Điều tra này vừa được công bố tại cuộc họp Diễn đàn Doanh nghiệp vào cuối tháng 11 vừa qua. Theo các doanh nghiệp CNTT, ba yếu tố thuận lợi chính của môi trường đầu tư là ổn định về chính trị, thuận tiện về vị trí địa lý và quản lý hiệu quả tỷ giá hối đoái.
Phần lớn doanh nghiệp CNTT tham gia khảo sát là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ (mua bán thiết bị, tích hợp hệ thống, thiết kế cơ sở dữ liệu, mạng máy tính và đào tạo). Số lượng công ty có kế hoạch mở rộng sản xuất trong năm 2005 là 83% so với 77% kế hoạch năm 2004. Các doanh nghiệp gia công phần mềm xuất khẩu tiếp tục mở rộng thị trường, tăng doanh số và nhu cầu tuyển dụng chuyên gia, lập trình viên trình độ quốc tế sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh nhân lực khá.
Ông Trần Lạc Hồng: Năm 2005, Hội Tin học TP.HCM sẽ bắt đầu triển khai hoạt động tư vấn cho các doanh nghiệp CNTT, tăng cường các thông tin hợp tác kinh doanh với nước ngoài. |
Trao đổi với VietNamNet, ông Trần Lạc Hồng - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Tin học TP.HCM (HCA) cho biết: Kết quả khảo sát do HCA tiến hành cũng cho thấy cảm nhận chung của doanh nghiệp CNTT về môi trường kinh doanh trong nước là tích cực. Trong 23 doanh nghiệp được khảo sát, có 16 đơn vị nhận xét môi trường kinh doanh năm 2004 khá tốt, sáu cho là tốt, một đơn vị thấy còn kém. Nhưng sang năm 2005, 12 doanh nghiệp cho là khá tốt. Trong khi đó, năm 2003, chỉ có bốn đơn vị cho là tốt, 17 cho khá tốt và hai đơn vị thấy kém.
Về pháp lý, theo các doanh nghiệp, Chính phủ đã có những chính sách đúng đắn và kịp thời, chẳng hạn như nhanh chóng điều chỉnh Nghị định 164/CP bằng Nghị định 152/CP. Theo đó, công nghiệp phần mềm vẫn là ngành nghề, lĩnh vực được đặc biệt khuyến khích đầu tư trong giai đoạn từ 1/1/2004 đến hết 31/12/2005. Các doanh nghiệp phần mềm mới thành lập được hưởng thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi là 10% trong 15 năm kể từ khi bắt đầu kinh doanh, được miễn thuế trong vòng bốn năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp trong chín năm tiếp theo.
Có hơn 40% công ty cảm nhận và đánh giá tốt về cải thiện thủ tục hành chính, tiếp cận thị trường. Có sự đánh giá khác nhau giữa các công ty kinh doanh CNTT trong nước và nước ngoài. Các công ty CNTT trong nước đánh giá sự chuyển biến môi trường kinh doanh tốt hơn so với các công ty nước ngoài.
Về cơ hội đầu tư, môi trường trong nước đã lôi cuốn sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong năm 2004, Hội Tin học TP.HCM đã tiếp nhiều hiệp hội và doanh nghiệp từ Thụy Điển, Hungary, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kong, Đài Loan, Ấn Độ sang đàm phán về các vấn đề liên quan và có nhiều cuộc hội thảo hợp tác, đặt mối quan hệ về trao đổi thông tin thị trường, giới thiệu đối tác, cung cấp nguồn nhân lực CNTT. Có 80% doanh nghiệp được khảo sát cho biết sẽ mở rộng kinh doanh trong ba năm tới.
Năm 2005: Ba nỗi lo
Ông Hoàng Lê Minh - phó giám đốc Sở Bưu chính Viễn thông cho rằng: 2004 là năm mà ngành CNTT của Việt Nam có mức tăng trưởng cao nhất so với thời kỳ 2001-2003. Số lượng các doanh nghiệp, cơ quan và tổ chức sử dụng dịch vụ mạng Internet, xây dựng website để trao đổi thông tin và ứng dụng các phần mềm quản lý quan hệ khách hàng (CRM), quản lý tài nguyên doanh nghiệp (ERP), những hệ thống tin học hóa có quy mô lớn ngày càng tăng. Đây là động lực mạnh mẽ cho thị trường phần mềm và dịch vụ CNTT trong nước phát triển. Bên cạnh đó, việc các bộ, ngành và các địa phương bắt đầu quan tâm đến việc đầu tư cho CNTT cũng tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy sự phát triển của ngành này.
Mặc dù những cải thiện về thủ tục hành chính và chi phí kinh doanh được thể hiện rõ hơn so với năm 2003, một số đơn vị kinh doanh vẫn tỏ ra chưa thật sự hài lòng với việc tiếp cận đất đai, cấp vốn và thực thi pháp luật. Có 18% công ty cho biết không có kế hoạch mở rộng sản xuất vì các lý do: thực thi pháp luật bảo hộ phần mềm ở Việt Nam còn yếu kém, tệ quan liêu, tham nhũng và quy định thiếu bình đẳng giữa doanh nghiệp CNTT trong nước và nước ngoài... Có 50% công ty "kêu" về Nghị định 105/2003/NĐ-CP do quy định mức giới hạn chỉ có 3% đối với việc tuyển dụng lao động nước ngoài.
Các công ty tham gia khảo sát đã được yêu cầu đánh giá môi trường đầu tư ở 18 lĩnh vực. Kết quả cho thấy mức điểm "tương đối hài lòng" chiếm đa số. Những lĩnh vực được đánh giá ở mức thấp nhất là: bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, hệ thống toà án, cơ sở hạ tầng và thủ tục hành chính.
Theo các đơn vị được khảo sát, để môi trường kinh doanh CNTT trong nước thực sự phát triển thì vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, khả năng cạnh tranh so với khu vực và số lượng cán bộ có trình độ cần được cải thiện.
Mặt khác, vai trò tư vấn của các hiệp hội CNTT trong quá trình xây dựng dự thảo luật và các văn bản dưới luật về CNTT cần được chính thức công nhận và được thể chế hóa. Khi soạn thảo thảo văn bản pháp luật cần tham khảo ý kiến của các hiệp hội CNTT để tiếng nói của cộng đồng CNTT được phản ánh kịp thời, tạo sự đồng thuận trong thực thi luật. Ngoài ra, kết quả của cuộc điều tra cũng cho thấy việc phòng, chống tham nhũng được các doanh nghiệp tham gia khảo sát xếp vị trí thứ nhất theo thứ tự ưu tiên của hàng loạt biện pháp được đề xuất để cải thiện môi trường kinh doanh.
-
Bài, ảnh: Phan Thu Thảo