Hôm thứ năm tuần này (26/6), Toà án phúc thẩm Liên bang Mỹ đã bác bỏ hầu hết các yêu cầu buộc Microsoft phải đưa một trình biên dịch của ngôn ngữ lập trình Java vào Windows đã được toà án sơ thẩm phán quyết.
Nhưng phiên toà án phúc thẩm thứ tư tại Richmond - bang Virginia, Mỹ - này đã nâng cao một yêu cầu rằng Microsoft phải ngừng phân phối các bản sao chương trình công cụ ảo (VM - Virtual Machine) Java của mình, cho biết Microsoft ''đã vượt quá phạm vi'' thoả thuận bản quyền tháng 1/2001 với Sun. Hội đồng thẩm phán gồm 3 người cho biết thoả thuận nói trên chỉ cho Microsoft quyền đưa công cụ ảo Java của mình trong Windows, chứ không được cung cấp riêng biệt sản phẩm này qua các hãng sản xuất máy tính hoặc qua các bản cập nhật Windows. Microsoft đã ngừng các hoạt động này vào tháng 2 năm nay.
Ban hội thẩm cũng đưa ra một bản ý kiến dài 28 trang về việc phản bác các quyết lệnh của Toà án sơ thẩm đối với Microsoft hồi đầu năm. Khi lý giải nguyên nhân cần thiết phải đưa ra quyết lệnh này trong phiên toà sơ thẩm, Thẩm phán quận Frederick Motz đã kết luận rằng sẽ là một ''nguy cơ nghiêm trọng'' nếu thị trường công nghệ rời bỏ Java để đến với .Net của Microsoft.
Cả hai hãng đều cho biết họ vui vẻ đón nhân quyết định của Toà hôm thứ năm vừa qua.
Sun đã chiến thắng trong yêu cầu đầu tiên: Microsoft phải chấm dứt việc phát hành phiên bản công cụ ảo Java của hãng này với tư cách một phiên bản độc lập. Tuy nhiên, yêu cầu thứ hai của họ - buộc Microsoft phải phát hành phần mềm Java của Sun - đã bị từ chối.
''Chúng tôi rất hài lòng với phán quyết của toà phúc thẩm ngày hôm nay trong việc khẳng định quyết lệnh cho rằng Microsoft đã vi phạm bản quyền'', ông Lee Patch, phó chủ tịch của Sun nhận xét. ''Phán quyết này khẳng định Microsoft đã vi phạm hợp đồng bản quyền, và đã thực hiện việc phá hoại nền tảng Java trên PC''.
Tuy nhiên ông Patch cho biết mình đã ''thất vọng'' vì toà phúc thẩm bác bỏ yêu cầu ''phải đưa Sun vào Windows'' của toà sơ thẩm.
Vụ kiện này hiện đã được trao lại cho thẩm phán Motz để xúc tiến xa hơn và tiến hành phiên toà kết thúc, trừ khi cả hai công ty đều đồng ý được với nhau trong một thoả thuận dàn xếp.
Cầm Thi - Theo CNET