I-Today - Nhu cầu xuất khẩu dịch vụ và việc làm của ngành công nghiệp Mỹ có vẻ như đã tác động mạnh đến tỷ lệ tiền lương tại Ấn Độ. Người ta bắt đầu đặt ra câu hỏi ''về lâu dài, nước này được hưởng những lợi ích gì từ xu hướng gia công thô nói trên?''
Theo các báo cáo tài chính, công nhân trong ngành công nghệ thông tin của Ấn Độ được tăng lương với tỷ lệ 2 con số trong năm 2003. Mặc dù mức lương này nhìn chung vẫn thấp hơn đáng kể so với các đồng nghiệp của họ tại nước Mỹ, song khoảng cách thu nhập ngày càng được thu hẹp. Bên cạnh đó, một số yếu tố không lường trước được đã khiến cho các hãng công nghệ của Mỹ không thể không xem xét lại quá trình xuất khẩu việc làm của mình.
''Giờ đây, những trông đợi của họ về lợi ích từ việc gia công thô đã thực tế hơn'', bản báo cáo của DiamondCluster International, một công ty tư vấn tại Chicago, tiến hành với hơn 180 hãng công nghệ, viết. ''Trong các nghiên cứu trước đây, phần lớn họ hy vọng đạt được hiệu quả tăng 50%. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn từ 10 đến 20%''.
Lạm phát tiền lương ở Ấn Độ đạt tới mức 14% trong năm ngoái, là một sản phẩm tất yếu, tự nhiên của lý thuyết cung - cầu cổ điển. Dù cho các dự án xuất khẩu việc làm vẫn bị đánh giá là rủi ro cao, song theo Forrester Research dự đoán thì sẽ có khoảng 3,3 triệu việc làm tại Mỹ được chuyển sang các nước khác vào năm 2015.
Ấn Độ nhanh chóng trở thành quốc gia số một trong sự lựa chọn gia công thô của các công ty Mỹ từ nhiều năm qua, do lực lượng kỹ sư dồi dào, dân số nói tiếng Anh đông đảo và một lịch sử gắn bó chặt chẽ với các nước phương Tây, cũng như giá nhân công tương đối rẻ. Nhu cầu tăng dẫn đến việc gia tăng nhanh chóng của tiền lương trả cho lao động, nhất là khi thị trường công nghệ mở rộng đã tạo ra một bối cảnh thịnh vượng cũng như sự tăng giá sinh hoạt ở một số khu vực.
''Nếu bạn đến Bangalore hôm nay, bạn sẽ thấy những dấu hiệu phát triển nổi bật. Rất nhiều công trình mới xây dựng, rất nhiều người trẻ, rất nhiều sức sống, tràn ngập các cửa hiệu và tiệm ăn'', Nandan Nilekani, đồng sáng lập kiêm CEO của Infosys Technologies cho biết. ''Nền kinh tế trở nên khí thế với sự bùng nổ về công nghệ thông tin''.
Số lượng các công ty Ấn Độ trong danh sách ''nhà cung cấp giải pháp IT'' và ''phát triển phần mềm'' theo cuộc thăm dò thường niên tại khu vực châu Á- TBD của Hewitt Associates đã tăng thêm 12,8% và 13,7% hồi năm ngoái, vượt xa tất cả các nước khác.
Sự chọn lựa mang tên Trung Quốc
Tuy vẫn còn là quá sớm để đưa ra bất cứ dự đoán nào về một cơn sốt ''bong bóng xà phòng tại Ấn Độ, song thực tế mức lương của lao động Ấn Độ đang tăng nhanh có thể khiến nhiều công ty phía Mỹ xem xét đến các nước khác, nơi thu nhập thấp hơn nhiều. Và quả thực, ngay cả một số công ty của chính Ấn Độ cũng đã bắt đầu xuất khẩu việc làm của họ sang nước láng giềng Trung Quốc.
Theo bản báo cáo của Hiệp hội Điện tử Mỹ, ''Tata Consultancy Services, một trong số 4 hãng xuất khẩu phần mềm lớn nhất Ấn Độ đã bắt đầu gia công thô tại Trung Quốc. Đến năm 2005, TCS dự định sẽ có khoảng 3.000 kỹ sư phần mềm Trung Quốc, chiếm 15% lực lượng lao động của họ trên thế giới''. Tỷ lệ tăng trưởng về việc làm công nghệ ở nước này chỉ bằng khoảng một nửa so với Ấn Độ, còn mức tăng lương thì ở vị trí thấp nhất trong cuộc thăm dò của Hewitt.
Các nước Đông Âu cũng ngày một hấp dẫn hơn trong vai trò trung tâm gia công thô. Tháng 9 năm ngoái, một công trình nghiên cứu dự đoán rằng một sinh viên tốt nghiệp đại học chuyên ngành công nghệ ở Rumani có thể được tuyển dụng với mức lương 6.500USD/năm để phát triển phần mềm. Một khả năng có thể lựa chọn khác là Nga, quốc gia đào tạo ra số lượng kỹ sư nhiều hơn Mỹ.
Tuy thế, kể cả khi các công ty có chuyển sang gia công thô ở các nước khác thì ngành công nghiệp Ấn Độ vẫn không vì thế mà khốn đốn. Các quan chức và giới phân tích trên cả hai bờ Đại Tây Dương đều nhất trí rằng kinh doanh gia công thô ở Ấn Độ có trình độ vượt xa các nước khác với những lợi thế mang tính chất ''duy nhất'' như chung ngôn ngữ (tiếng Anh) và thị trường chứng khoán hoạt động như ở phương Tây. ''Hệ thống giáo dục và nền văn hoá Ấn Độ khuyến khích đón nhận thử thách. Họ cũng có sự chống lưng về tài chính ở Bangalore và New Delhi'', George Gilbert, Giám đốc Tech Strategy Group cho biết.
Hơn nữa, tương lai công nghệ của Ấn Độ không chỉ giới hạn trong các dịch vụ gia công thô. Triển vọng về một ngành công nghiệp độc lập hơn với Mỹ khiến nhiều người tin rằng Ấn Độ sẽ trở thành một trung tâm tri thức của nền kinh tế toàn cầu.
Cầm Thi � Theo CNET