy đủ hơn tại thành thị.
Ông Lalty Dutta, một chuyên gia của Dự án Infothela cho biết: "Máy tính và Internet đang mở ra những cơ hội mới cho những ngôi làng như thế này".
Chiếc cầu "không dây" nối bờ khoảng cách số
Chỉ đạt tỷ lệ 12 máy tính, trong đó có bốn máy có kết nối Internet trên 1.000 dân, Ấn Độ là một nước có tỷ lệ sử dụng Internet thấp nhất thế giới. Hầu hết các vùng nông thôn nước này vẫn còn bị luồng gió công nghệ mới lãng quên. Vì vậy, các ngôi làng thuộc Dự án Infothela đều nằm trong một hành lang kết nối Wi-Fi rộng 80km dọc theo đường quốc lộ do Viện Công nghệ triển khai, được liên kết bởi các antenna Wi-Fi phát trên cao và các bộ khuếch đại tín hiệu để chuyển tiếp.
Cho tới gần đây, công nghệ cao vẫn là đặc quyền của một bộ phận rất nhỏ người Ấn Độ. Đó là những kỹ sư trong các trung tâm phần mềm lớn của đất nước, những người ngay trong độ tuổi ngoài 20 đã có thể kiếm ra nhiều tiền hơn những người nông dân Bithoor làm cả một đời người.
Ấn Độ đào tạo ra khoảng 300.000 kỹ sư CNTT mối năm và là nước có nền công nghệ phần mềm đang phát triển mạnh mẽ, nhưng nông nghiệp lại là xương sống cho nền kinh tế của nước này. Do đó, Infothela tìm cách phá vỡ sự chênh lệch đã hạn chế người nông dân tiếp cận với công nghệ và làm các thành phố giàu lên nhanh chóng hơn.
Ở Ấn Độ, nhiều ngôi làng có hệ thống viễn thông rất nghèo nàn, các đường điện thoại mỗi lần bị ngắt có thể kéo dài hàng tuần. Do đó, sử dụng công nghệ không dây là kết nối web ổn định nhất đối với người nông dân.
Sự linh động của một chiếc xe đạp ba gác, đủ nhẹ để vượt qua bãi lầy, những con đường đầy ổ gà, đảm bảo rằng một máy tính và kết nối Internet có thể được nhiều người dân ở vài ngôi làng cạnh nhau sử dụng. Xe ba gác Infothela có một thiết kế khung đặc biệt và đệm để giảm xóc cho máy tính và các phụ kiện khi đi trên những con đường làng ghập ghềnh.
Ông Manoj Kumar, một giám đốc dự án cho biết: "Nền tảng phương tiện di động này rất cần thiết để giảm chi phí đầu tư, vì các tài nguyên máy tính và mạng có thể chia sẻ cho một lượng người dân lớn hơn nhiều. Nó cũng rất cần thiết để có thể đưa thông tin tới những phụ nữ và người già, những đối tượng không thể tự đi ra khỏi ngôi làng để tiếp nhận tin tức".
Ông Kumar cho biết Infothela hiện được cung cấp miễn phí, nhưng khi đã triển khai rộng khắp, dịch vụ này cuối cùng cũng sẽ trở thành có phí để có thể tiếp tục đầu tư mở rộng.
Phòng khám di động, phổ cập y tế cộng đồng
Phổ cập kiến thức y tế cộng đồng tới phụ nữ nông thôn để phòng bệnh, nâng cao hiệu quả lao động, xoá đói giảm nghèo. |
Cùng chiếc xe ba gác thông tin, các thiết bị khám bệnh cũng sẽ được sử dụng vào việc gửi thông tin tới các bác sĩ ở xa để chẩn đoán. Các bệnh nhân trong làng sẽ được khám sơ bộ, đo nhịp tim, mô tả tình trạng lâm sàng, và có thể cả chụp ảnh với những loại bệnh ngoài da. Các thông tin này sẽ được Infothela gửi qua Internet tới những bác sĩ đang làm việc tại thành phố để chẩn đoán, đưa ra các biện pháp điều trị thích hợp nhất.
Khám bệnh là một nhu cầu rất cấp thiết ở những ngôi làng tại Ấn Độ, vì để có thể đi khám, dân làng thường phải đi mất 2 ngày để tới được thành phố hay thị trấn gần nhất, chưa kể tới chi phí khám chữa bệnh thường quá đắt.
Những người có trình độ trong làng sẽ được hướng dẫn và đào tạo sử dụng các thiết bị khám bệnh kết hợp với xe ba gác thông tin, mỗi khi Infothela tới làng mình, họ sẽ gửi các thông tin khám bệnh tới những trung tâm y tế và nhận những kết quả chẩn đoán, biện pháp điều trị.
Ngoài ra, những phụ nữ trong làng còn được các buổi hội thảo qua web của Infothela giới thiệu về vi khuẩn và nguồn gốc gây bệnh, được xem kính hiển vi để thấy tay mình có rất nhiều vi khuẩn, có thể là tác nhân gây bệnh nếu không được vệ sinh cẩn thận. Họ cũng sẽ được cung cấp các thông tin về xử lý chế biến thức ăn, nguồn nước để phòng tránh các loại bệnh về đường tiêu hoá.
Xoá bỏ định kiến
Chỉ cách làng Bithoor vài cây số, một chiếc xe đạp ba gác khác cũng đang mang theo các thiết bị công nghệ cao tới ngôi làng Gorahah, nơi đàn ông và phụ nữ tụ tập lại cùng nhau để tham gia một lớp học về thư điện tử (e-mail). Sự hoà đồng về giới tính trong hoạt động này chẳng hề kém gì một cuộc cách mạng trong xã hội hủ tục vùng nông thôn Ấn Độ, nơi phụ nữ thường phải ở trong nhà, không được tham gia vào các hoạt động cộng đồng.
Cô Snehalatha, 22 tuổi, đang tham gia lớp học về e-mail cho biết: "Chúng tôi hiện đang học về máy tính. Chẳng có lý do gì để bắt buộc chúng tôi không được sử dụng những kiến thức mới này. Chúng tôi cần phải đi ra ngoài và làm điều gì đó hữu ích".
Trong trang phục quần màu cam và áo hồng, Snehalatha đăng nhập vào hòm thư Yahoo! trên chiếc xe ba gác thông tin, trong lúc một dãy người dài khác đang nôn nóng xếp hàng chờ đến lượt ở phía sau cô.
Các lớp học Infothela dạy những kiến thức cơ bản về máy tính, phần mềm soạn thảo văn bản, bảng tính kiểu Exel, truy cập Internet và sử dụng Web camera. Khi đã học được cách sử dụng một webcam, dân làng có thể tham gia vào các lớp học trực tuyến qua Internet để học tập thêm các kiến thức khác. Đây là một mục tiêu mà những người tổ chức Dự án xe ba gác thông tin hy vọng sẽ tiếp tục thực hiện.
Những bài học đơn giản về máy tính này là một đặc ân lớn đối với những người dân trong những ngôi làng Ấn Độ, nơi mà một nửa dân số không biết đọc hay viết của nước này đang sinh sống.
Tại làng Bithoor, nơi vẫn đang sa lầy trong hủ tục và nghèo đói, cha mẹ của Sharma dự định sẽ không cho cô đi học sau ba năm nữa, khi tròn 15 tuổi, để cô có thể làm quen và thuần thục các công việc nội trợ trong gia đình, và gả chồng khi được 18.
Tuy nhiên, sự tiếp cận với máy tính đã khiến Sharma có cách nhìn khác, vượt ra ngoài việc nấu nướng và giặt giũ. "Tôi muốn làm việc và tự tạo cho mình một cái tên riêng. Tôi muốn nhìn thấy thế giới." - Sharma nói và cho biết cô hy vọng sẽ tìm được một việc làm ở thành phố và sau đó sẽ đi tới nhiều nơi khác.
Sharma cho biết cô đã không nói với bố mẹ về kế hoạch của mình vì lo sợ họ sẽ cấm cô không được tiếp tục tham gia các lớp học máy tính nữa. "Nhưng tối biết tôi sẽ làm gì." - Sharma bảo.
Bình Minh (Tổng hợp từ IITK, AP, Times of India)
Tin, bài liên quan:
Quan trọng hơn máy tính nối mạng: Thông tin cho nông dân