Ông Reinaudo: ''Thị trường viễn thông Việt Nam có tiềm năng rất lớn. Về cá nhân, tôi rất thích đất nước và con người Việt Nam.'' |
- Hoạt động của Alcatel ở Việt Nam đang phát triển ra sao, thưa ông?
- Ông Christian Reinaudo: Có mặt ở Việt Nam từ năm 1998, Alcatel đã tiến hành một chính sách thương mại tổng hợp trên toàn bộ thị trường viễn thông. Alcatel đã phát triển dựa trên hai thị trường có giá trị gia tăng lớn: hệ thống liên lạc tổng đài và các cơ sở hạ tầng điện thoại di động, sau đó, mở rộng hoạt động ra lĩnh vực viễn thông.
Cuối những năm 1980, Alcatel đã quyết định đầu tư vào Việt Nam qua liên doanh với Tổng công ty Bưu chính-Viễn thông Việt Nam (VNPT), Alcatel Network Systems Vietnam (ANSV). Công ty này bắt đầu đi vào sản xuất năm 1993 với công suất ban đầu là 150.000 đường dây điện thoại mỗi năm và hiện nay là 400.000, mà thành công thương mại đã được tăng lên nhiều lần.
Sau khi đã lắp đặt 35 tổng đài và hơn hai triệu số điện thoại trên toàn lãnh thổ Việt Nam, Alcatel hôm nay đã có vị trí dẫn đầu với 45% thị phần. Tuy vậy, Alcatel còn phải đối đầu với sự cạnh tranh ngày càng tăng của NEC và Siemens - vốn cũng đã lập công ty liên doanh, cũng như của Ericsson.
Về thị trường điện thoại di động, Alcatel đã du nhập công nghệ GSM vào Việt Nam năm 1993 qua việc cung cấp hệ thống đầu tiên ở phía Bắc đất nước (Hà Nội). Mặt khác, nhà khai thác mạng di động GSM thứ ba hiện nay là Viettel. Cung cấp cho cả ba nhà khai thác này, Alcatel hiện nắm 25% thị phần và đang phải đối mặt với sự cạnh tranh của Ericsson.
- Vệ tinh là thế mạnh của Alcatel, song việc hợp tác trong lĩnh vực này với VNPT đang tiến triển ra sao?
- Hiện tại, Việt Nam mong muốn có một vệ tinh địa tĩnh công suất nhỏ (chừng 15 kênh) để đảm bảo các dịch vụ viễn thông như truyền hình, truyền dữ liệu và các công việc của Chính phủ. Dự án vệ tinh VINASAT được chính phủ phê chuẩn tháng 9/1998 và có giá thành dự tính khoảng 200 triệu USD cho phần vũ trụ (vệ tinh/bảo hiểm/trạm kiểm soát). Alcatel tích cực theo dõi dự án này từ năm 1994 và đã chào hàng ngày 27/6/2003.
- Về công nghệ băng rộng, ứng dụng đối với thị trường Việt Nam như thế nào?
- Việc đưa vào sử dụng công nghệ ADSL, Internet tốc độ cao là một ưu tiên đối với VNPT. Dịch vụ thương mại đã chính thức khai trương ngày 1/7/2003 và đã có khoảng 3.500 thuê bao. Giai đoạn đầu sẽ triển khai 10.000 số, giai đoạn hai dự kiến sẽ lắp đặt công nghệ ADSL cho 15 địa phương nữa vào cuối năm 2003 và cho 28 địa phương khác vào năm 2004.
Về công nghệ ADSL, hiện chúng tôi đang tham gia vào phát triển công nghệ này ở Việt Nam (với 60% thị phần) và sẽ phải cạnh tranh với Siemens cùng LG. Sự phát triển công nghệ NGN (mạng thế hệ mới – New Generation Network) được Chính phủ khuyến khích ở Việt Nam. Việc khai thác thương mại của công nghệ này ở Việt Nam có thể sẽ tiến hành vào các năm 2005-2006. VNPT đang thử nghiệm công nghệ này. Do nổi trội trong lĩnh vực liên lạc tổng đài và do kinh nghiệm có được trong các lĩnh vực khác, Alcatel có một vị trí thuận lợi để phát triển thực sự các mạng thế hệ mới.
- Câu hỏi cuối: Ông đánh giá thế nào về viễn thông Việt Nam trên thị trường châu Á-Thái Bình dương?
- Thị trường viễn thông Việt Nam có tiềm năng rất lớn (và về cá nhân, tôi cũng rất thích đất nước và con người Việt Nam). Chính phủ Việt Nam đã xác định lĩnh vực viễn thông là một trong những ưu tiên của hiện đại hóa đất nước: tăng số đường dây, kỹ thuật số hóa, đa dạng dịch vụ. Theo đánh giá của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), với tốc độ tăng trưởng 70% trong những năm vừa qua, thị trường viễn thông của Việt Nam đứng thứ hai thế giới về tăng trưởng
Mục tiêu phát triển thời gian tới của Tập đoàn Alcatel tại Việt Nam là củng cố vị trí dẫn đầu trong các lĩnh vực: thử nghiệm mạng NGN, truy cập băng thông rộng DSL,... Đồng thời, tiếp tục phát triển trong lĩnh vực điện thoại di động: các dịch vụ MMS, mở rộng mạng IN, thử nghiệm 3G...
Hoàng Hùng (thực hiện)