(VietNamNet)- Ở Việt Nam cũng như nhiều nước khác có nhiều ý kiến không hài lòng về chế độ kết nối các mạng viễn thông với nhau (thời gian kết nối quá dài, dung lượng kết nối thấp, giá cước kết nối cao...). Đây là một trong những vấn đề được đem ra tranh luận trong Hội thảo năng lực cạnh tranh ngành Viễn thông Việt Nam diễn ra sáng nay (10/11) tại Hà Nội.
Buổi hội thảo được tổ chức với mục đích công bố và thảo luận kết quả nghiên cứu của Dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (VNCI) về tình hình cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông Việt Nam. Hội thảo đề cập tới hai nguyên tắc: vai trò cạnh tranh và vai trò của Nhà nước. Những vấn đề trọng tâm của ngành viễn thông Việt Nam nêu trong báo cáo của Dự án Đánh giá Tổng quan tình hình cạnh tranh trong lĩnh vực Viễn thông Việt Nam gồm vấn đề cơ quan quản lý độc lập, vấn đề cấp giấy phép một cách công bằng và minh bạch, vấn đề lạm dụng vai trò của doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế, vấn đề kết nối, và đầu tư nước ngoài.
Ông Nguyễn Thanh Hà (chuyên gia tư vấn Công ty Luật Vietbid) nhận định, nhìn chung Việt Nam đang có hệ thống viễn thông vận hành tương đối tốt, mức độ tin cậy tương đối cao, cho phép kết nối nhanh nhưng tốc độ đường truyền còn thấp; Mặc dù có nhiều dịch vụ mới, nhưng cơ sở hạ tầng này chưa được khai thác một cách đúng mực; Giảm giá dịch vụ sẽ làm tăng mạnh nhu cầu về dịch vụ viễn thông (nếu mặt bằng giá giảm 1/3, sẽ làm thị trường viễn thông tăng từ 25 - 30%); Cải tiến dịch vụ viễn thông sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, do làm tăng doanh thu, tăng lợi nhuận và tăng tốc độ đối mới công nghệ.
Hiện tại, Việt Nam có cơ sở hạ tầng viễn thông tương đối tốt. Tỷ lệ thâm nhập cao và mật độ sử dụng điện thoại hiện đã gần đạt mục tiêu đề ra cho năm 2005 là 10 máy điện thoại/ 100 dân. Hầu hết các dịch vụ điện thoại, bao gồm các dịch vụ mới như GPRS, VPN, Wi-Fi Internet... đều đã được cung cấp. Giá cước viễn thông cũng đã giảm đáng kể trong 4 năm qua, và mức cước của nhiều dịch vụ viễn thông, đặc biệt là các dịch vụ có liên quan tới Internet, đã thấp hơn mức trung bình của các nước ASEAN. |
Vấn đề kết nối giữa các mạng viễn thông với nhau, đặc biệt là mạng của doanh nghiệp mới với doanh nghiệp có thị phần khống chế, luôn được coi như là một vấn đề trọng tâm của việc chuyển từ độc quyền sang cạnh tranh, từ cơ chế độc quyền sang cơ chế thị trường trong viễn thông ở bất cứ quốc gia nào. Ở Việt Nam cũng như nhiều nước khác có nhiều ý kiến không hài lòng về chế độ kết nối (thời gian kết nối quá dài, dung lượng kết nối thấp, giá cước kết nối cao...). Ngoại trừ một số yếu tố khách quan thuộc về ngành và sự thiếu kinh nghiệm của VNPT về vấn đề mới mẻ này, có thể thấy một số lý do chủ quan, như việc MPT chậm ban hành các văn bản pháp quy, hoặc VNPT và các đơn vị thành viên thiếu hợp tác trong vấn đề nhạy cảm này. Ngoài ra, cũng còn có lý do thuộc về các doanh nghiệp mới và việc các doanh nghiệp này dựa quá nhiều vào hạ tầng mạng hiện có của VNPT.
Đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực viễn thông chỉ được hạn chế trong hình thức Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC), một nhà đầu tư viễn thông nước ngoài nói "đây là một hình thức dị dạng của đầu tư", cơ chế BCC đã hạn chế rất nhiều phạm vi và hiệu qủa hoạt động của đầu tư vào viễn thông, đặc biệt là vể mặt quyền tham gia quản lý điều hành, quyền về tàn sản của nhà đầu tư. Những hạn chế đó sẽ khó giúp Việt Nam thu hút được đầu tư nước ngoài vào các dự án lớn, quan trọng trong tương lai.
Tuy nhiên, ông Lê Đăng Doanh, chuyên gia cao cấp Bộ Kế hoạch đầu tư cho rằng, để đánh giá về thực trạng cạnh tranh không nên dựa vào lý thuyết vì không giúp ích gì cho việc đề xuất những biện pháp cải thiện trong thực tế. Theo ông Doanh thì nên bổ sung các phân tích để nhận định ''sức ép cạnh tranh đã xuất hiện phần lớn phân đoạn thị trường'' được chính xác hơn. Cũng nên làm rõ thêm những hạn chế trên thị trường Viễn thông ở Việt Nam vì đây là một lĩnh vực doanh nghiệp nước ngoài còn có nhiều quyền tiếp cận thì trường hơn là doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Về khuôn khổ chính sách và pháp luật cho cạnh tranh trong viễn thông, theo sự phân tích của chuyên gia Nguyễn Thanh Hà, các quy định cụ thể để thực thi còn thiếu nhiều, cũng có một số vần đề về nhận thức cần được làm rõ hơn, để việc thực thi khuôn khổ chính sách và pháp lý cho cạnh tranh được thuận lợi; Về vấn đề cơ quan quản lý độc lập, Nhà nước cũng cần xem xét thành lập một số Hội đồng tư vấn quốc gia và cấp Bộ để xem xét một số vấn đề quan trọng của ngành; Việc cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông cần làm rõ các điều kiện và tiêu chuẩn để được cấp phép, làm rõ và minh bạch hơn quy trình cấp phép, và tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia mạnh mẽ hơn vào thị trường viễn thông.
Vấn đề này được ông Doanh nhận định, nên phân tích kỹ những điều kiện hạn chế và kiểm soát nghiêm ngặt lầm cho những quy định trên những văn bản pháp quy chậm được thực thi. Một kinh nghiệm có ích với Việt Nam là các biện pháp cho phép bảo đảm an ninh trong khi mở rộng sự tham gia của các thành phần kinh doanh trong nước và ngoài nước, vì đây là sự quan tâm lớn nhất trong lựa chọn chính sách của Việt Nam.
Theo Tiến sĩ David Ray, Phó Giám Đốc Dự án Nâng cao Năng lực Cạnh tranh Việt Nam (VNCI), đối với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, cạnh tranh mang theo nó một giá trị gia tăng quan trọng nhằm tăng sức hấp dẫn đối với đầu tư, mà đầu tư đang chính là điều tối cần thiết cho Việt Nam. Có lẽ, cách tốt nhất là nhà nước giữ vai trò hoạch định và ban hành chính sách, còn khu vực tư nhân sẽ chịu trách nhiệm quản lý, kinh doanh, đầu tư, tài chính và xây dựng. Tiến sĩ Ray cho rằng, khuôn khổ pháp luật về cạnh tranh vẫn còn nhiều điểm cần được hoàn thiện tiếp tục. ''Cạnh tranh, thay vì độc quyền, và một chính sách hiệu quả, thay vì quyền sở hữu''- Tiến sỹ Davi Ray nhấn mạnh.
Việt Nam dường như đã xây dựng được và điều hành khá tốt mạng lưới viễn thông. Tuy nhiên, mặc dù đã có những cải cách gần đây, viễn thông vẫn là lĩnh vực còn nhiều độc quyền. Các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục chiếm vai trò chủ đạo và khối doanh nghiệp tư nhân chỉ đóng vai trò không đáng kể. Hệ thống pháp luật của Việt Nam còn chưa thật minh bạch, và dường như cả khâu soạn thảo lẫn khâu thực hiện đều có xu hướng thuận lợi nhiều hơn cho doanh nghiệp nhà nước.
-
Kiều Minh