(VietNamNet) - Ngày 25/7, tại TP HCM, 12 công ty phần mềm Việt Nam đã có cơ hội gặp gỡ, tìm hiểu với 6 công ty phần mềm đến từ Nhật Bản. Đa số các doanh nghiệp sau khi trao đổi, mặc dù khá thận trọng nhưng cũng cho biết: có nhiều cơ hội để các DN Việt Nam trở thành đối tác xuất khẩu, gia công phần mềm với Nhật Bản.
Doanh nghiệp Nhật Bản: thận trọng và tìm hiểu kỹ lưỡng
Phần lớn các công ty phần mềm Nhật Bản đều có nhu cầu tìm đối tác để gia công các phần mềm trong lĩnh vực quản lý, công nghệ mạng và công nghệ nhúng. Ngoài ra, nhu cầu về tìm kếm nguồn nhân lực, đặc biệt là các kỹ sư phát triển phần mềm, kỹ sư phát triển hệ thống mạng cũng được các doanh nghiệp phần mềm (DNPM) của Nhật tỏ ra rất quan tâm.
Bà Nguyễn Minh Hà, Giám đốc công ty phần mềm NamViet cho biết: trong buổi tiếp xúc chiều nay, chúng tôi nhận thấy mình có thể trở thành đối tác của công ty M-techs (Nhật) trong việc cung cấp các phần mềm về quản lý nhân sự. Tuy nhiên công ty phía Nhật cũng không đưa ra bất kỳ hứa hẹn nào.
Còn ông Lương Y Hoà, công ty SilkRoad, đơn vị từng làm việc với Nhật cho biết: người Nhật có những đòi hỏi khá nghiêm khắc về kỷ luật làm việc, rất khó để thuyết phục họ khi công việc chậm trễ hoặc không đúng hạn. Tuy nhiên, một khi đã được chấp nhận, thì các gói đặt hàng của công ty Nhật cũng rất đều đặn, ngay cả trong thời điểm khó khăn họ vẫn cố gắng thu xếp để có đơn đặt hàng cho mình.
"Từ lúc tìm hiểu đến khi ký kết hợp đồng giao việc là cả một quá trình", đại diện công ty AZ Solution, doanh nghiệp đã nhận được các gói hợp đồng trước đó, cho biết. Phó giám đốc công ty AZ kể lại: để ký được hợp đồng, AZ phải mất hơn 1 năm rưỡi để tạo lập mối quan hệ. Các công ty Nhật thường tỏ ra rất thận trọng, và ít khi hứa hẹn trước điều gì. Sau khi đã tìm hiểu rất kỹ lưỡng phía đối tác: nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, văn hoá công ty, chất lượng làm việc...thì họ mới đặt bút ký.
Đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản đang tìm hiểu làm ăn với thị trường Việt Nam. |
Ngoài ra, một trong những khó khăn là người Nhật mặc dù biết tiếng Anh vẫn không thích "xài" tiếng Anh để trao đổi, mà chủ yếu vẫn nói tiếng Nhật.
Ông Nguyễn Đăng Phong, giám đốc công ty Fujinet cũng có nhận xét: thị trường Nhật khá khó tính. Khi có ý định hợp tác, họ không giao việc liền mà tìm hiểu phía mình rất kỹ lưỡng để biết chính xác năng lực của doanh nghiệp đến đâu. Vì vậy việc hợp tác thường được lâu dài.
Doanh nghiệp VN: cần có website giới thiệu công ty bằng tiếng Nhật
Trao đổi với VietNamNet, ông Nakano Takashi, giám đốc điều hành JETRO cho biết: việc đầu tiên các doanh nghiệp VN nên làm là lập các văn phòng đại diện ở Nhật Bản, cách này tuy có hơi tốn tiền, nhưng hiệu quả thì rất tốt. Ông nói: DNPM Nhật Bản có các thông tin thị trường, doanh nghiệp của Trung Quốc, Ấn Độ rất nhiều, rất rõ nhưng hầu như không có thông tin về các DNPM VN.
Tuy nhiên nếu chưa có điều kiện thành lập văn phòng đại diện thì các doanh nghiệp VN nên tham gia vào các hội mà có liên hệ với thị trường Nhật Bản.
Ngoài ra, cách đơn giản và ít tốn kém để tiếp cận các doanh nghiệp Nhật là các doanh nghiệp VN có thể đi liên kết hoặc bán phần mềm cho các công ty Nhật đang làm ăn tại VN. Hiện nay TP HCM hiện có khoảng 30 công ty liên quan đến tin học của Nhật Bản đang hoạt động.
Ông Takashi cũng đưa ra khuyến cáo: việc kinh doanh một cách chủ động, bán hàng, tiếp cận với các doanh nghiệp Nhật cũng rất cần thiết. Các doanh nghiệp VN cũng nên lập một trang web bằng tiếng Nhật.
Về cơ bản thì tính chất của những đơn hàng từ Mỹ cũng giống như các đơn hàng từ Nhật Bản, cho nên cái gì cần cho các công ty Âu Mỹ thì cũng cần cho các công ty Nhật Bản. Tuy nhiên điều mà các doanh nghiệp VN cần chú ý là do là thị trường Nhật Bản, vì vậy khuynh hướng đặt hàng bằng môi trường tiếng Nhật là rất rõ ràng. Để đáp ứng điều này thì việc chuẩn bị nhân lực để đáp ứng cho thị trường Nhật Bản, ví dụ về tiếng chẳng hạn, là rất cần thiết.
Ngoài ra cũng có thể tận dụng các kênh thông tin nữa là người Nhật sang VN tìm hiểu, hỏi thăm công chuyện làm ăn khá nhiều, và các doanh nghiệp VN nên tận dụng triệt để cơ hội này để tiếp cận với các doanh nghiệp Nhật Bản. Chẳng hạn, tại TP HCM, mỗi tháng ít nhất đều có một DNPM sang tìm hiểu thị trường VN, các doanh nghiệp VN vì thế cần biết tận dụng các cơ hội này để tiếp xúc và tìm hiểu.
-
Thu Thảo