Intel công bố đã chế tạo thành công các chip sử dụng quy trình sản xuất 65-nanomet. Đây là dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy người khổng lồ về chip bán dẫn sẽ tiếp tục theo đuổi kịp tốc độ phát triển của định luật Moore.
Đầu tuần nầy, Intel cho biết đã tạo ra các ngăn nhớ của bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên tĩnh (SRAM - một dạng bộ nhớ) với quy trình công nghệ sản xuất 65-nanomet, đồng thời cho biết sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt các sản phẩm chip theo quy trình này vào năm 2005. Con số nanomet này biểu thị kích thước trung bình trên các chi tiết trên con chip được sản xuất theo quy trình đó. Hầu hết các bộ vi xử lý PC trên thị trường hiện nay đều được sản xuất theo quy trình 130-nanomet, và các nhà sản xuất chip trên thế giới cũng chỉ mới vừa bắt đầu đưa vào sử dụng sử dụng quy trình 90-nanomet. (Một nanomet = một phần tỷ mét).
Giảm kích thước của chip sẽ giúp tăng cường hiệu suất xử lý, giảm giá thành và về mặt tiềm năng có thể giúp giảm mức tiêu thụ điện. Về cơ bản, các electron điện từ có khoảng cách trao đổi ngắn hơn trong các chip 65-nanomet, nên hiệu suất xử lý sẽ cao hơn. Chiều dài cổng - là khoảng cách mà các electron phải đi từ nguồn qua mạch dẫn đến các transistor để bật chúng lên - sẽ giảm từ 50 nanomet xuống còn 35 nanomet trong các chip 65-nanomet.
Ông Mark Bohr, Giám đốc cấp cao về kiến trúc quy trình sản xuất và tích hợp chip của Intel cho biết: ''Bạn có thể tăng tốc độ clock chip lên khoảng 40-50% mà không cần phải cải tiến thêm thành phần nào khác''.
Với quy trình sản xuất mới, số transistor đặt được vào trong mỗi chip cũng sẽ tăng lên và cũng là nhân tố giúp tăng hiệu suất xử lý. Định luật Moore đã tuyên bố rằng số lượng transistor trên một con chip có diện tích cho trước sẽ tăng lên gấp đôi sau mỗi chu kỳ 2 năm. Mặc dù các nhà sản xuất chip không tự động tăng gấp đôi số transistor, họ vẫn tự động áp dụng các công nghệ mới theo đúng tốc độ phát triển của định luật này để thêm các tính năng mới lên tấm silicon chế tạo chip.
Bình Minh - Theo CNET