Toshiba và NEC đã giành thắng lợi ''vòng đấu đầu tiên'' trong cuộc tranh đấu cho một định dạng DVD mới. Định dạng mà Toshiba và NEC đưa ra vừa được tổ chức Diễn đàn DVD chấp thuận. Tuy nhiên, cuộc tranh đấu của hai hãng sẽ còn kéo dài bởi họ cần phải được sự chấp thuận của người tiêu dùng cũng như của Hollywood.
Năm ngoái, hai công ty này đã đưa ra một chuẩn định dạng DVD mới - chuẩn DVD laser xanh. Chuẩn này đối ngược hẳn với chuẩn DVD laser đỏ do tổ hợp các hãng điện tử lớn nhất thế giới đưa ra. Tổ hợp này có sự góp mặt của Sony, Matsushita và Philips. Hai hãng Sony và Philip cũng là thành viên của Diễn đàn DVD.
Diễn đàn DVD là một tổ chức gồm 220 công ty điện tử và truyền thông. Tổ chức này tuyên bố sẽ chỉ công nhận một chuẩn DVD duy nhất. Với việc hậu thuẫn cho chuẩn DVD laser xanh của Toshiba và NEC, một cuộc chiến định dạng DVD đã thực sự bùng nổ. Thực ra ngành công nghiệp điện tử đã từng nhiều lần đối mặt với cuộc chiến định dạng đĩa. Một ví dụ là cuộc chiến về chuẩn đĩa DVD đọc ghi (recordable DVD) vẫn còn đang diễn ra quyết liệt trên thị trường. Diễn đàn DVD đã không chấp thuận công nghệ DVD+RW mà Sony và Philips phát triển, mặc dù cả Sony và Philips đều cam đoan rằng chuẩn này đang thống trị thị trường đĩa DVD đọc ghi.
Tuy nhiên, các nhà phân tích tài chính nói rằng sự lựa chọn của Diễn đàn DVD không có nghĩa là Sony và các đồng minh của mình sẽ bị văng ra khỏi cuộc chiến thu nhập bản quyền. Phí bản quyền đã trở thành một nguồn thu nhập quan trọng cho các doanh nghiệp điện tử có lợi nhuận biên thấp. Chẳng hạn như Philips, hãng này có mục tiêu nâng lợi nhuận biên từ 2 lên 2,5% bằng thu nhập từ bán bản quyền.
Các hãng chế tạo đồ điện tử rẻ tiền của Trung Quốc cũng đã than phiền về phí bản quyền DVD quá cao. Trung Quốc đã sáng chế ra một định dạng DVD khác, gọi là EVD. Định dạng này có thể trở thành chuẩn DVD của Trung Quốc.
Trong một nghiên cứu mà ngân hàng đầu tư J.P. Morgan vừa công bố gần đây, để một định dạng muốn thành công thì phải giành được sự ủng hộ của Sony và Matshushita. Hai hãng này đang sở hữu các nhãn hiệu Panasonic và JVC. Chỉ khi nhận được sự ủng hộ của 2 hãng này thì các sản phẩm mới có chỗ đứng trên thị trường.
Sony và Matshushita cũng đang vận động cho một công nghệ mà họ tự phát triển, gọi là Blu-Ray - định dạng laser xanh hoạt động được trên các thiết bị sử dụng định dạng DVD cũ. Tuy nhiên, chuẩn Blu-Ray chưa trở thành một đối thủ trong cuộc chiến DVD nói trên, bởi vì Blu-Ray mới chỉ nhắm đến các thiết bị đọc DVD, chứ không phải là các thiết bị ghi DVD.
Trong một vài năm tới, các máy chơi đĩa DVD laser xanh sẽ dần thay thế cho các máy chơi đĩa DVD laser đỏ hiện thời. Một đĩa laser xanh có khả năng lưu trữ thông tin lớn gấp 5 lần so với đĩa laser đỏ - tức là lưu trữ được một bộ phim chất lượng cao với thời lượng 3 giờ đồng hồ.
Ngành công nghiệp điện tử cũng trông đợi trong một vài năm tới các ti vi độ phân giải cao sẽ trở nên phổ biến. Nó sẽ là động lực thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ các đĩa DVD chất lượng cao.
Đăng Khoa - Theo Reuters