Công nghệ thẻ nhận biết dùng sóng radio (RFID) đang là chủ đề tranh luận nóng bỏng trên cả ba thị trường phần mềm, phần cứng lẫn bán lẻ. Tuy nhiên, một hướng ứng dụng khác của công nghệ này, kết hợp giữa vi chip với ăng-ten radio để giúp theo dõi, quản lý dễ dàng hơn, lại tỏ ra thành công.
Hôm thứ sáu tuần trước, Digital Angel, hãng cung cấp công cụ liên lạc và scan RFID cho khách hàng để theo dõi mọi loại đối tượng, từ máy bay cho đến gia súc, đã thông báo giành được bản hợp đồng gắn mã vạch radio lên... chó ở Bồ Đào Nha.
Đây là một phần trong sáng kiến của chính phủ nước này nhằm kiểm soát bệnh dại trên toàn quốc. Theo ước tính, có khoảng hai triệu con chó tại nước này phải được cấy ghép mã vạch radio và đăng ký vào cơ sở dữ liệu quốc gia từ nay cho đến năm 2007. Bản hợp đồng của Digital Angel “phủ sóng’’ hết giai đoạn đầu của chương trình, với khoảng 200.000 con chó sẽ được "khắc mã". Theo giám đốc điều hành Kevin McGrath, Digital Angel sẽ tiếp tục đấu thầu nốt phần còn lại của chương trình, bởi đây là một cơ hội tuyệt vời để họ chứng tỏ cho mọi người thấy sản phẩm RFID của mình dễ đọc và đáng tin cậy đến mức nào.
Cấy chip RFID cho động vật hoàn toàn không phải một ý tưởng hay việc làm mới. Các con chip đã được lập trình với dữ liệu phù hợp, chẳng hạn như tên và địa chỉ người chủ, đồng thời có thể dễ dàng quét được bằng một thiết bị cầm tay. Không riêng gì Bồ Đào Nha mà nhiều nước châu Âu khác cũng yêu cầu vật nuôi phải có chip RFID hoặc... hình xăm để nhận dạng được nhanh chóng và dễ dàng. Còn tại Mỹ, theo ước tính của McGrath, công nghệ RFID đã giúp tới 6.000 vật nuôi đi lạc hoặc bị bắt cóc trở về với chủ của mình mỗi tháng.
Theo kế hoạch, Digital Angel sẽ phát hành một sản phẩm mới vào năm tới, không chỉ lưu trữ dữ liệu về động vật mà còn cả những thông số về thân nhiệt của chúng, giúp người sử dụng chẩn bệnh xem chúng có bị ốm hay không. Theo McGrath, những ứng dụng kiểu này có thể giúp người nuôi thú cũng như nhà nông tiết kiệm được hàng triệu USD tiền khám bác sĩ thú y, đồng thời giúp RFID xâm nhập vào nhiều thị trường tiêu dùng mới, trở thành dòng công nghệ chủ lực của tương lai.
Năm ngoái, RFID đã có được cú hích lớn từ khối kinh doanh bán lẻ, khi một loạt hệ thống bán lẻ lớn như Wal-Mart và Target cùng ứng dụng mã vạch radio để cải thiện khả năng quản lý - kiểm hàng cũng như vận chuyển hàng hoá. Chưa hết, RFID còn tìm được đường đến với những khách hàng lớn khác như sân bay Narita của Nhật Bản, nơi hành lý của khách hàng được gắn chip RFID nhằm giúp ngăn chặn nạn khủng bố.
Cầm Thi (Theo CNET)