Đó là một sáng kiến giúp thu hẹp dần khoảng cách số giữa nông thôn Campuchia với thành thị, qua Dự án "Lái xe máy đưa Internet về làng" (Internet Village Motorman).
Ratanakiri là một tỉnh xa ở Đông Bắc Campuchia. Đây là một vùng có thiên nhiên tươi đẹp, nhiều hồ và thác nước song nhiều du khách vẫn chưa khám phá ra nơi này. Ngay cả tên của tỉnh cũng có nghĩa là "núi đá quý" trong nhiều ngôn ngữ châu Á. Mặc dù đẹp như vậy song khó có thể tìm thấy tiện nghi của cuộc sống hiện đại nơi đây. Giống như những nơi khác ở Campuchia, Ratanakiri đối mặt với nhiều vấn đề khác. Có rất ít trường học hoặc bệnh viện và người dân địa phương cực kỳ nghèo. Không có đường nhựa trong tỉnh và chỉ có điện tại thành phố chính. Nước máy là một loại hàng hoá xa xỉ.
Làng O Siengle nằm cạnh bìa rừng nguyên sinh, cách thành phố Banlun tỉnh Ratanakiri 30km. Phương tiện duy nhất để đi lại ở đây chủ yếu chỉ là xe bò, lắc lư trên con đường đất đỏ. Đây là con đường chính của ngôi làng. Một buổi chiều nọ, người dân trong làng đã tập trung lại và thảo luận việc gửi lá thư đầu tiên cho ai. Ông Kim Seng, 53 tuổi, chủ nhà hàng khẳng định: “Tôi nghĩ chúng ta phải gửi một thông điệp đến tỉnh trưởng, yêu cầu ông ta cấp giấy quyền sở hữu đất”. Để tăng thêm tầm quan trọng và sự trang trọng của bức thư, thư sẽ được gửi bằng... máy tính, ông Kim Seng nhấn mạnh.
Làng O Siengle, với khoảng 800 cư dân sinh sống, là nơi vừa bước sang kỷ nguyên số cho dù nơi đây cũng chưa có đường dây điện cũng như điện thoại như nhiều vùng khác ở Ratanakiri. Bernie Krisher, một người Mỹ hảo tâm, đã thiết lập một dự án phát triển kết nối Internet giữa 13 trường học ở vùng nông thôn này. Trường tiểu học được trang bị pa-nô pin mặt trời để cung cấp năng lượng duy trì hoạt động của ba máy tính mỗi ngày một lần.
Dự án của Krisher giúp trường học, bệnh viện và văn phòng chính quyền tại các ngôi làng nhỏ ở tỉnh Ratanakiri truy cập Internet thông qua một hệ thống lạ song rất đơn giản: năm chiếc xe máy đỏ chót hiệu Honda được trang bị chiếc hộp thu-phát tín hiệu, ứng dụng công nghệ truy cập điểm di động (Mobile Access Point) của First Mile Solutions và kết nối vô tuyến với vệ tinh ở tốc độ 256Kb/giây. Để hộp thu-phát tín hiệu này hoạt động, năng lượng do bộ ắc-quy của xe máy cung cấp.
Với hộp thiết bị này trên xe Honda, những người lái xe máy tương tự như bưu tá đương thời ở Ratanakiri. Kể từ tháng 9 năm ngoái, năm ''bưu tá'' lái xe máy hàng ngày vẫn đi dọc theo năm lộ trình khác nhau trên khắp tỉnh Ratanakiri. Trên mỗi xe là một thứ "hàng hoá" quý giá: email được tải xuống và chứa vào một con chip nằm trong hộp, qua kết nối không dây. Khi xe máy dừng lại ở cửa một trường học ở vùng sâu vùng xa, chỉ trong vài giây, email từ hộp được tải lên máy tính của trường, còn mọi email và nhu cầu tìm kiếm trên Internet mà trường muốn gửi được truyền ngược lại từ máy tính tới chiếc hộp.
Khi màn đêm buông xuống, các xe máy này được quy tụ tại Banlung - thành phố của tỉnh. Ở đây, ngôi trường hàng không được trang bị ăng-ten parabol để giữ liên lạc với thế giới bên ngoài, giúp giảm giá khi các trường dùng chung một parabol và duy nhất một thuê bao đường truyền. Ngay khi từng người lái xe trở về Banlung, các email trữ trong hộp được gửi lên Internet qua ăng-ten này.
Theo các thuê bao, hệ thống "Internet qua xe máy" đã thay đổi dần cuộc sống của họ. Chẳng hạn, ông Chenmarith Ly, phó giám đốc Bệnh viện Banlung khẳng định hệ thống này sẽ giúp họ tiến tới việc chẩn đoán bệnh từ xa qua... email, khi có thể gởi phim X-quang và điện tâm đồ đến các chuyên gia hợp tác chữa bệnh từ xa ở Bệnh viện đa khoa Massachusetts tận Boston (Mỹ).
Pauline Tweedie, giám đốc chương trình công nghệ thông tin của Hiệp hội châu Á tại Campuchia, một tổ chức phi lợi nhuận ở Mỹ, cho biết: ''Tiếp cận rộng rãi với thông tin là một nền tảng cần thiết cho sự tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và quản lý hiệu quả. Mạng lưới trên được gọi là "DakNet", nghĩa là Bưu điện trong tiếng Hindi. Một số người dân đang sử dụng DakNet để liên lạc với chính quyền". Theo Neou Ty, giám đốc điều hành chương trình Motoman, bất kỳ khi nào dân làng gặp phải vấn đề không thể giải quyết được, họ tới trường học và nhờ các giáo viên tại đây "gửi email cho tỉnh trưởng''.
Tỉnh trưởng Ratanakiri có một hộp thư điện tử trong văn phòng và cam kết phản hồi mọi thư từ, email của dân làng. Người dân cũng tìm kiếm việc làm từ các công ty trong thành phố bằng email.
Dự án trên là bước đi đầu tiên giúp các cộng đồng ở vùng sâu, vùng xa ở Campuchia có cơ hội tiếp cận với các thông tin giáo dục, y tế và kinh tế mà trước đây không có. Tuy nhiên, chi phí vẫn là một trở ngại. Giá của một bộ thiết bị Mobile Access Point gắn trên xe máy là 500-600 USD.
● Lê Minh - Tuyết Nhung (Tổng hợp)
Tin, bài liên quan:
Quan trọng hơn máy tính nối mạng: Thông tin cho nông dân