Khác với suy nghĩ kiểu "A. Q" của một số người, giới hacker không hề chậm chân trong việc đón đầu và "xuyên thủng" những công nghệ mới. Lời cảnh báo này đã được chính ông chủ tịch của hãng bảo mật công nghệ thông tin hàng đầu tại Mỹ McAfee đưa ra tại một cuộc hội thảo doanh nghiệp ở Bombay (Ấn Độ).
"Cơ sở hạ tầng viễn thông của thế giới, dù là ở Ấn Độ, Anh, Đức hay ngay tại nước Mỹ đang phải đối mặt với nguy cơ thường trực.'' - ông George Samenuk phát biểu - "Nhưng với một thế giới ngày càng dựa dẫm vào công nghệ như hiện nay, hậu quả sẽ tồi tệ hơn trước gấp mười lần''. Để dẫn chứng, ông Samenuk cho biết một hãng viễn thông lớn đã bị đánh cắp tới... 800MB mã nguồn. Một hệ thống bán lẻ lớn không thể khởi động hệ thống thẻ tín dụng tự động vào hôm thứ bảy vừa qua vì bị virus tấn công. Thiệt hại của họ lên tới hàng triệu USD.
Các phần mềm bảo mật hiện nay có khả năng tự động chặn 90% số cuộc tấn công. Nhưng bằng cách nào đó, 10% virus còn lại vẫn xoay sở để len lỏi qua được các hàng rào chắn và... tung hoành. Chính vì vậy, ông Samenuk khuyến cáo: Chớ bao giờ trút hết việc lên đầu một hãng bảo mật rồi yên tâm không lo nghĩ gì nữa. Trái lại, sự an toàn đôi khi lại đến từ những biện pháp bình thường như đặt mật khẩu thật dài, khó đoán và thường xuyên thay đổi chúng, cũng như không cho phép những người không có thẩm quyền truy cập vào mạng nội bộ tập đoàn.
Trong số những đối tượng có nguy cơ bị tấn công cao nhất, có thông tin cá nhân nhạy cảm như số thẻ tín dụng, số tài khoản ngân hàng, v.v... Mặc dù giới bảo mật không ngớt lời cảnh báo về nguy cơ scam (email giả danh ngân hàng hoặc hãng tín dụng yêu cầu khách hàng xác nhận lại tài khoản hoặc khôi phục password bị mất), mỗi ngày vẫn có tới hàng ngàn người bị vét sạch tiền khỏi tài khoản vì đủ loại thủ đoạn tinh vi của bọn lừa đảo.
Chưa hết, theo ông Samunek, việc ngày càng có nhiều người chuyển sang xài điện thoại di động (ĐTDĐ) để gửi và nhận email, cũng như theo dõi giá cổ phiếu cũng sẽ dẫn đến số vụ tấn công gia tăng. So với máy tính, ĐTDĐ sơ hở hơn nhiều về bảo mật, không chỉ vì thiếu phần mềm bảo vệ chuyên dụng từ các hãng mà còn bởi chính sự chủ quan của người sử dụng. Tương tự là trường hợp của VoIP. Với sự kết hợp của nguy cơ điện thoại với Internet, công nghệ này dù mới mẻ nhưng lại đang đòi hỏi mức độ bảo mật cao gấp đôi, ngay từ thời điểm trứng nước này.
Cầm Thi (Theo AFP)