Các hãng di động bắt đầu nhận ra: Cái giá 800 USD cho một model điện thoại di động (ĐTDĐ) đời mới nhất là quá đắt so với thu nhập trung bình của người tiêu dùng bình thường, nhất là với những cư dân đang sinh sống tại các quốc gia thu nhập thấp. Chính vì vậy, họ bắt đầu nghĩ đến việc thiết kế những model ĐTDĐ và hệ thống thanh toán dành cho những người bình thường vốn khó chi trả nổi cho các dịch vụ di động.
ĐTDĐ không còn là độc quyền của giới doanh nhân và thượng lưu tại Trung Quốc. |
Đây là một bước chuyển đổi chiến lược tất yếu, khi thị trường tiêu thụ tại khối các nước phát triển gần như đã định hình. Không còn cách nào khác, các hãng chế tạo điện thoại và các nhà cung cấp dịch vụ phải tìm kiếm những con đường mới và cách thức tạo ra lợi nhuận mới. Một trong số đó chính là nhắm đến những thuê bao thu nhập thấp.
Tại vùng ngoại ô Bắc Kinh, Chen Zhenghua là một nông dân sống bằng nghề trồng và bán rau. Thu nhập của anh là 83 USD/tháng - một con số khiêm tốn, nhưng vẫn đủ để Chen nghĩ đến việc sắm cho mình một chiếc ĐTDĐ. "Tôi cần nó cho công việc của mình, hơn nữa, giá của nó cũng rẻ." - Chen nói. Anh là một trong số rất nhiều người có thu nhập thấp tại Trung Quốc mới đăng ký sử dụng dịch vụ viễn thông trong thời gian gần đây.
Để bù đắp cho giá thành thấp, các mẫu điện thoại được nhắm riêng cho những người như Chen thường chỉ cung cấp những chức năng cơ bản như thực hiện cuộc gọi và soạn tin nhắn văn bản. Tại Trung Quốc, một số mẫu thậm chí còn đơn giản hơn nữa, đến mức... tối giản. "Chúng tôi tin sản phẩm của mình sẽ ăn nên làm ra tại các thị trường đang phát triển." - Richard Lee của Huawei Technologies, một hãng chế tạo ĐTDĐ nội địa tỏ ra lạc quan.
Biểu giá cước rẻ và... sáng tạo
Không riêng gì giới chế tạo mà ngay cả các nhà cung cấp dịch vụ cũng tìm đủ mọi biện pháp sáng tạo, mới mẻ để đáp ứng nhu cầu của những khách hàng bình dân. Lấy thí dụ như dịch vụ dùng tin nhắn làm thẻ gọi trả trước ảo chẳng hạn.
Bạn gửi một tin nhắn đến số của trung tâm dịch vụ, thông báo số tiền bạn chấp nhận chi ra và sẽ nhận lại một thời hạn cùng thời lượng sử dụng cụ thể tương ứng với số tiền đó. Hệ thống này hoàn toàn không có "giấy tờ" và chi phí hoạt động, điều hành cũng rẻ hơn so với các dịch vụ trả trước khác. Bình thường, khách hàng bao giờ cũng phải mua một thẻ cào điện thoại với mã số xê-ri bí mật để đăng nhập nếu muốn nạp tiền hoặc gia hạn sử dụng cho điện thoại của mình. Nhưng với hệ thống điện tử này, các nhà điều hành thậm chí chẳng cần phải in thẻ cào, cũng chẳng cần phải phân phối thẻ về các kênh đại lý và tiêu thụ. Số tiền tiết kiệm được này có thể giúp họ trang trải và gánh được chính sách hạ giá cước cuộc gọi hoặc rút ngắn thời hạn sử dụng của thẻ. "Thời hạn sử dụng có thể ngắn hơn, nhưng rõ ràng là dễ dàng hơn cho thuê bao. Thay vì phải trả 3 USD một lúc, họ chỉ phải móc ra 1 USD mỗi lần cho một số phút nhất định." - nhà phân tích Davina Yeo của hãng nghiên cứu IDC cho biết.
Trong khi đó, Smart Communications, hãng ĐTDĐ lớn nhất Philippines lại cho phép khách hàng nạp thêm tiền vào tài khoản số tiền tối thiểu là... 54 cent một cách tự động. Xu hướng này đã lan rộng sang khắp Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan. Theo giới phân tích, Trung Quốc sẽ là điểm đến tiếp theo.
"Rất có thể Trung Quốc sẽ nhìn gương các nước này và cân nhắc đến phương án thẻ ảo trả trước với giá trị tài khoản siêu thấp như vậy." - Yeo nhận định.
Cũng theo nhật báo China Daily, dịch vụ trả trước "độc đáo" này đã giúp Smart Communications bổ sung thêm con số đáng kể 1,7 triệu thuê bao vào danh sách của mình, đồng thời cắt giảm chi phí tới hơn năm triệu USD.
Cầm Thi (Theo CNN)