(VietNamNet) - Kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử-công nghệ thông tin (CNTT) của Việt Nam đứng thứ sáu trong số các ngành hàng xuất khẩu. Thế nhưng trong thực tế, doanh số ngành này lại vô cùng nhỏ bé so với kim ngạch xuất khẩu cùng ngành hàng của các nước trong khu vực. Có rất nhiều nguyên nhân, và các doanh nghiệp điện tử đang chờ một chiến lược để vực dậy.
Theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA), việc xuất khẩu (XK) ngành hàng điện tử–CNTT (bao gồm hàng điện tử, linh kiện máy tính) của Việt Nam mới chỉ bắt đầu từ năm 1996, với giá trị 90 triệu USD. Năm 2000 được coi là năm đỉnh cao của XK ngành hàng này với kim ngạch đạt 782 triệu USD, các sản phẩm điện tử–CNTT năm đó được xuất đi 35 nước. Sau năm 2000, do khủng hoảng kinh tế thế giới, kim ngạch XK hàng điện tử–CNTT bị giảm sút nghiêm trọng: năm 2001 xuất được 595 triệu USD, năm 2002 giảm còn 492 triệu USD. Tuy nhiên, đến năm 2003, do tình hình kinh tế thế giới đã bắt đầu ổn định, giá trị XK lại tăng lên 672 triệu USD, riêng sáu tháng đầu năm 2004 đã đạt 405 triệu USD. Dự kiến năm 2004 sẽ vượt năm 2000 là năm có kim ngạch XK cao nhất. Kết quả này đã nâng kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử–CNTT đứng thứ sáu trong số các ngành hàng xuất khẩu ở nước ta.
Tuy nhiên, theo đánh giá của VEIA, giá trị xuất khẩu hàng điện tử–CNTT của ta còn rất nhỏ so với các nước trong khu vực. So với kim ngạch XK ngành hàng này của các nước ASEAN năm 2001, Singapore đã đạt 70 tỷ USD, Malaysia 52,6 tỷ USD, Thái Lan 22,8 tỷ USD, Indonesia 10 tỷ USD và ít nhất là Philippines cũng đạt 7 tỷ USD. Như vậy, rõ là doanh số XK của Việt Nam là quá... khiêm tốn!
Phải “lách” mới có thị trường
Nguyên nhân nào khiến các doanh nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh trên thị trường XK? Đầu tiên phải kể đến: DN điện tử Việt Nam tuy đã phát triển về số lượng (khoảng 200 DN), nhưng phần lớn là các DN nhỏ, ít vốn, công nghệ sản xuất chưa cao.Trong khi đó, các công ty đa quốc gia đã thống trị toàn cầu từ chuyên môn, công nghệ, đến thiết lập mạng lưới sản xuất và phân phối, khống chế thị trường toàn cầu. Chính vì yếu năng lực nên các DN Việt Nam phải đi tìm những “thị trường khe”, “thị trường ngách”, là các thị trường và các sản phẩm mà các công ty đa quốc gia ít quan tâm hoặc họ bỏ không làm. Đơn cử, Công ty Điện tử Bình Hoà, một DN “có tiếng” thành công trong lĩnh vực XK nhưng cũng chỉ gia công, sản xuất các loại biến thế, cuộn cảm, bộ nguồn mini, cụm linh kiện... là các loại sản phẩm các “đại gia” không quan tâm vì số lượng ít, lợi nhuận thấp. Một số DN khác như Công ty Điện tử Hanel, Nhà máy Thiết bị Bưu điện cũng đã xuất khẩu một số sản phẩm như máy tính, thiết bị phụ trợ, phụ tùng linh kiện sang thị trường Mỹ la tinh, Lào, Campuchia theo cách thức tương tự.
Tuy xác định “mèo nhỏ bắt chuột bé” nhưng việc tìm kiếm những thị trường “khe, ngách” cũng vô cùng khó khăn và mất nhiều công sức. Vì các DN Việt Nam đang thiếu thông tin về thị trường ngoài nước, nhất là các thị trường xa xôi như châu Phi hay một số nước kém phát triển hơn Việt Nam. Một số DN Việt Nam tìm được đối tác để gia công hàng XK nhưng lại không đủ vốn và công nghệ để sản xuất nên đành phải chuyển giao sang cho DN có vốn đầu tư nước ngoài. Một nguyên nhân nữa khiến năng lực cạnh tranh của hàng điện tử Việt Nam bị yếu: Trong khi ngành công nghiệp sản xuất linh kiện còn chưa phát triển thì thuế nhập khẩu linh kiện để sản xuất của ta lại quá cao. Vì thế, hàng Việt Nam cạnh tranh về giá ở thị trường trong nước còn khó, chưa nói gì đến cạnh tranh ở nước ngoài.
Ngành điện tử chờ chiến lược!
Theo ông Bùi Quang Độ - chủ tịch VEIA, để phát triển thị trường trong nước và quốc tế cho hàng điện tử–CNTT Việt Nam, Nhà nước cần phải có chiến lược lâu dài, cũng cần có đầu tư đúng mức cho ngành hàng này. Riêng về thuế, do Việt Nam chưa có ngành công nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng, và trong tương lai cũng không có điều kiện để đầu tư nên không cần phải giữ thuế nhập khẩu linh kiện để bảo hộ hàng linh kiện, phụ tùng điện tử, cơ khí điện tử sản xuất trong nước.
Vì vậy, VEIA từ năm 2002 đã đề xuất loại bỏ thuế nhập khẩu linh kiện (xuống 0%) bất kể xuất xứ từ nước nào. Đối với những linh kiện sản xuất trong nước để tăng hàm lượng nội địa hoá, mức thuế bảo hộ không quá 10%. Những kiến nghị về thuế của VEIA hiện đang được Bộ Tài chính xem xét và sẽ có công bố mức thuế mới trong năm 2004.
Đồng thời, VEIA đề nghị các cơ quan ngoại giao, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần có những biện pháp cụ thể để giúp các DN Việt Nam có được các thông tin về thị trường, đối tác để hoạch định chiến lược sản xuất hàng cho xuất khẩu.
Tại Hội thảo về chiến lược phát triển Viễn thông và CNTT vừa được tổ chức trong khuôn khổ Telecomp-Electronics 2004 vừa qua, có một số ý kiến cho rằng Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các DN đầu tư cho khâu thiết kế các sản phẩm, như chip bán dẫn, để có được sản phẩm có hàm lượng trí tuệ cao thì mới mong ngành công nghiệp điện tử phát triển xứng với tiềm năng thị trường quốc tế.
Minh Quyên