15 hệ thống cơ sổ dữ liệu riêng của các cơ quan tình báo Mỹ không thể trao đổi thông tin với nhau, khác nào một... mạng câm! Bài học về liên kết mạng tuy không mới song đã trở nên quá đắt giá trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ, với cái giá thật đáng sợ: vụ 11/9.
Đó là cái có thể được mô tả như một mạng "câm". Nó dựa trên một mô hình đã có niên đại hàng thập kỷ mà ở đó, thông tin chỉ có thể được chia sẻ bên trong mỗi cơ quan.
Việc thiếu thông tin tình báo đã được nhóm chuyên gia cao cấp Markle Foundation tại New York đặc biệt nhấn mạnh, và báo cáo cuối cùng của Uỷ ban Điều tra vụ 11/9 đã căn cứ chủ yếu vào các nhận định này.
Bà Zoe Baird, chủ tịch Markle Foundation, cho biết: "Chẳng hạn như với một nhân viên đặc vụ tại văn phòng của FBI Chicago, và một điệp viên CIA nằm vùng tại Kabul. Mỗi người này đều thu thập được một chút thông tin nào đó, mà nếu hai nguồn thông tin đó được kết hợp lại cùng nhau, chúng có thể sẽ chỉ ra một kế hoạch tấn công bằng vũ khí sinh học vào Chicago. Nhưng theo hệ thống thông tin hiện tại, các báo cáo từ hai nhân viên này có vẻ sẽ không có cơ hội tìm thấy được nhau".
Mạng liên kết
Bà Baird đã tập hợp một lực lượng đặc nhiệm từ hai năm trước để khắc phục vấn đề này. Bà đã kết hợp các chuyên gia máy tính, quan chức cựu điệp viên, và các chuyên gia mật lại cùng nhau để tìm cách làm sao cho dữ liệu của chính phủ được chia sẻ một cách "thông minh hơn".
Câu trả lời của họ là kết nối tất cả các cơ sở dữ liệu tình báo hiện đang tồn tại vào trong một mạng chung. Ý tưởng này sẽ cho phép một nhân viên FBI ở Chicago và một điệp viên CIA ở Kabul có thể tìm thấy các báo cáo của nhau, và từ đó xác định ra kế hoạch tấn công khủng bố sinh học.
Bà Baird cho biết: "Các báo cáo này sẽ được liên kết với nhau nhờ công nghệ, vì chúng sẽ cùng chứa các từ tương tự như virus hoặc Chicago. Và những nhân viên đang theo dõi vấn đề này từ đó có thể tìm ra thêm các thông tin của nhau, và hình thành một nhóm cộng tác không chính thức để giải quyết các vấn đề tương tự".
Đó là dạng công nghệ đã được các doanh nghiệp sử dụng trên toàn thế giới, và thậm chí đã được áp dụng trong các máy tìm kiếm web giống như Google. Chúng có thể được sắp đặt cùng nhau một cách nhanh chóng, với phần cứng và phần mềm trực tiếp giao tiếp để trao đổi thông tin.
Không phải chiếc đũa thần
Uỷ ban Điều tra vụ 11/9 rất tâm đắc với ý tưởng kết nối mạng trên. Báo cáo cuối cùng đề xuất cần thực hiện các phát kiến của Markle Foundation như một phần trọng tâm trong bất kỳ kế hoạch cải tổ mạng chính phủ nào.
Mặc dù vậy, những người hoài nghi đều đã được nghe tất cả những điều này từ trước, và đang đặt câu hỏi về sự sáng suốt khi chỉ chú trọng vào công nghệ.
"Công nghệ không phải là một câu trả lời cho bất kỳ vấn đề nào." - ông George Smith, chuyên gia cao cấp của nhóm bảo mật GlobalSecurity.org nhận định -Chẳng có chiếc đũa thần nào giúp tăng cường khả năng trao đổi thông tin ngay lập tức được".
Ông Smith cho biết các vấn đề thực tế mà chính phủ cần chỉ ra không chỉ là công nghệ, mà là xã hội. Sự mặc nhiên của các cơ quan hành chính quan liêu, và cách mọi người chú ý tới thông tin, những xung đột cá nhân, các xung khắc về tính chất công việc tương đồng giữa các cơ quan an ninh, và thực tế là có những mối quan hệ không tồn tại giữa các cá thể trong những cơ quan tình báo của Mỹ, và việc giữ bí mật quá nhiều đã kéo theo cuộc chiến khủng bố".
Markle Foundation cũng chú tâm tới các quy định mới, nhất thống về việc chia sẻ thông tin. Bà Baird cho rằng các cơ quan an ninh có thể đảm bảo việc áp dụng các công nghệ mới.
Công nghệ sẽ không thể giải quyết hết được mọi vấn đề của cộng đồng các cơ quan tình báo của Mỹ. Nhưng nếu thiếu các công cụ công nghệ cần thiết, có thể dẫn tới những hạn chế cô lập các cơ quan an ninh, giống như chuyện đã từng xảy ra với sự kiện ngày 11/9.
Bình Minh (Theo BBC)