Ông See Chin Teik, Phó Chủ tịch, Phụ trách thị trường Đông Nam Á và Đài Loan, Nhóm Máy tính Cá nhân, Công ty Hewlett Packard đã có buổi trao đổi với báo giới xung quanh chuyện kinh doanh của công ty HP tại thị trường VN, hiện tại và tương lai.
- Thưa ông, vừa qua, HP có nỗ lực rất lớn trong việc xúc tiến đầu tư vào Khu công nghệ cao TP.HCM, tuy nhiên những nỗ lực này mới chỉ dừng lại ở dạng xúc tiến và các cam kết gắn bó lâu dài. Vậy ông có thể chia sẻ những thông tin đầu tư và cụ thể hóa những “cam kết gắn bó” của HP với thị trường Việt Nam?
Ông See Chin Teik: "Giá cả không phải là mối quan tâm hàng đầu trong chiến lược kinh doanh của chúng tôi..." |
Việc đầu tư vào Khu Công nghệ cao tại thành phố Hồ Chí Minh đang được điều hành trực tiếp bởi Ban Đầu tư Mạo hiểm (Venture Capital Board) của chúng tôi tại Hoa Kỳ. Về thông tin này, tôi không phải là người phát ngôn chính thức.
- Hai nhà sản xuất chip là Intel và AMD đã liên tục giảm giá. Vậy từ nay đến cuối năm, HP có thực hiện lộ trình giảm giá cho các sản phẩm máy tính của mình không?
Giá thành của một sản phẩm luôn luôn dựa trên các đơn vị cấu thành nên sản phẩm đó. Vì vậy, khi linh kiện giảm giá thì tất nhiên sản phẩm cũng sẽ hạ giá theo. Bất cứ khi nào nhà cung cấp linh kiện hạ giá thì người tiêu dùng có thể tin rằng giá thành sản phẩm của HP cũng sẽ hạ.
- Thưa ông, các thương hiệu máy tính nội địa của Việt Nam hiện đang chiếm thị phần khá lớn trên thị trường. Là một nhà sản xuất lớn của nước ngoài, ông đánh giá thế nào về điều này? Và chiến lược kinh doanh của HP có gì đặc biệt hơn?
Tôi thấy rằng, tại Việt Nam, doanh thu của riêng lĩnh vực máy tính xách tay của HP đã dẫn đầu thị trường trong quý 1/2006. Các sản phẩm khác như: máy in, máy quét...của HP cũng đã 10 năm liền giữ được danh hiệu dẫn đầu do độc giả Tạp chí Thế Giới Vi Tính Việt Nam bình chọn. Đó là sự cổ vũ to lớn từ phía khách hàng đối với chúng tôi. Tuy nhiên, HP luôn đánh giá nghiêm túc các đối thủ của mình. Chiến lược của chúng tôi là không đối đầu mà tập trung vào việc tìm ra nhu cầu của người tiêu dùng để đáp ứng tốt nhất họ. Đó là định hướng cạnh tranh của chúng tôi!. Một khi chúng tôi còn kinh doanh tại thị trường khu vực châu Á Thái Bình Dương thì chúng tôi sẽ không ngừng đầu tư và mở rộng thị trường, đồng thời tung ra những sản phẩm mới, giải pháp mới mang dấu ấn của HP. Chúng tôi tin rằng chúng tôi đã có những chiến lược đúng đắn, đúng chỗ và sẽ tiếp tục phát triển tại Châu Á Thái Bình Dương, đặc biệt là Việt Nam.
- Có sự chênh lệch nào về giá giữa máy tính xách tay của HP tại Việt Nam và ở nước ngoài không?
Không có sự chênh lệch nào giữa máy tính xách tay mang thương hiệu HP trong nước và máy tính xách tay ở nước ngoài. Chúng tôi xác định giá cả không phải là mối quan tâm hàng đầu trong chiến lược kinh doanh của chúng tôi. Điều chúng tôi quan tâm đầu tiên chính là làm thế nào để tiếp cận với nhu cầu của người dùng, làm sao để đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu của họ, đồng thời hướng người tiêu dùng đến những thành tựu công nghệ mới để họ có thể khai thác tối đa các tiện ích mà công nghệ có thể mang lại cho cuộc sống một cách dễ dàng nhất.
- Khi Việt Nam gia nhập WTO, chính sách của HP dành cho các đại lý tại VN sẽ có gì mới?
Có thể thấy một điều rằng khi gia nhập WTO, thị trường Việt Nam sẽ sôi động hơn và quyết liệt hơn. Chúng tôi khẳng định sẽ luôn có những chính sách hỗ trợ tối đa cho các đại lý của mình ở các nước sở tại. Một trong những lợi thế lớn nhất của họ là họ đang kinh doanh ngay chính trên “sân nhà” của mình. Nếu các đại lý của HP ở nước ngoài muốn tham gia vào thị trường Việt Nam thì trước hết họ phải chứng minh được năng lực của mình tại thị trường này.
- Trong khu vực Đông Nam Á, thị trường máy tính cá nhân của HP tại Việt Nam đứng ở mức phát triển nào?
Với dân số xấp xỉ 85 triệu, Việt Nam là một thị trường lớn, đầy tiềm năng cho HP. Chúng tôi lạc quan rằng, thị trường này sẽ tăng trưởng vượt bậc cùng với việc Việt Nam thành công gia nhập WTO. Chúng tôi hy vọng sẽ đạt mức tăng trưởng cao đối với tất cả các phân đoạn thị trường tại Việt Nam - từ người tiêu dùng, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp lớn và khối chính phủ - và đối với tất cả các sản phẩm của chúng tôi, từ nhóm máy tính cá nhân (gồm máy tính để bàn, máy tính xách tay) và các sản phẩm khác (máy chủ, máy in, máy quét, máy chiếu....).
Theo IDC, thì quý I/2006, thị phần của HP đứng số 1 so với các công ty phần cứng khác tại VN, chiếm 15% thị phần máy tính để bàn, 28,3% thị phần máy tính xách tay, 73,1% thị phần máy trạm và 28,3% thị phần các thiết bị cầm tay. Chúng tôi rất tự hào về những con số này.
PV.